Lục mạch thần kiếm - Hồi 121
Chốn sơn hậu quần hùng nghe thuyết pháp
Ngày đăng: 10-05-2012
Tổng cộng 160 hồi
Đánh giá: 8.9/10 với 1719190 lượt xem
Bao Bất Ðồng liền nhân cơ hội đó nói ngay:
- Nếu thế thì còn gì hay hơn nữa. Trưởng lão đã thống lĩnh anh em quý bang cùng bọn tại hạ đi bắt kẻ thù chung là Kiều Phong. Khi đó tại hạ sẽ nghĩ tình bằng hữu mà hai tay dâng bản văn lên. Nếu trưởng lão không biết văn tự ngoằn ngoèo trong bản văn thì Công Dã nhị ca xin làm việc đó cho, và đem nguyên bản văn giải thích rõ ràng từ đầu đến cuối cho. Trưởng lão, trưởng lão tính sao?
Trần trưởng lão hết nhìn Tống trưởng lão lại nhìn Ngô trưởng lão, không biết quyết định thế nào.
Bỗng có tiếng người nói:
- Như thế là phải rồi còn ngần ngại gì nữa?
Mọi người nhìn về phía bên phát ra thanh âm xem ai nói câu vừa rồi thì y chính là Thập phương tú tài Toàn Quán Thanh.
Toàn Quán Thanh lại nói tiếp:
- Nước Liêu là kẻ đại thù của nhà Tống ta. Cha Kiều Phong là Tiêu Viễn Sơn tự miệng nói ra là đã lén lút ba mươi năm trời trong chùa Thiếu Lâm, coi hết võ kinh, bí lục của phái này. Ngày nay, bọn ta không đồng tâm hiệp lực trừ khử đi để hắn yên lành trở về Liêu quốc, truyền thụ võ công đất Trung Nguyên cho bọn Khất Ðan thì khác gì cho hổ thêm cánh. Sau này chúng dẫn quân vào tấn công nhà Ðại Tống thì bọn con cháu Viên Hoàng chúng ta đều thành những tên nô lệ vong quốc.
Quần hùng nghe Toàn Quán Thanh nói rất có lý. Nhưng Huyền Từ vừa viên tịch, Vương Tinh Thiên bị gãy chân, thành ra phái Thiếu Lâm cùng Cái Bang hai cây cột trụ võ lâm Trung Nguyên biến thành đàn rắn không đầu, không có người đứng ra chủ trương đại cuộc.
Mọi người ngơ ngác nhìn nhau chưa có chủ ý gì thì Toàn Quán Thanh lại nói:
- Xin mời ba vị cao tăng hàng chữ "Huyền" phái Thiếu Lâm và ba vị Tống, Trần, Ngô trưởng lão Cái Bang lập thành khối chỉ huy cộng đồng để ban hiệu lệnh thì hết thảy đều nghe lệnh sai khiến. Trước hết là giết cha con Tiêu Viễn Sơn để trừ mối lo tâm phúc cho nhà Ðại Tống. Còn ngoài ra có việc gì sẽ bàn sau.
Trong quần hùng rầm rộ những tiếng hô:
- Thế là phải lắm! Xin ba vị cao tăng cùng ba vị trưởng lão phát lệnh!
- Việc này quan hệ đến mối an nguy toàn quốc. Sáu vị tiền bối không nên từ chối!
- Chúng tôi xin tuân theo hiệu lịnh để giết hai tên Phiên của Khất Ðan.
Những tiếng binh khí rút ra khỏi vỏ nghe choang choảng. Có người định xông lại đánh giết mười tám tên võ sĩ Khất Ðan.
Dư bà bà la lên:
- Các vị anh em Khất Ðan xin qua cả bên này nói chuyện.
Mười tám tay võ sĩ Khất Ðan không biết Dư bà có dụng ý gì, nên yên lặng cầm đao trong tay, đứng sát cánh nhau. Họ biết rằng thế ít không địch nổi nhiều, nhưng Dư bà lại la lên:
- Tám bộ cung Linh Thứu chúng ta phải bảo vệ cho mười tám vị bằng hữu. Quần nữ trong tám bộ liền chạy sang đứng phía trước mười tám võ sĩ Khất Ðan.
