Thần điêu đại hiệp - Hồi 046
Kinh thiên động địa
Ngày đăng: 30-11-2015
Tổng cộng 104 hồi
Đánh giá: 9.6/10 với 406290 lượt xem
Phàn-nhất-Ông thấy đối thủ cướp thất trượng, liền giật mạnh xuống, phất ngang chân đối thủ.
Đòn ấy tưởng Tiêu-tương-Tử phải gãy hai chân té úp xuống đất bể mặt rồi.
Không ngờ Tiêu-tương-Tử lao mình qua thiết trượng phất ngang dưới chân, liền lao đầu xuống chống hai tay dưới đất, quật ngược hai chân lên cao, lộn ngửa người ra đứng dậy.
Phàn-nhất-Ông được trớn vận sức xoay người vút thiết trượng vào đầu địch thủ. Tiêu-tương-Tử vừa đứng lên, thấy thiết trượng đã đến ngay đầu, liền né sang bên phải.
Tiêu-tương-Tử cố ý trêu cợt nên nhảy vọt lên cao hơn một trượng, phóng qua khỏi Phàn-nhất-Ông.
Mọi người thấy thế, vỗ tay rầm rập, khen ngợi:
- Tiêu-Huynh hay quá! Hay tuyệt!...
Phàn-nhất-Ông mặt nóng phừng phừng, nhưng thấy đối thủ võ công cao cường nên cố sức bình tĩnh vận thêm sức, múa thiết trượng vút như gió lộng.
Lão thầm nhủ: Ta đánh trúng đối thủ không dễ, nhưng ta có thể đập nát vũ khí của đối phương, để chiếm phần thắng.
Tiêu-tương-Tử lúc này dùng vũ công "thần xuất quỷ nhập". Tay phải cầm dao chém tới, tay trái trổ phép "tầm mã" chờ lúc đối thủ hở cơ, đoạt lấy thiết trượng.
Hai người lao sát vào nhau, xoắn xuýt giữa đại sảnh, chớp mắt đã đấu mấy mươi hiệp. Nhưng vẫn không phân thắng bại Tiêu-tương-Tử vừa đánh vừa ngồi trên ghế, nhưng không coi Phàn-nhất-Ông ra gì.
Bọn Kim-luân Pháp-Vương lấy làm lạ nghĩ thầm:
- Tiêu-tương-Tử thân mình hình như chết khổ! Thế mà lại có thủ đoạn cao cường đến thế?
Hai người đấu tiếp mấy hiệp, cây thiết trượng của Phàn-nhất-Ông phất qua dưới hai chân đối phương. Nhưng Tiêu-tương-Tử cứ nhảy chập chờn đôi chân lên xuống, mỗi lúc một lẹ hơn.
Chúa động chợt kêu lớn:
- Đừng đánh chân ghế nữa! Nếu ngươi đánh như thế không đánh được đâu!
Phàn-nhất-Ông giật mình tỉnh ngộ:
- à! Hắn ngồi trên ghế! Thế mà mình tưởng hắn đứng dưới đất, nên nãy giờ cứ đánh dưới chân ghế mãi. Nếu hắn để ý nhảy xuống đã hớt được râu mình rồi.
Phàn-nhất-Ông liền đổi chiến thuật, vung thiết trượng múa tít mù, loang loáng như một vùng ánh sáng.
Mọi người chỉ còn trông thấy một người lùn râu dài, mặc áo màu xanh lục, được lớp ánh sáng trắng như bạc bao bọc.
Bên ngoài vòng ánh sáng bạc ấy là một hình nhân mặt như xác chết, nhảy lòm chòm trông thật lạ mắt.
Doãn-khắc-Tây rất thông hiểu các võ phái, nhưng xem thuật phép sư trượng Phàn-nhất-Ông và Tiêu-tương-Tử, cũng ngơ ngác không hiểu được. Theo trượng pháp đại khai đại hợp, môn hộ được phép giữ kín đáo lạ thường. Khác hẳn với các nhà võ công nội ngoại, không hiểu lão râu dài thuộc môn phái nào!
