Huyết sử võ lâm - Hồi 36

Huyết sử võ lâm - Hồi 36

Ung dung ứng địch

Ngày đăng: 04-03-2012
Tổng cộng 78 hồi
Đánh giá: 8.5/10 với 906944 lượt xem

Thời gian lúc đó vào Ngọ.
Thái dương nhả nóng ngay đỉnh đầu, song không làm ấm nổi một thị trấn đang chìm trong tử khí.
Trên mọi nẻo đường không có một bóng người.
Từ trong nhà, đến mọi góc hẻm, chẳng có một tiếng động.
Cảnh lạnh lùng còn hơn thành Uổng Tử. Dù thái dương đang chói lọi trên không, chuyển nhựa sống xuống trần gian.
Chẳng khác nào trận mưa rào, giọt nước mát ngọt đến đâu chẳng làm sống lại một khu rừng chết.
Con chó già nằm nép bên chân tường, ngày thường sủa mỏi mồm trước bộ hành đông đúc, bây giờ chỉ ngáp ruồi, đợi mãi một bóng người, sủa lên mấy tiếng cũng chẳng có dịp sủa.
Một thị trấn trở thành hoang lương thê thảm, là một sự kiện phi thường, một biến cố có cái tầm quan trọng to tát.
Nếu bất chợt có khách viễn phương đến vùng này, họ phải giật mình tưởng rằng lạc lõng chốn âm ty.
Trong khung cảnh đó, xuyên qua những con đường chết, Du Bội Ngọc bước đi.
Chàng đi mãi, ra khỏi thị trấn, nhìn tới trước nơi khu rừng già gần đó, thấy bóng người dao động lại qua.
Chàng nghĩ, bọn Du Phóng Hạc đang tại đó, nên gấp bước tiến tới.
Bất quá, chàng nghĩ một số ít người đang túc trực tại đây, còn thì tản mác khắp nơi, chờ giờ quyết định.
Nào hay ở đây, gần như đang quy tụ một biển người. Người trên tàng cây, người dựa cội cây, người trên tảng đá, nơi nào ngồi được là có người, nơi nào đi tới lui được là có người.
Người già có, trẻ có, nam có, nữ có.
Người đây là cư dân của thị trấn. Tất cả đều do sự bức bách của Du Phóng Hạc quy tụ tại đây.
Già trẻ nam nữ như nhau, người nào cũng ưu tư ra mặt, kinh hãi ra mặt.
Tất cả người trong thị trấn đều ở tại đây, song chẳng có một tiếng động.
Không ai nói với ai một lời.
Không có một nụ cười trong một biển người.
Du Bội Ngọc thở dài :
- Cái lão Du Phóng Hạc đó đúng là một kẻ mua danh chuốc tiếng. Lão đưa mọi người ra đến đây, hẳn là phải vịn vào cái cớ tránh sự thương tổn cho họ, nhưng họ là những người chơn chất, lương thiện, họ làm gì ai mà ai toan gây thương tổn cho họ?
Lão làm như luôn luôn lo lắng đến sự an toàn của mọi người...
Những người tại đó đều giương mắt nhìn chàng. Họ có vẻ nửa kinh hoàng, nửa khinh ghét. Họ như ngầm bảo chàng :
- Lại còn muốn gì nữa đó? Người ta đã bỏ nhà ra đây rồi, chưa vừa lòng sao, tìm theo mà quấy nhiễu?
Du Bội Ngọc không dám nhìn họ thẳng mắt, cúi gầm đầu lủi thủi bước đi.
Bỗng có hai đại hán vận y phục chẹt, từ trong rừng bước ra chận lối chàng.
Một người vòng tay hỏi :
- Bằng hữu từ đâu đến? Đến có việc gì?
Hai đại hán chắc không hề đến Lý Độ trấn, nên chẳng nhận ra Du Bội Ngọc.
Nhưng chàng biết ngay họ là người trong nhóm Du Phóng Hạc.
Trong phút chốc, chàng cảm thấy lửa giận bốc cháy mạnh ngọn trong lòng, nhưng trong lúc này có phát tác cũng chẳng ích gì, chàng lạnh lùng hỏi lại :
- Các vị có thể đưa đường tại hạ chăng? Tại hạ đến đây để đưa tin.