Các động chúa, đảo chúa chia ra đứng hai bên. Bọn môn đồ phái Tinh Tú muốn lập công trước mặt tân chủ nhân, cũng phất cờ reo hò. Thanh thế rất là cường thịnh.
Dư bà khom lưng trước Hư Trúc nói:
- Thưa chủ nhân! Mười tám võ sĩ đây là thuộc hạ của nghĩa huynh chủ nhân. Nếu để bọn họ bị người đâm chết trước mặt chủ nhân thì còn gì là oai phong của cung Linh Thứu nữa? Bọn thuộc hạ hãy tạm thời bảo vệ cho họ, để chờ chủ nhân phát lạc.
Hư Trúc còn đang đau xót về vụ song thân tuyệt mạng, y không chủ ý gì, đành gật đầu nói:
- Cung Linh Thứu ta cùng phái Thiếu Lâm là bạn chứ không phải thù. Vậy chúng ta không được làm tổn thương đến hoà khí hay đánh giết càn bậy.
Huyền Tịch thấy thanh thế bọn cung Linh Thứu lớn quá, biết là vấp phải những tay kình địch nguy hiểm.
Nhà sư nghe lời Hư Trúc nói vậy liền lên tiếng:
- Mười tám tên võ sĩ Khất Ðan kia giết hay không cũng chẳng quan hệ gì đến đại cục. Chúng ta hãy nể mặt Hư Trúc tiên sinh tạm ngưng việc đó. Hư Trúc tiên sinh! Nay chúng ta đi bắt và giết Tiêu Phong thì tiên sinh viện trợ bên nào?
Hư Trúc ngần ngừ đáp:
- Phái Thiếu Lâm là nơi vãn bối xuất thân. Một bên Tiêu Phong lại là nghĩa huynh. Một đằng đã chịu ơn sâu, một bên lại là nghĩa cả. Vãn bối... Không thể giúp ai đánh ai được. Nhưng... thưa sư thúc tổ! Vãn bối khuyên sư thúc tổ buông tha cho Tiêu đại ca! Vãn bối sẽ khuyên y không dẫn quân sang đánh Ðại Tống nữa là xong.
Huyền Tịch rủa ngầm:
- Võ công mi cao cường thật là uổng. Ðã làm đến chủ nhân một phái mà nói ra những câu như trò con nít.
Ðại sư lại lên tiếng:
- Từ đây ba chữ sư thúc tổ, Hư Trúc tiên sinh đừng nói tới nữa.
Hư Trúc nói:
- Dạ dạ! Vãn bối quên đi mất.
Huyền Tịch lại nói:
- Cung Linh Thứu đã không giúp bên nào, thế thì phái Thiếu Lâm ta cùng quý Cung vẫn là bè bạn chứ không được làm tổn thương hoà khí.
Nhà sư lại quay lại nói với ba vị trưởng lão Cái Bang: Tống, Trần, Ngô ba lão đồng thanh nói:
- Phải lắm! Phải lắm! Các huynh đệ Cái Bang chúng ta cùng nhau lên chùa Thiếu Lâm xem cuộc diễn đấu tranh giữa hai họ Tiêu và Mộ Dung ra sao rồi sẽ định đoạt thái độ sau.
Quần tăng chùa Thiếu Lâm đi trước dẫn đường.
Cái Bang cùng quần hùng Trung Nguyên reo hò cùng nhau xông lên núi Thiếu Thất.
Ðặng Bách Xuyên cả mừng bảo Bất Ðồng:
- Tam đệ! Tam đệ một phen hạ Huyết Từ mà đã lôi kéo được khá nhiều tên viện trợ đắc lực về cho chúa công và công tử.
Bao Bất Ðồng nói:
- Không phải đâu là không phải đâu! Chúng ta chần chờ mãi không biết chúa công cùng công tử thắng bại ra sao?