Chúa động thấy rõ Tiêu-tương-Tử có ý trêu lừa Phàn-nhất-Ông cho mỏi mệt, thầm nghĩ:
- Nếu để đấu nữa, nhất định Phàn-nhất-Ông phải bại.
Lão ung dung đứng dậy bước ra bảo:
- Nhất-Ông và Tiêu-tương khách! Hãy tạm nghỉ đã! Đánh lâu rồi, mà không thể phân thắng bại được. Thôi, Nhất-Ông lui ra.
Phàn-nhất-Ông nghe lệnh chúa Động truyền, nên cất tiếng nói:
- Xin tuân lời sư phụ.
Nhất-Ông đập mạnh thiết trượng xuống đất một cái, nhảy tung lên, toan chạy ra khỏi phòng đấu.
Nhưng Tiêu-tương-Tử lại kêu lên:
- Không! Không được!
Liền nhúng mình vọt ra khỏi ghế, bay lên đập vào cây thiết trượng. Chỉ nghe một tiếng "bốp" cái ghế bự, bị thiết trượng đập nát vụn ra. Nhưng cây thiết trượng đã bị Tiêu-tương-Tử dùng tay trái chộp giữ và lấy chân trái đạp lên trên, đồng thời tay phải đưa thẳng cái kéo xấp mạnh hàm râu Phàn-nhất-Ông.
Vừa phát ra một tiếng sẹt. Nhất-Ông lanh như chớp, né hàm râu qua bên phải, rồi phát hàm râu qua bên trái, quấn chặt vào cán kéo của đối thủ một cách dễ dàng.
Tiêu-tương-Tử thấy râu lão quấn chặt vào kéo không thể chuyển được, thầm khen:
- Bộ râu lão nầy đã được tập luyện công phu, lợi hại thay.
Tiếp đó Tiêu-tương-Tử lại nói lớn:
- A! Lão già lùn! Bộ râu của ngươi lợi hại lắm đấy! Tiêu-tương-Tử nầy khen ngươi đó.
Lúc này mọi người chỉ trông thấy hai người đứng sát vào nhau, không còn đánh gì nữa. Nhất-ÔNg dùng râu và tay trái giữ chặt cán kéo. Còn tay trái và chân trái của Tiêu-tương-Tử lại bám lấy thiết trượng, giằng qua giật lại một hồi, nhưng không ai giật được của ai cả. Tiêu-tương-Tử phá lên cười ha hả, nói:
- Thú quá! Thú quá! A ha! Thú quá!
Đột nhiên một bóng người áo xanh ngoài cửa chạy vào nhanh như tên, đưa hai tay chụp vào cổ Tiêu-tương-Tử giật ra:
Chúa động quát hỏi:
- Ai đó! Làm gì thế?
Mọi người đều đứng lên nhìn. Mã-quang-Tổ nói lớn:
- Không được! Một người đánh với một người chứ? Đừng chơi vậy xấu lắm!
Tiêu-tương-Tử đưa tay trái phát mạnh vào bụng người lạ mặt và dùng chưởng lực gỡ thoát mình ra. Người lạ nổi giận quát lớn:
- Thằng khốn kiếp! Mau ra sức cùng tao đấu một sống một chết.
Bọn Dương-Qua nhìn ra ai nấy đều thầm đoán:
- Người mới chạy vào mặt mũi đúng là Tiêu-tương-Tử, sao lại mặc quần áo, mũ giầy theo người trong động này? Có lý nào một biến ra thành hai? Mà dù có biến hóa "phân thân" của hắn? Tương-Tử có thuật lừa dối thế nào?
Phàn-nhất-Ông thoáng thấy có người xông vào giúp mình, chưa biết là ai, nhưng thấy hắn mặc đồng phục với trong động, liền thu thiết trượng lui lại phía sau, tránh ra một bên để người ấy đánh với Tương-Tử.