Một đại hán bật cười vang :
- Minh chủ đã biết là sẽ có người đưa tin đến, cho nên đặt bọn tại hạ tại đây chờ đón. Dự toán như Minh chủ quả sáng suốt như thần! Đáng phục thật! Đáng phục!
Du Bội Ngọc thản nhiên :
- Ạ?
Người đó trừng mắt nhìn chàng, gương mặt trầm xuống :
- Đã vậy, các hạ cứ theo tại hạ. Nếu Minh chủ không nói trước, gặp các hạ như thế này hẳn bọn tại hạ...
Du Bội Ngọc thấy chúng khinh thường chàng quá, thầm nghĩ :
- Nếu tất cả những người chịu lệnh sai sử của Du Phóng Hạ thì may mắn biết bao nhiêu?
Gần khu rừng, có ngôi đạo quán. Thị trấn gồm phần đông những người họ Lý, nên ngôi đạo quán này thờ Lý Lão Quân. Những người họ Lý cho rằng họ là giòng dõi của Lý Lão Quân, cho nên hiệp nhau bỏ tiền tu bổ hết sức huy hoàng, khuôn viên rộng lớn, so với một ngôi chùa hữu danh, đạo quán này còn to hơn một phần.
Hiện tại, ngôi đạo quán im vắng như chẳng có người ở, vọng cửa sơn đen khép hờ.
Hai đại hán đưa Du Bội Ngọc đến trước cửa quán, quay đầu lại bảo chàng :
- Bằng hữu đứng đợi tại đây một chút, bọn tại hạ vào trong thông tác rồi trở ra ngay, xin bằng hữu đừng đi đâu nhé!
Du Bội Ngọc cười nhạt :
- Các vị có sự thông cảm như vậy, tại hạ hết sức cảm kích!
Hai người trừng mắt nhìn chàng, cùng cười lạnh, rồi bước vào trong.
Bên trong, có tiếng thốt âm thinh vọng ra ngoài :
- Minh chủ cho biết là đối phương rất lợi hại, song tôi xem tên đưa tin quá tầm thường. Hắn như một phường tuồng bôi son trát phấn, trông bảnh bao lắm, rất tiếc là có cái sẹo cao nơi mặt.
Du Bội Ngọc không giận, trái lại còn thích thú.
Phàm thiếu niên, huyết khí phương cương, dễ nóng tính bị ai chê, ai khinh, ai làm nhục, đều khó chịu cả. Song, Du Bội Ngọc trầm tĩnh phi thường.
Chàng trầm tĩnh được, cũng nhờ trải qua nhiều gian khổ, có những trường hợp dồn chàng vào bất lực, nóng nảy cũng chẳng ích gì, chàng nhẫn nhịn thành quen.
Bây giờ nếu chẳng bị bắt buộc bảo vệ sinh mạng thì nhất định chàng giả câm giả điếc.
Một lúc lâu, có tiếng đằng hắng bên trong cửa, rồi một người hỏi :
- Người mang tin ở đâu?
Du Bội Ngọc biết ngay đó là cái lối lên tiếng vừa dọa tinh thần kẻ chờ đợi là chàng, mà cũng vừa tăng can đảm cho chính người đó.
Bởi y hiểu rõ kẻ mang tin đang đứng bên ngoài cửa kia mà, muốn gặp là cứ xô cửa bước ra, hà tất phải lên tiếng hỏi bâng quơ.
Những người sợ ma đi vào hoang địa có mộ phần thường dùng cái lối hỏi bâng quơ như vậy.
Chàng xốc lại chiếc áo thẳng thớm, đoạn lên tiếng :
- Ở đây!
Chàng đáp để cho tròn vai của kẻ nào đó đang đóng kịch dọa người, tăng tinh thần.
Hỏi xong, đáp xong là tấn kịch bắt đầu.
Nhưng chưa có ai bước ra.
Chàng đợi một lúc lâu, sốt ruột, lập lại mấy lượt liền tiếp :
- Kẻ mang tin ở đây! Kẻ mang tin ở đây!