Vương Ngọc Yến cũng lên tiếng:
- Ði mau lên! Ðừng ở đây không phải đâu là không phải đâu nữa!
Nàng vừa nói vừa cất bước chạy lon ton theo sau quần hùng xông lên núi.
Bỗng nàng thấy Ðoàn Dự cũng đi theo bên cạnh liền hỏi:
- Ðoàn công tử! Công tử cũng đi ư? Công tử muốn giúp nghĩa huynh để làm khó dễ biểu ca ta chăng?
Giọng nàng nói đầy vẻ bất mãn.
Nên biết rằng, vừa rồi Mộ Dung Phục toan vung kiếm tự tử là do y bị hại về tay Ðoàn Dự cùng Tiêu Phong, nên y vừa thẹn vừa căm phẫn, không muốn trông thấy người đời nữa. Vương Ngọc Yến nhớ tới việc này đâm ra tức giận Ðoàn Dự.
Ðoàn Dự chưng hửng dừng bước lại. Từ ngày chàng biết Vương Ngọc Yến đến nay, chàng tuân theo cả trăm ngàn điều, hy sinh cả tính mạng để cứu nàng thoát hiểm, chưa bao giờ chàng thấy nàng coi mình bằng con mắt hằn học như bữa nay, bất giác chàng đứng thộn mặt ra.
Ðoàn Dự trong lúc hoang mang cuống quít, ruột rối tơ vò.
Hồi lâu chàng mới ngập ngừng đáp:
- Tại hạ... tại hạ tuyệt không muốn làm khó dễ Mộ Dung công tử.
Chàng ngẩng đầu nhìn lên thấy bên mình quần hùng đang tới tấp vượt qua. Còn Vương Ngọc Yến và bọn Ðặng Bách Xuyên đã đi mất hút rồi, không còn thấy bóng đâu nữa.
Chàng lại ngẩn người ra nghĩ bụng:
- Vương cô nương đã đem lòng ngờ vực mình thì mình còn làm gì nữa?
Nhưng chàng lại nghĩ:
- Háng trăm, hàng ngàn người như ong vỡ tổ xông lên để vây đánh Tiêu đại ca thì thật nguy hiểm vô cùng. Hư Trúc nhị ca đã nói rõ là không giúp bên nào. Nếu mình cũng bỏ nốt thì còn chi là tình nghĩa kim lan? Dù Vương cô nương có thống mạ cũng đành phải chịu chứ không thể vì tình riêng mà bỏ nghĩa sanh tử chi giao được.
Rồi chàng lại cất bước chạy như bay.
Ðoàn Dự chạy nhanh hơn người thường, chỉ trong khoảnh khắc, chàng đã vượt qua vô số anh hào đến trước chùa Thiếu Lâm. Chàng theo mọi người qua cổng đi thẳng vào sơn môn.
Khu vực chùa Thiếu Lâm rất rộng. Nhà trước, viện sau có đến mấy nghìn gian. Các tăng lữ cùng quần hùng Trung Nguyên xuyên qua các đường, các viện trong chùa, quát tháo om sòm để tìm cha con Tiêu Phong cùng cha con Mộ Dung Phục.
Nhiều người đã nhảy lên nóc nhà để dòm ngó bốn mặt. Chỗ nào cũng nhốn nháo cả lên mà thuỷ chung vẫn chưa tìm ra địch nhân ở chỗ nào.
Tiếng người xuyên phóng nhập viện chân bước thình thịch pha lẫn tiếng người hỏi nhau:
- Bọn chúng ở đâu?
Chùa Thiếu Lâm là một cổ tự trang nghiêm bỗng biến thành một nơi huyên náo om sòm.
Ðoàn Dự chạy loạn lên một lúc, đột nhiên thấy một vị lão tăng tóc bạc ở cửa bên lạng người bước ra.
Chàng nghĩ ngay:
- Những nơi bí mật trong chùa người ngoài không thể biết được. Ta cứ theo nhà sư già này may ra tìm thấy Tiêu đại ca, còn hơn là hùng hục chạy liều.