Lúc ấy, người mới vào xòe mười ngón tay nhọn hoắt, quấp lấy Tương-Tử lôi lại, miệng quát mắng:
- Mày dùng lối lừa gạt đánh người sao đáng mặt anh hùng?
Bấy giờ Dương-Qua đã nhận ra:
Người cầm kéo ấy là kẻ đã lấy trộm mặt nạ của mình để đeo lên mặt, rồi lấy áo quần của Tương-Tử mặc vào, đề giả Tương-Tử mà vào địa sảnh quấy động này. Vì vẻ mặt của Tiêu-tương-Tử thường ngày giống vẻ mặt người chết. Vả lại từ lúc hắn giao đấu Phàn-nhất-Ông, thuật pháp cao cường khác hẳn Tiêu-tương-Tử nhiều.
Dương-Qua định thần nhìn kỹ kẻ đeo mặt nạ đang cầm kéo, rồi gọi lớn:
- Này! Lão-ngoan-Đồng Châu-bá-Thông! Hãy trả mặt nạ và cái kéo cho tôi.
Dứt lời, nhảy vọt tới nơi, đoạt chiếc mặt nạ và cái kéo trên tay người ấy.
Sự thật người mà ai cũng tưởng là Tiêu-tương-Tử, đánh với Phàn-nhất-Ông từ lúc mới vào đại sảnh đến bây giờ, chính là Châu-bá-Thông. Vì trong lúc vô ý, Châu-bá-Thông bị bốn đệ tử của động "Thủy tiên" dùng lưới phủ bắt đem về động. Lão ta vốn có tính bướng bỉnh, diễu cợt, nhưng rất thần thông quảng đại. Cho nên lão điềm nhiên, để cho bọn đệ tử trong động khiêng về đến nơi thì lão phá lưới thoát ra đi mất. Bốn vị đệ tử bị chúa Động phạt ngồi vào lửa.
Châu-bá-Thông thoát được lưới, ra núp sau núi đá, định ý phá động Thủy-tiên cho kinh thiên động địa.
Bỗng lão thấy bọn Kim-luân Pháp-Vương tìm đến nơi nên chiều hôm ấy, lão ngầm ra tay đánh trộm, điểm trung huyệt đạo của Tiêu-tương-Tử, làm cho Tiêu-tương-Tử bất tỉnh, rồi đem xác Tiêu-tương-Tử ra khỏi nhà đá, lột hết áo quần mặc vào, giả dạng Tiêu-tương-Tử.
Xong, Châu-bá-Thông lại trở vô nhà đá, nằm bên Dương-Qua. Chưa thôi, lão còn mò vào túi Dương-Qua lấy trộm chiếc mặt nạ và cái kéo. Sáng hôm sau, mọi người thức dậy, vô tình không ai để ý cứ gọi lão là Tiêu-tương-Tử.
Còn Tiêu-tương-Tử bị Châu-bá-Thông điểm huyệt bất ngờ, cố vận ngầm nội lực để tự vệ, nhưng vì phép điểm huyệt của Châu-bá-Thông quá lợi hại, nhưng mãi đến năm giờ sau, tay chân Tiêu-tương-Tử mới vận chuyển được. Lúc ấy Tiêu-tương-Tử chỉ mặc một chiếc quần ngắn, nên lão vừa thẹn vừa giận, đưa mắt ra nhìn thất đệ tử trong động mặc quần áo xanh đi qua. Tương-Tử liền chận đánh người áo xanh ngã xuống, lột hết quần áo, mặc vào mình. Cho đến lúc này Tiêu-tương-Tử cũng tưởng người trong động "Thủy tiên".
Tương-Tử vừa bước vào đại-sảnh, đã thấy Châu-bá-Thông mặc bộ quần áo của mình, đang ác đấu với lão lùn râu dài.
Hắn giận điên người, vận gân cốt hai tay, cố chộp lấy Bá-Thông quật chết. Nhưng Bá-Thông gỡ ra được, và hai người trở lại đánh nhau quyết liệt. Đánh được mấy hiệp, thì Dương-Qua xông vào giúp sức Tiêu-tương-Tử đánh Châu-bá-Thông.