Bên trong vẫn im lìm.
Du Bội Ngọc chờ một lúc, bật cười khan :
- Các hạ đã biết có người mang tin đến, sao lại làm ngơ không lẽ các hạ chẳng muốn nhận tin? Tại hạ thực tình chẳng hiểu nổi dụng ý của các hạ rồi!
Bên trong vẫn im lìm.
Du Bội Ngọc lại tiếp :
- Tại hạ nhận sự ủy thác của người, phải trung thành với nhiệm vụ, đã mang tin đến đây rồi, dù thị dù phi, dù lành dù dữ, cũng phải đưa tin đến tận đây...
Chàng đẩy cửa bước vào.
Không có một bóng người nào bên trong, giữa không gian trầm lặng của phần tiền điện đạo quán rộng lớn.
Hai đại hán đưa chàng đến đây cũng mất dạng.
Du Bội Ngọc không nhìn tả, không nhìn hữu, cứ thẳng đường trước mặt đi tới.
Chàng đi vào đại điện.
Nơi đó khói hương nghi ngút, tượng thần trang nghiêm phơi lộ.
Những vật trên bệ thờ còn y nguyên tại chỗ, chỉ có chiếc lư hương thì bị trịch qua một bên.
Chiếc lư hương rất to, rất nặng, không ai dư công đùa giỡn mà dời nó lệch vị trí.
Vả lại dời nó sai chỗ để làm gì?
Thế tại sao nó sai vị trí?
Đáng lý nó phải ở chính giữa, thì nó lại nép về một bên, Du Bội Ngọc nhận ra ngay điều quái dị đó.
Giả như có người di chuyển chiếc lư nổi, thì người đó phải có thần lực mạnh hơn Bá Vương thuở nào.
Bằng nếu không, thì hẳn phải có cơ quan điều động.
Chiếc lư hương lệch qua một bên, tại khoảng giữa tiền điện có mười hai chiếc ghế bành, cây đỏ.
Ghế bỏ trống chẳng có một người nào ngồi trên đó cả.
Đến nơi đây, hầu như cùng đường, Du Bội Ngọc không còn tiến sâu vào trong được.
Chàng bỗng thức ngộ thầm nghĩ :
- Họ biết rõ người bệnh sẽ đáp thơ, mượn cái cớ đáp thơ để do thám tình hình, cho nên ẩn mặt. Du Phóng Hạc và Lâm Tẩu Các cần gì phải ẩn mặt? Nếu cần ẩn mặt thì chỉ có người mà họ cầu viện đó thôi!
Người đó là ai? Tại sao muốn giữ sự thần bí như vậy? Tại sao lại sợ người bệnh biết? Nếu biết được, thì người bệnh phải làm sao? Trốn chăng?
Du Bội Ngọc bất giác động tính hiếu kỳ, đảo mắt nhìn quanh một lượt, đoạn vòng tay hướng về cái ghế trống và thốt :
- Tại hạ là Du Bội Ngọc, đến đây mong được bái kiến Minh chủ!
Chàng tỏ vẻ cung cung kính kính, tuy đối với chiếc ghế bỏ trống mà chẳng khác nào có Du Phóng Hạc đang ngồi trên đó.
Nếu không muốn mất thân phận Minh chủ, tự nhiên Du Phóng Hạc phải xuất hiện tiếp đón chàng.
Quả nhiên không lâu lắm, từ phía sau, Du Phóng Hạc vừa cười vừa thốt :
- Lão phu thực tình không tưởng người mang tin lại chính là Du công tử! Thật lỗi quá! Lỗi quá!
Đúng là lão dùng cái giọng khách sáo.
Bỗng, bên cạnh Du Phóng Hạc một người nào đó, cao giọng hỏi :
- Ngươi thay mặt Phượng Tam mang tin đến đây?
Nhờ có đến đây, Du Bội Ngọc mới biết người bệnh là Phượng Tam.
Giọng nói đó rất nhanh, gần như hấp tấp, tỏ rõ cái tánh có nóng nảy phần nào, chứ chẳng phải tự nhiên do tánh người.