Nghĩ vậy, chàng liền thi triển phép "Lăng Ba Vi Bộ" không phát ra tiếng động đi theo vị lão tăng kia.
Vị lão tăng chạy thẳng vào khu rừng cây bên chùa, lần theo lối nhỏ trong rừng đó thẳng về mé tây bắc. Ði qua mấy khúc ngoằn ngoèo, đột nhiên ánh sáng loá mắt và có tiếng nước suối chảy róc rách.
Bên kia khe suối một toà lầu treo một tấm biển đề ba chữ "Tàng kinh các".
Ðoàn Dự lẩm bẩm:
- Tàng kinh các chùa Thiếu Lâm vang lừng thiên hạ, té ra là chỗ này đây. Phải rồi! Tàng kinh các dựng trên bờ khe suối, xa nơi phòng ốc là để đề phòng mọi hoả hoạn có thể tiêu huỷ những kinh điển quý vô ngần.
Vị lão tăng đi thẳng vào Tàng kinh các.
Ðoàn Dự cũng theo vào.
Chàng vừa đến cửa thì có hai nhà sư đứng tuổi xẹt chân lại cất hỏi:
- Thí chủ đi đâu?
Ðoàn Dự ấp úng đáp:
- Tại hạ... tại hạ đi coi...
Một nhà sư nói:
- Thí chủ hãy dừng bước. Ðây là nơi Tàng kinh các, trọng địa của bản tự, xin người chớ thiện tiện đi vào.
Một nhà sư nữa nói:
- Gã họ Tiêu không ở nơi đây.
Ðoàn Dự gật đầu đáp:
- Tại hạ mạo muội, xin đại sư tha lỗi cho.
Hai nhà sư chắp tay nói:
- Không dám! Lệ luật của bản tự rất nghiêm. Mong rằng thí chủ miễn trách.
Bỗng nghe trong các cổ thanh âm khàn khàn nói vọng ra:
- Ngươi có thấy bọn họ đi về phương nào không?
Ðúng là thanh âm Huyền Tịch.
Một người nữa nói:
- Bọn đệ tử bốn tên giữ ở đây chỉ thấy nhà sư áo trắng đi vào rồi giơ tay ra điểm huyệt bọn đệ tử mê đi. Lúc sư bá cứu tỉnh lại thì nhà sư áo trắng không biết đi đâu rồi.
Lại nghe một thanh âm khàn khàn khác nói:
- Chỗ này cửa sổ bị phá. Chắc họ ra phía sau núi.
Huyền Tịch nói:
- Ðúng thế!
Vị lão tăng kia lại nói:
- Không hiểu bọn họ có ăn cắp kinh sách gì không?
Huyền Tịch đáp:
- Hai người này ẩn cư trong bản tự mấy chục năm mà chúng ta từ trên xuống dưới không ai hay thì là xấu hổ, nếu bọn họ định ăn cắp kinh sách thì mấy chục năm nay họ đã lấy rồi, hà tất phải đợi đến ngày nay?
Vị lão tăng kia nói:
- Sư huynh nói phải đó.
Rồi hai nhà sư cùng thở dài ra vẻ cực kỳ buồn bã.
Ðoàn Dự nghĩ bụng: mấy vị này đang nói chuyện chùa Thiếu Lâm kém cỏi đến nỗi mất thể diện mình. Họ là người chính nhân quân tử, chẳng nên nghe trộm chuyện riêng của người ta.
Chàng liền chắp tay thi lễ với hai nhà sư đứng tuổi rồi trở gót ra đi.
Thực ra, Huyền Tịch nói rất khẽ, nhưng Ðoàn Dự nội lực thâm hậu nên nghe rất rõ.
Nhà sư giữ cửa thì không nghe thấy gì hết.
Ðoàn Dự từ từ vừa bước đi vừa lẩm bẩm:
- Họ bảo Tiêu đại ca ra phía sau núi, vậy mình phải ra đó xem sao?