Châu-bá-Thông vốn rất giỏi lối đánh "phân thân" ông đã tập luyện công phu hơn mấy chục năm. Đến khi gặp Quách-Tỉnh trên đảo Đào hoa ông lại tiến bộ hơn trước kia nữa.
Lão thấy Dương-Qua cũng xông vào đánh mình, liền vung tay trái đối phó với Dương-Qua, tay mặt phải cầm kéo, khi mở khi thu khiến cho Tiêu-tương-Tử không dám xông vào. Tiêu-tương-Tử căm giận, nhưng xưa nay rất sợ tài nghệ của Châu-bá-Thông, nên không dám kinh công xuất thủ.
Dòng dõi vị chúa đảng đã mười mấy đời truyền lưu sống nơi đây, kể từ lúc gặp dị nhân truyền đến nay kể đã mấy đời, từ đời nọ sang đời kia, song trong giới võ lâm có tục lệ hẹp hòi "Thầy truyền cho trò như có ý lo sợ học trò mai sau gian ác, sẽ phản thầy, ngạo bạn, hại đời, nên thầy nào cũng giữ lại vài ngón bí hiểm, không dạy hết cho trò. Do đó võ công tuyệt kỹ, lần lần thất truyền.
Chỉ có võ công gia truyền là tồn tại hơn cả.
Tỉ như ông bà truyền cho cha mẹ, cha mẹ truyền cho con cháu thì mới truyền hết cái hay. Có nhiều con cháu thông minh, lại có thể cải tiến thêm những ngón võ độc đáo hơn đời trước.
Chúa động "Thủy tiên" ngày nay là một người thông minh, lại được võ công gia truyền, nên võ công của chúa động có thể hơn những bậc tiền nhân trong phái ông.
Vì vậy Chúa động có lúc tự bảo rằng:
- Nếu ta ra khỏi động, chu du trên khắp thiên hạ, thì không thể có một ai dám đem võ công so với ta nữa.
Nhưng hôm nay Châu-bá-Thông từ phương nào đến làm rung chuyển cả động.
Khi Châu-bá-Thông đấu với Phàn-nhất-Ông, chúa động đã thầm lo ngại. Kế đến Châu-bá-Thông đấu với hai người một cách dễ dàng, lại càng làm cho chúa động thầm phục hơn.
Bọn Kim-luân Pháp-Vương khi biết được Châu-bá-Thông ai nấy đều lo nghĩ:
- Thật đúng với tên Lão-ngoan-Đồng! Mưu mẹo đủ điều, không ai đoán được! Bây giờ bắt lão chưa chắc đã được mà còn sợ lầm mưu lão nữa là khác.
Chúa động thấy Tiêu-tương-Tử hai bàn tay xòe ra mười ngón tay như mười mũi sắt xông vào, nhưng không tài nào đụng được Châu-bá-Thông. Còn Dương-Qua thì lanh lẹ, tiến lui rất nhanh, đôi tay loang loáng, nhưng cũng không áp đảo được ai, ông thầm lo:
- Trời đất bao la, nhân tài không thiếu gì. Nay ta mới biết. Nếu cứ để chúng đánh nhau mãi, e thiệt hại đến động nầy. Lão bèn đứng lên gọi lớn:
- Xin tam vị hãy ngừng tay; để tôi biện minh điều này đã.
Dương-Qua cùng Tiêu-tương-Tử cùng nhảy lùi ra sau một bước.
Châu-bá-Thông giở mặt nạ ra cột vào cái kéo ném trả cho Dương-Qua và nói:
- Thôi chơi thế đủ rồi! Ta đi đây!
Dứt lời Châu-bá-Thông nhún một cái, toan thân bay vút lên xà nhà cao hơn năm trượng.
Công-tôn Lục-Ngạci và bọn đệ tử sợ hãi, kêu lên:
- Lão già! Lão già thoát lưới hôm qua!
Châu-bá-Thông ngồi vắt trên xà, cười ha hả nhìn mọi người như đùa cợt.