Du Bội Ngọc đoán ra người nào đó phải có tánh táo bạo. Mà tánh người táo bạo thì ít khi đạt đến mức thành tựu cao siêu, dù có luyện được lâu năm, dù có học được chân truyền cũng chẳng khi nào tạo được một căn cơ vững chắc.
Bản lãnh của những người đó hẳn là phù phiếm, bạo phát thì bạo tàn...
Nhưng âm thinh của y lại chứng minh điều trái ngược. Âm thinh vang lên như chuông đồng, như trống lớn, dội chan chát vào màn tai.
Du Bội Ngọc đoán là người đó có võ công rất cao, bình sanh chàng chưa gặp một tay nào có võ công ở mức độ đó.
Người ấy phải trên hẳn mười ba vị Chưởng môn một bậc.
Chàng chưa kịp đáp, người đó lại hỏi dồn :
- Ta hỏi sao ngươi không đáp nhanh?
- Đúng vậy! Tại hạ thay mặt Phượng lão tiền bối, mang tin đến đây!
Người đó cao giọng :
- Ngươi là chi của Phượng Tam?
Du Bội Ngọc đáp :
- Không thân thích, không giao tình, bất quá...
Người đó hét lớn :
- Không là chi cả, sao ngươi thay hắn mang tin? Ngươi ăn no rồi chẳng có việc gì làm à?
Mỗi câu nói ra chưa dứt ý, là bị người đó chận lại liền. Du Bội Ngọc cười thầm :
- Sao y lại nóng nảy thế? Bạo tác như thế thì làm sao luyện võ thành tựu được?
Y có võ công cao, chẳng biết y luyện cách nào mà cao?
Du Bội Ngọc cười nhẹ :
- Mang tin chẳng phải là việc khó khăn, làm được việc gì hữu ích cho người đời, là tại hạ vui mà làm, đợi gì phải có thân có giao tình?
Người đó hừ một tiếng :
- Thơ đâu?
Du Bội Ngọc đáp :
- Thơ miệng, chứ không có thơ giấy!
Người đó hừ một tiếng nữa lớn hơn :
- Thơ miệng? Lão ấy không còn cầm bút nữa à?
Bỗng y bật cười vang.
Tiếng cười của y nghe lạnh người. Tiếng cười chấn động cả tòa đại điện, chừng như thần tượng cũng rung rung.
Du Bội Ngọc kinh hãi.
Rồi tiếng cười ngưng bặt.
Chàng trầm giọng thốt :
- Phượng lão tiền bối nhờ tại hạ đến cho các vị rõ, giờ Tý đêm nay, người ở tại đó sẵn sàng chờ các vị đến, mong các vị đến đúng giờ...
Người đó sôi giận :
- Đến đúng giờ? Thế lão ấy cho rằng ta sợ nên hẹn rồi mà chẳng dám đến?
Du Bội Ngọc tiếp :
- Cái ý của Phượng lão tiền bối, bất quá là...
Người đó lại hét :
- Ý tứ của lão, ngươi làm sao biết được? Ngươi là cái quái gì? Tin đã mang đến đây xong, lo mà cút đi, nấn ná lại đó, ta đập vỡ sọ đấy!
Du Bội Ngọc cười nhạt :
- Nếu vậy, tại hạ xin cáo từ!
Bọn Du Phóng Hạc không làm khó dễ gì chàng, đáng lý chàng khoan khoái mới phải, trái lại chàng suy tư trầm trọng.
Mang tin đến đây, chàng có hai mục đích, một cho người bệnh, một riêng cho chàng.
Lo cho người bệnh là xem hư thực tại ngôi đạo quán này. Lo cho chàng là tìm gặp Hồng Liên Hoa.
Chàng không muốn Hồng Liên Hoa bị lôi cuốn vào công cuộc này.
Nhưng cả hai mục đích, chàng chưa đạt được một.
Hư thực tại đây ra sao, chàng không rõ. Chàng cũng không gặp Hồng Liên Hoa.
Như vậy, chàng ra về là sao được?
Song, cứ như tình thế này, chàng cũng không thể ở lại được. Thế là một cuộc ra đi vô ích.