Phía sau núi Thiếu Thất, địa thế hiểm trở, rừng rậm âm u, lối đi khúc khuỷu.
Ðoàn Dự đi được vài dặm, không còn nghe thấy tiếng huyên náo bên ngoài chùa nữa. Trong rừng cây, chim chóc gọi nhau tíu tít.
Ðang mùa nóng dữ mà ánh dương quang cũng không lọt vào được, nên trong khu rừng này vẫn tối tăm lạnh lẽo.
Ðoàn Dự thấy vậy lẩm bẩm:
- Nếu cha con Tiêu đại ca đến đây rồi thì thoát thân dễ lắm, dù quần hùng tới nơi cũng khó lòng bổ vây được.
Chàng chợt nhớ tới Vương Ngọc Yến lúc vừa đây, sắc mặt nàng oán giận thì đột nhiên lại nghĩ thầm:
- Nếu đại ca ta mà đánh chết công tử Mộ Dung Phục rồi... làm thế nào?
Tưởng đến Mộ Dung Phục rất có thể bị chết về tay cha con Tiêu Phong, Ðoàn Dự bất giác mồ hôi lạnh ngắt, lẩm bẩm một mình:
- Giả tỷ Mộ Dung công tử mà mất mạng thì e rằng Vương cô nương buồn thảm đến chết mất, không thì vẻ mặt nàng lúc nào cũng buồn rười rượi.
Nghĩ vậy, chàng đâm ra bâng khuâng thả bước từ từ vào trong khu rừng rậm. Chàng càng đi càng lên cao.
Bỗng nghe mé tả có tiếng niệm Phật theo chiều gió đưa lại:
- Phật là tâm, tâm Phật. Tâm mình mới biết Phật, biết Phật mới biết tâm. Tâm đã lu mờ thì không phải là Phật. Ðời xa cõi Phật thì không phải là tâm.
Thanh âm này hiền hoà và hùng hồn mà chàng chưa từng nghe thấy bao giờ.
Ðoàn Dự lẩm bẩm:
- Té ra khu này có người. ¢u là ta tới đó hỏi xem họ có thấy Tiêu đại ca cùng bọn người kia không?
Chàng lần theo về phía có thanh âm mà đi. Chàng đi qua một khu rừng trúc thì thấy có mấy người đang tụ trên một khoảnh đất bằng, cỏ mọc xanh um.
Một nhà sư mặc áo bào sắc tro tựa lưng vào một phiến đá. Những tiếng niệm kinh vừa rồi là do miệng nhà sư này thốt ra.
Trước mặt nhà sư có đông người đang quỳ. Trong số đó có cha con Tiêu Viễn Sơn, Tiêu Phong, cha con Mộ Dung Bác, Mộ Dung Phục, Triết La Tinh, Ba La Tinh và hai nhà sư Thiên Trúc. Ngoài ra còn có Thần Quang Thượng Nhân tại chùa Thanh Sơn Long núi Ngũ Ðài, Mãnh Ðại chùa Ðại Tướng Quốc, Ðạo Thanh đại sư chùa Phổ Ðộ, Giác Ngôn đại sư chùa Ðông Lâm, Dung Trí đại sư chùa Tịnh ảnh và mấy vị cao tăng hàng chữ "Huyền" chùa Thiếu Lâm quỳ dưới đất.
Cách chỗ này chừng bốn năm trượng có một người đứng. Hắn chính là Cưu Ma Trí, quốc sư nước Thổ Phồn.
Những người quỳ mọp đều cúi rạp đầu xuống, cặp lông mày rủ thấp yên lặng nghe nhà sư mặc áo xám thuyết pháp. Chỉ mình Cưu Ma Trí là ra chiều nhạo báng, hiển nhiên trong lòng hắn không phục nhà sư áo xám.
Ðoàn Dự còn đang kinh dị, lại nghe nhà sư áo xám cất cao giọng đọc kệ: Nước pha chất mặn Keo vẫn màu xanh Nhưng nó vô hình Tâm vương tiềm thức Lẫn quất trong mình ở đâu cũng vậy Xét đoán cho minh Tâm mà giác ngộ Mọi sự yên lành Suy đường bản thức Thấy Phật gần quanh Nào Tâm nào Phật Phải hiểu cho rành.