Tuy trong nhà lúc này có nhiều tay cao thủ, nhưng không ai nhảy lên trên đó được.
Trong động "Thủy tiên" chỉ có Phàn-nhất-Ông là tay đệ tử tuổi đã cao hơn cả chúa động, nhưng tài nghệ thì ngoài chúa động, ai ai cũng nhận rõ võ công của lão là đệ nhất. Thế mà bị Châu-bá-Thông chọc tức, nên lão quá giận, quay sang nhìn chúa động xin lệnh:
- Xin sư phụ cho phép đệ tử bắt thằng nghịch đó?
Chúa động không nói gì chỉ khẽ gật đầu.
Phàn-nhất-Ông vươn mình lên, ôm chầm lấy cây cột, rồi thoăn thoắt trèo lên như con vượn.
Châu-bá-Thông trông thấy rất thích chí, vì được dịp nô đùa để phá phách trong thạch động. Lão nhìn xuống cười lớn:
- Bộ mầy lùn tịt, thân không cao quá ba thước, sao lại ì ạch như vậy.
Phàn-nhất-Ông bò lên gần tới thì Châu-bá-Thông đã đưa tay ra đón.
Phàn-nhất-Ông tưởng địch khinh mình nên lúc Bá-Thông vừa đưa tay ra. Nhất-Ông đã vận sức chọc ngón tay điểm vào khủy tay, đã đóng kinh huyệt đạo, làm cho bắp thịt cứng lại.
Phàn-nhất-Ông vội thụt tay lại, tưởng mình thò tay vào lửa. Châu-bá-Thông với tay đập vào mu bàn tay của Nhất-Ông một cái "bép" rồi phá lên cười khà khà nói:
- Ta đã đưa tay cho ngươi vịn leo lên, sao lại thụt đi?
Phàn-nhất-Ông nén giận, vận kình lực, phun lên một làn khói vào mặt địch thủ, rồi tiếp quất mạnh bộ râu quấn vào ngực Châu-bá-Thông. Châu-bá-Thông thấy làn khói và tiếng gió vút mạnh, biết là thuật lợi hại, vội đưa chân trái đạp mạnh một cái, tay trái nắm vững xà ngang, toàn thân treo lơ lửng.
Bá-Thông lại cười khà khà nói:
- Lão lùn ơi! Người dùng bộ râu đó không làm gì ta được đâu.
Tiêu-tương-Tử nhìn lên thấy thế biết Phàn-nhất-Ông không thể nào đánh nổi Châu-bá-Thông, và nếu có hắn xông lên giúp sức, cũng không thể thắng nữa. Hắn quay lại nhìn đồng bọn nói:
- Các đại huynh ơi, thằng già kia khinh rẽ sáu anh em mình! Thật quá lắm! Bây giờ chúng ta cho nó một trận đi!
Ni-ma-Tinh vốn tính táo bạo, nghe nói khích không nén giận được, còn Mã-quang-Tổ thì khờ khạo, không rõ phải trái, nên khi nghe Tương-Tử nói, cả hai đều nổi giận đùng đùng đứng dậy, thét lên:
- Thằng già kia! Mày đã tới số rồi!
Hai người phóng mình lên cây xà ngang, bốn tay quắp lấy Châu-bá-Thông.
Bá-Thông liền vung hai tay đánh mạnh ra. Ma-Tinh văng ra bấu lấy đầu cột, còn Quang-Tổ văng luôn xuống đất, lòm khòm đứng dậy nhưng chưa dám leo lên.
Tiêu-tương-Tử nói với Doãn-khắc-Tây:
- Doãn huynh ơi! Doãn huynh khoanh tay đứng nhìn vậy sao?
Doãn-khắc-Tây bình tĩnh nói:
- Huynh lên trước rồi đệ xin giúp sức.