Lá rụng quanh đạo quán chưa được quét sạch, tô đậm cái ý thu. Mùa thu gieo ảm đạm khắp nơi, mùa thu cũng gieo cảm đạm trong tâm hồn Du Bội Ngọc, kết tinh lại thành một thất vọng não nề.
Chàng bước trên lá rụng, cứ than thầm mãi.
Bỗng, một tiếng soạt vang lên, ánh kiếm chớp ngời, một mũi kiếm đâm vèo từ sau lưng nhắm vào sườn chàng.
Kiếm thế rất nhanh, dù hay kịp, Du Bội Ngọc cũng khó tránh kịp.
Nhưng đến đây với cảnh giác đề cao tột độ, chàng phòng bị rất chu đáo, dù tâm tư nặng niềm sầu đọng, chàng vẫn lưu ý đến mọi diễn tiến chung quanh.
Lập tức, chàng quay người lại, đồng thời đưa tay lên vẽ một vòng tròn.
Chàng thi triển một thủ pháp do người bệnh truyền thụ.
Chàng cũng chẳng rõ oai lực của thủ pháp đó như thế nào, song tình thế cấp bách, chàng đánh liều sử dụng.
Một tiếng rắc vang lên, thanh kiếm đó lọt vào vòng vẽ gãy thành hai đoạn.
Bàn tay chàng không hề chạm kiếm, chính kình khí của vòng vẽ đó chạm trúng kiếm, làm kiếm gãy lìa.
Du Bội Ngọc không tưởng nổi kết quả phi thường như vậy.
Nơi gốc cây, một người cầm nửa đoạn kiếm, đứng thừ ra đó, kinh ngạc đến xuất thần.
Người đó chính là Lăng Hoa Thần Kiếm Lâm Tẩu Các.
Trông thấy Lâm Tẩu Các, Du Bội Ngọc tỉnh ngộ liền.
Thì ra, họ vẫn không yên lòng vì chàng, họ muốn xem võ công của chàng để đoán lai lịch.
Bởi khi bị tấn công bất ngờ, do phản ứng tự nhiên, con người để lộ chân tướng.
Nếu biết trước được, thì ai lại chẳng biết dùng đến võ học ngoại môn để giấu lai lịch của mình.
Cũng may, Du Bội Ngọc lại sử dụng thủ pháp do người bệnh truyền thụ. Thành ra, chàng vừa giữ được hành tung, vừa thủ thắng dễ dàng.
Du Bội Ngọc cười nhẹ :
- Không ngờ lại gặp đại hiệp tại đây! Kiếm pháp của đại hiệp cao diệu vô cùng.
Lâm Tẩu Các bối rối chưa biết đáp như thế nào, chàng lại mỉm cười cứ đi tới.
Vừa lúc đó, tiếng quát vang lên như sấm dậy ngang mày, cùng tiếng quát, một bóng người vút tới :
- Đứng lại đó!
Quát đã to như sấm, đến nhanh như gió, mạnh như bão, giả dĩ con người đó mặt to mày rậm, râu ngắn bao trọn cằm lan ra cả mặt, người đó hẳn phải có thân hình to lớn, mới đúng với luật cân đối.
Không!
Người đó, ốm, nhỏ, bất quá cao đến ngực Du Bội Ngọc thôi, vận chiếc đạo bào bằng bố, màu lam, thắt dây gai, một thanh đoản kiếm dài độ một thước cài bên trong dây gai cạnh sườn.
Vỏ kiếm nạm đầy châu, chiếu sáng ngời.
Du Bội Ngọc giật mình trước con người kỳ dị, kỳ từ cách ăn mặc đến thân vóc, tuy nhiên chàng giữ trầm tịnh như thường, cười nhẹ hỏi :
- Tiền bối có điều chi phân phó?
Người đó quắc đôi mắt to, nhìn chàng không chớp. Một lúc lâu, lại hét, chừng như lão có thói quen đối thoại với ai là chỉ hét thôi :
- Ngươi thực sự là chi của Phượng Tam?
Du Bội Ngọc điềm nhiên :
- Tại hạ đã trình qua với tiền bối rồi, đối với Phượng Tam, tại hạ chẳng có mảy may liên hệ...