Những người quỳ dưới đất đều cúi đầu suy ngẫm hoặc gật đầu để tỏ ra lĩnh hội.
Ðoàn Dự xuất thân tại một Phật quốc. Chàng đi theo những vị cao tăng, nghiên cứu Phật pháp từ thuở nhỏ. Về Phật học, kinh nghĩa, chàng am hiểu rất nhiều. Nhưng đó là Phật học tại nước Ðại Lý chứ không phải là thiền tông chùa Thiếu. Về môn Phật học, hai nơi này có nhiều điểm không giống nhau.
Chàng nghe vị lão tăng đọc những câu kệ trên đây, tuy còn óc nông cạn nhưng nghe rất hợp lý.
Chàng lẩm bẩm:
- Coi phục sắc vị cao tăng này thì cũng là một nhà sư chùa Thiếu Lâm mà chức phận hãy còn thấp kém, chỉ vào hạng pha nước, quét chùa, làm việc tạp dịch. Thế mà sao những vị cao tăng chùa Thiếu Lâm cùng Tiêu đại ca và bao nhiêu người nữa đều quỳ mọp nghe giảng?
Ðoàn Dự từ từ đi quanh lại để coi dung nhan vị cao tăng kia xem là nhân vật thế nào? Nhưng muốn coi chánh diện nhà sư này thì phải đến phía sau bọn Tiêu Phong. Chàng sợ kinh động mọi người nên bước chân đi rất khẽ theo vòng bán nguyệt, rón rén đến gần Cưu Ma Trí thì đột nhiên hắn quay đầu lại nhìn chàng miệng tủm tỉm cười.
Ðoàn Dự cũng niềm nở đáp lễ.
Giữa lúc ấy, chợt có một luồng kình phong mãnh liệt xô vào trước ngực.
Ðoàn Dự biết ngay là nguy, la lên một tiếng:
- Úi chao!
Chàng toan phóng Lục mạch thần kiếm ra chống lại thì đã không kịp nữa. Chàng cảm thấy trước ngực đau nhói lên rồi mê man bất tỉnh.
Bên tai còn văng vẳng có tiếng niệm kinh:
- Ðức Phật từ bi! Ðức Phật từ bi!
Sau đó chàng không biết gì nữa.
Nguyên Mộ Dung Bác bị Huyền Từ nói toạc chân tướng ra, lại nói huỵch toẹt âm mưu lão ngày trước đã phao tin để gây nên cuộc thảm hoạ ngoài ải Nhạn Môn quan.
Hắn biết rằng chẳng những cha con họ Tiêu muốn hạ sát mình mới cam tâm, mà quần hào Trung Nguyên cũng chẳng chịu dung tha mình liền phi thân chạy vào chùa Thiếu Lâm.
Nên biết rằng: trong chùa Thiếu Lâm phòng viện rất nhiều, lão đã thuộc hết địa hình thì dù lẩn tránh chỗ nào, cha con họ Tiêu cũng khó tìm ra được.
Không ngờ Tiêu Viễn Sơn và Tiêu Phong giận y thấu xương, đuổi theo như bóng theo hình.
Tiêu Viễn Sơn cùng lão trạc tuổi ngang nhau, công lực cũng tương đương.
Mộ Dung Bác đã chạy trước một lát, Tiêu Viễn Sơn khó lòng theo kịp. Nhưng Tiêu Phong đang tuổi tráng niên, về võ công cũng như về nội lực ông rất dồi dào, hết sức đuổi thật mau.
Lúc Mộ Dung Bác chạy đến trước cửa chùa Thiếu Lâm, Tiêu Phong còn cách xa hơn mười trượng đã phóng chưởng ra. Chưởng lực xô tới sau lưng hắn.
Mộ Dung Bác xoay chưởng đánh lại để chống đỡ. Toàn thân hắn bị rung động, cánh tay ngâm ngẩm đau.