Đạo nhân áo lam lại hét :
- Vô lý! Nếu không liên hệ, sao ngươi lại học được chiêu Hành Vân Bố Vũ, Phượng Vũ Cửu Thiên?
Mỗi lần lão đạo thốt, âm thinh làm Du Bội Ngọc khiếp hãi vô cùng.
Không ai tưởng, con người nhỏ thó như thế, lại có oai lực phi thường.
Du Bội Ngọc thở dài, nhếch nụ cười khổ :
- Phượng lão tiền bối vừa chỉ qua cho tại hạ, trước khi nhờ tại hạ đến đây. Thú thật với lão tiền bối, tại hạ không biết cái chiêu đó tên chi.
Đạo nhân áo lam nổi giận :
- Vô lý! Vô lý! Không bao giờ Phượng Tam khinh thường truyền thọ tuyệt học cho người ngoài.
Đã là kẻ xuất gia, người đó lại ăn nói hồ đồ, thô bạo quá. Du Bội Ngọc cười thầm, nhận thấy cái gì nơi lão cũng mâu thuẫn cả.
Chàng bình tĩnh đáp :
- Vì Phượng lão tiền bối sợ mất mặt người thay mặt, nên...
Đạo nhân áo lam lại hét :
- Cũng được đi! Nhưng trong khoảnh khắc mà ngươi học được như vậy, kể ra ngươi chẳng phải là người? Con người phàm tục đâu có thể thông minh như thế nổi?
Lão không tin là phải. Dù cho ai cũng không tin.
Rồi, học một tuyệt chiêu, muốn sử dụng thuần thục, ít nhất cũng trải qua một thời gian ngắn, chứ có ai học võ còn nhanh hơn học một câu nói?
Sai người đưa tin, sợ mất mặt nói qua loa một chiêu thức, người mang tin lãnh hội ngay, và sử dụng rất thuần thục.
Một sự kiện chỉ có trong tưởng tưởng thôi.
Du Bội Ngọc cười khổ :
- Nếu lão tiền bối không chịu tin, tại hạ còn biết nói sao?
Đạo nhân áo lam lại hét :
- Ngươi chẳng biết nói sao? Dù biết nói sao, trước mặt ta, ngươi chẳng được nói ngoa! Giả như ta xuất thủ, thì ngươi sẽ cho là ta ỷ lớn hiếp nhỏ...
Chính lão thốt, rồi lão giận vì câu nói, lão lại hét lên :
- Ngươi cho là ta ỷ lớn hiếp nhỏ phải không? Phải vậy không?
Du Bội Ngọc mỉm cười :
- Câu đó, chính lão tiền bối nói ra, sao lại...
Đạo nhân áo lam quát chận :
- Ngươi không nói, nhưng ngươi cười, ngươi cười gì?
Du Bội Ngọc nghĩ thầm :
- Con ngươi không chịu nghe ai giảng lý cả, ta chưa từng thấy trên đời này!
Đạo nhân lại hét :
- Tại sao ngươi câm? Bỗng dưng lại mang tật câm à?
Du Bội Ngọc cười khổ :
- Tiền bối không có ý động thủ thì tại hạ xin cáo từ vậy!
Đạo nhân hét :
- Không được đi đâu cả! Nếu ngươi không phải là đồ đệ của Phượng Tam, ta cho ngươi đi, song ngươi đã học được võ công của Phượng Tam rồi, ta không thể cho ngươi đi được. Ta muốn biết Phượng Tam đã truyền dạy cho ngươi những gì?
Lão quay đầu về phía sau, quát lớn :
- Đồ đệ của thiên hạ ở đây, diệu võ dương oai, còn đồ đệ của ta đâu, chết hết cả rồi ạ?
Một bóng người từ trong đại điện bay vọt ra, người đó nghiêng mình trước mặt lão :
- Sư phụ có điều chi phân phó?
Du Bội Ngọc chỉ nghĩ đồ đệ của đạo nhân áo lam phải là Điền Tế Vân, ngờ đâu người vừa đến là một tiểu đạo sĩ, mày thanh mắt đẹp, tư chất văn nhã, vận chiếc áo màu xanh, gương mặt trắng hồng, làn da rất mỏng, tưởng chừng như con ruồi đáp lên đó cũng làm xơ xát được.
Du Bội Ngọc có cảm tưởng đạo sĩ đó là một nữ nhân.
Đạo nhân áo lam lại hét :
- Ta có điều gì phân phó? Hừ! Hỏi nghe hay! Ngươi có là kẻ chết rồi đâu, lại chẳng hiểu chi cả?
Tiểu đạo sĩ cười vuốt :
- Sư phụ muốn thực nghiệm võ công của vị công tử này?
Đạo nhân áo lam vẫn quen tánh hét :
- Đã biết vậy, sao còn hỏi ta?
Du Bội Ngọc bây giờ mới hiểu chẳng những riêng đối với chàng lão hàm hồ la hét, mà đối với đệ tử của lão, lão vẫn bạo tàn như vậy.
Chàng lắc đầu, thầm nghĩ :
- Chịu được cái tính khí của lão cũng đủ khổ rồi, nói gì đến học hỏi đòi lắm công phu, còn ai theo học lão nổi?
- Đệ tử Thập Vân, xin lãnh giáo công tử, mong công tử lưu tình!
Đạo sĩ xưng là đệ tử, phải xin lưu tình, rõ là khiêm tốn quá độ, gần như khách sáo.
Đạo sĩ hòa dịu quá, tánh tình đó tương phản rõ rệt với tánh tình của sư tôn. Vậy mà hai cái tương phản chịu đựng với nhau được, qua nhiều năm tháng kể cũng lạ.
Phải qua nhiêu năm tháng, bởi đào tạo một đồ đệ, đâu phải là việc ngày việc bữa?
Du Bội Ngọc đáp lễ :
- Đạo trưởng quá khiêm! Đáng lý tại hạ chẳng dám múa máy trước đạo trưởng, song vì...
Đạo nhân áo lam hét :
- Đánh thì cứ đánh, còn nhiều lời chi cho mất thời giờ?
Du Bội Ngọc cười khổ :
- Đã vậy, xin đạo trưởng xuất chiêu!
Thập Vân mỉm cười :
- Công tử đã dạy, đệ tử xin vô lễ!
Câu nói vừa buông dứt, chiêu thức bay ra liền.
Du Bội Ngọc không tưởng là một con người văn nhã, mảnh mai như thiếu nữ, lại có oai lực phi thường, khí thế phát huy cuồn cuộn như thác đổ, ầm ầm như núi vỡ.
Có bậc thầy như vậy, phải có hạng trò như thế, đương nhiên rồi. Dù cho đệ tử ôn nhu đến đâu, qua sự huấn luyện bạo tàn của một sư phụ bạo tàn, võ công của đệ tử đó phải bạo tàn là sự thường, chẳng đáng lấy làm lạ.
Cho nên đạo sĩ chưa xuất thủ là một kẻ tu hiền, khi xuất thủ rồi, trở thành một hung thần ác sát.
Song phương trao đổi hơn hai mươi chiêu, dần dần Du Bội Ngọc bị dồn vào tuyệt địa.
Thực ra nếu chàng đem bổn môn võ học ra sử dụng thì vị tất đạo sĩ thắng thế?
Song đem Tiên Thiên Vô Cực ra chống địch, có khác nào tự thú cái lai lịch mà chàng muốn giấu.
Cho nên, chàng tùy cơ ứng biến, hóa giải được thì thôi. Nhưng làm như thế cũng chẳng ổn, bởi tùy cơ ứng biến, chẳng cần chiêu thức rõ rệt, là trở về chỗ Vô Cực rồi, đã giấu lai lịch tức nhiên phải cố kỵ điều đó.
Chàng miễn cưỡng duy trì một lúc.
Đứng bên ngoài, đạo nhân áo lam hét to :
- Tiểu tử! Sao ngươi không sử dụng võ công của Phượng Tam dạy ngươi. Ngươi sợ ta khám phá ra bí mật của võ công đó à?