Hắn không khỏi kinh hãi, lẩm bẩm:
- Quân tiểu cẩu Khất Ðan này công lực ghê quá!
Lão né mình đi chuồn vào trong cổng.
Tiêu Phong khi nào để lão chạy thoát, ông nhảy xổ tới nơi thì Mộ Dung Bác đã lạng người vào trong cổng rồi. Trong chùa này hành lang vòng vèo, điện đường chi chít. Chưởng lực của Tiêu Phong tuy mãnh liệt nhưng không thể phóng tới lão được.
Ba người một trước hai sau, chỉ trong khoảnh khắc đã chạy đến Tàng kinh các.
Mộ Dung Bác phá cửa sổ chui vào. Ðồng thời phóng tay điểm bốn nhà sư gác cửa cho mê đi.
Lão quay lại cười lạt nói:
- Tiêu Viễn Sơn! Cả hai cha con ngươi vào cả đây hay là hai thằng già chúng ta lấy một chọi một liều mạng với nhau?
Tiêu Viễn Sơn đứng chắn ngoài cửa Tàng kinh các, bảo Tiêu Phong:
- Hài nhi! Ngươi chặn cửa sổ, đừng để hắn chạy thoát.
Tiêu Phong vâng lời, lạng mình đến bên cửa sổ, bàn tay để ngang trước ngực thủ thế. Hai cha con họ Tiêu bao vây, xem chừng Mộ Dung Bác không còn con đường nào ra thoát.
Tiêu Viễn Sơn nói:
- Ta với ngươi đã có mối thù chẳng đội trời chung. Ngươi không chết thì không bao giờ oán thù cởi được. Ðâu phải là cuộc tỷ võ để phân cao thấp. Dĩ nhiên cha con ta sẽ hợp lực để hạ sát ngươi.
Mộ Dung Bác cười ha hả, toan trả lời.
Bỗng nghe thang lầu có tiếng bước chân và có một người đi lên. Chính là Cưu Ma Trí.
Cưu Ma Trí nhìn Mộ Dung Bác chắp tay thi lễ nói:
- Mộ Dung tiên sinh! Ngày trước, hai ta từ biệt nhau ở nước Thiên Trúc về sau được nghe tin tiên sinh quy tiên, tiểu tăng xiết nỗi đau buồn. Té ra tiên sinh ẩn cư không xuất hiện nữa, đuổi theo công việc riêng. Bữa nay được trùng phùng, tiểu tăng vui mừng khôn xiết.
Mộ Dung Bác chắp tay đáp lễ cười nói:
- Tại hạ vì việc quốc gia mà phải lánh mình trá tử, khiến đại sư tưởng nhớ, thiệt lấy làm xấu hổ.
Cưu Ma Trí nói:
- Không dám! Ngày trước tiểu tăng cùng tiên sinh gặp nhau ở Thiên Trúc giảng luyện võ kiếm, được tiên sinh chỉ điểm cho mấy ngày, khiến bao nhiêu chỗ nghi ngờ đều được giải đáp, lại nhờ ơn tiên sinh tặng cho cuốn "Thất thập nhị tuyệt kỹ yếu chỉ". việc ấy tiểu tăng ghi vào tâm khảm.
Mộ Dung Bác cười đáp:
- Làm chi cái việc đó mà đại sư phải quan tâm?
Tiêu Viễn Sơn cùng Tiêu Phong đưa mắt nhìn nhau bụng bảo dạ:
- Lão Cưu Ma Trí này bản lĩnh cũng ghê gớm, mà hắn lại cùng Mộ Dung Phục có mối giao kết sâu xa như vậy, thì tất là hắn giúp lão. Cuộc chiến này thắng bại khó lòng biết trước được.
"Ủng hộ" mình duy trì website nhé.
Đổi DNS sang 8.8.8.8 và 8.8.4.4 để vào web nhanh hơn, chi tiết search Google cách đổi dùm mình.
Link aff nếu mua hàng từ 2 sàn: shopee ở đây còn lazada ở đây.