Rồi lão hét tên đồ đệ của lão :
- Mới cách có một đêm, mà ngươi quên hết sở học rồi sao?
Lão sợ đồ đệ của lão đánh không tận lực, chứ thực ra Thập Vân đã tận dụng sở năng rồi, bảo hắn tăng gia công lực thì hắn làm sao nổi?
Thập Vân đánh ra chiêu thức nào, dốc toàn tâm toàn lực mà đánh. Còn Du Bội Ngọc trước khi xuất thủ, phải đắn đo xem chiêu đó có làm lộ bổn môn chăng.
Cho nên phản ứng của chàng phải kém phần linh hoạt.
Bởi phản ứng kém linh lợi, chàng phải vất vả lắm mới duy trì được mấy mươi chiêu, mồ hôi đổ ra ướt đầu ướt trán.
Chàng hoàn toàn dồn vào nguy cảnh, nếu không giở chiêu thức Hành Vân Bố Vũ, Phượng Vũ Cửu Thiên thì nguy mất.
Rồi sau cùng, chàng bắt buộc phải sử dụng đến thủ pháp của người bệnh truyền thụ cho chàng.
Tuy nhiên, chàng chỉ đánh ra từ từ, từng phần, vừa đủ hóa giải cơn nguy thôi.
Đạo nhân áo lam lại hét :
- Tiểu tử chưa giở tất cả thủ pháp của Phượng Tam ra thi triển, còn đợi chừng nào nữa? Gặp tên đồ đệ bại nhược của ta, nó không tranh hơn tranh kém, nên ngươi còn chi trì được đến bây giờ đó, chứ nếu là ta thì ngươi đã mất mạng ngay từ lúc đầu!
Ngươi mất mạng vì cái vờ khiêm tốn của ngươi đấy!
Lão chẳng rõ Du Bội Ngọc thực sự học được những gì nơi Phượng Tam, chỉ thấy công lực của chàng vô cùng hùng hậu. Công lực đó chỉ có hàng cao thủ thượng đỉnh trên giang hồ mới có nổi, cho nên lão lấy làm lạ tại sao chàng không giở chiêu nào khác hơn chiêu Hành Vân Bố Vũ, Phượng Vũ Cửu Thiên.
Du Bội Ngọc như ngậm phải bồ hòn, nhả cũng khổ, nuốt không trôi, tấn thối lưỡng nan.
Chàng nhận ra chừng như đạo nhân áo lâm nửa mắng hét, nửa khuyến khích chàng.
Nhờ lão khuyến khích, chàng mới gắng gượng chi trì, nương theo khuyến khích đó, giả vờ chống trả, cố ra vẻ lững lờ, như muốn dốc toàn lực, như đắn đo.
Cũng nhờ thế, chàng mới che giấu sự miễn cưỡng trước con mắt của Lâm Tẩu Các, nếu không thì họ Lâm đã thấy rõ chàng tránh dùng võ học bổn môn.
Nếu Lâm Tẩu Các nghi ngờ thì chàng sẽ gặp bao nhiêu phiền phức sau này.
Giao đấu với một kình địch mà bắt buộc không tận dụng sở năng, thì có gì khổ bằng, nhất là cái khổ đó có thể đưa đến cảnh tử diệt.
Du Bội Ngọc càng phút càng đổ mồ hôi.
Không ai cho rằng chàng có thể chống nổi ba mươi chiêu cả.
Nhưng cũng chẳng có ai biết chàng có thần lực thiên sanh, tiềm lực dồi dào, cho nên qua ba mươi chiêu rồi, chàng chẳng hề thất bại. Bất quá, mồ hôi đổ ra nhiều hơn trước thôi.
Những người xem cuộc chiến đều thầm nghĩ :
- Liệu hắn có chịu nổi thêm ba mươi chiêu nữa chăng?

Hồi trước Hồi sau

"Ủng hộ" mình duy trì website nhé.
Đổi DNS sang 8.8.8.8 và 8.8.4.4 để vào web nhanh hơn, chi tiết search Google cách đổi dùm mình.
Link aff nếu mua hàng từ 2 sàn: shopee ở đây còn lazada ở đây.