Tiêu-tương-Tử rú lên một tiếng đột nhiên vọt thẳng lên cao hơn bốn trượng. Chỉ thấy thân minh Tương-Tử thẳng đứng như khúc gỗ, đâm thẳng vào bụng Châu-bá-Thông. Bá-Thông liền thu mình lại như con mèo nên hai tay Tương-Tử đâm hụt, cả thân mình vụt lửng lơ trên không, nháy mắt đã rơi xuống đất. Nhưng giận chưa thôi, vừa rơi xuống Tương-Tử lại phóng lên như một chày giã gạo vậy.
Bấy giờ Phàn-nhất-Ông đã bám chặt vào xà ngang, vội quất bộ râu để quấn địch thủ. Còn Ni-ma-Tinh, Mã-quang-Tổ và Tương-Tử cứ nhảy vọt lên, rớt xuống, cố hết sức để đánh Châu-bá-Thông.
Doãn-khắc-Tây mỉm cười nói:
- Lão già này thật phi thường! Ta cũng hợp sức đánh thử một phen coi.
Miệng nói tay thô vào mình rút ra một vật sáng lấp lánh. Đó là con roi Nhiễu tiên. Roi này kết bởi những sợi vàng sợi bạc và gắn nhiều ngọc quí.
Thật ra, Doãn-khắc-Tây võ nghệ chưa có gì đặc biệt mấy, chỉ là một tay phóng lãng giang hồ, đi đâu cũng mang theo của quí để lòe thiên hạ.
Doãn-khắc-Tây nhảy lên quấn vun vút. Dương-Qua thấy thích mắt thầm nghĩ:
Nắm tay này đều trổ thần thông vây đánh một lão bướng bỉnh, nhưng lão vẫn coi thường. Nếu ta không xuất thủ giúp sức thì lão khinh khi cả bọn chúng ta.
Chàng lấy mặt nạ, đeo lên, rồi thét một tiếng, lượm cây thiết trượng của Phàn-nhất-Ông bỏ dưới đất, quặp vào chân, nhún mình nhảy vọt lên cao, ngang với Châu-bá-Thông, và nói:
- Lão già bướng bỉnh hãy xem cái kéo này!
Chàng ngồi trên xà nhà trước mặt Châu-bá-Thông, đưa kéo xắp bộ râu bạc của ông. Bá-Thông bình tĩnh né đầu qua một bên, và bảo:
- Chú em ơi! Phép nầy của chú cũng khá đấy! có thể dùng được việc!
Dương-Qua gắng giọng nói:
- Lão già bướng bỉnh kia! Ta có gì vô lễ mà lão lại đem bọn ta ra làm trò cười.
Châu-bá-Thông cười hà hà nói:
- Chú em ơi! Hãy dùng cây kéo vào việc khác. Thuật hớt râu của chú không thua ta đâu. Chú em có món vũ khí đó mà không biết dùng.
- Dương-Qua ngạc nhiên hỏi:
- Sao lại không biết sử dụng.
Bá-Thông cười ha ha:
- A! Chú em chưa hiểu ư? Nhưng rồi sẽ biết.
Châu-bá-Thông chợt thấy cái roi vàng của Doãn-khắc-Tây vút tới, liền vung tay đập mạnh. Roi quật ngược vào lưng Khắc-Tây, cả người lẫn roi đều rơi xuống đất. Bá-Thông gọi lớn:
- Cái roi lòe loẹt của ngươi, thế mà thú đấy!
Dứt lời, Phàn-nhất-Ông bay vút tới, Bá-Thông liền nhích qua một bên rồi cười, nói:
- Bộ râu rậm rạp kia thỉnh thoảng cũng quấy rầy kẻ khác được đấy chứ?
Đoạn lão đưa tay vút hàm râu của lão, cười ngạo nghễ:
- Râu ta để vuốt chơi cho thanh nhã, chứ không phải như ngươi dùng râu để làm cái chổi đánh người.
Nói chưa dứt, đã bị bộ râu Nhất-Ông quật trúng vào má, Bá-Thông cảm thấy ran rát, chứ không đau đớn mấy.
Nếu Châu-bá-Thông có võ công vững chắc thì bị một cái vụt râu của Phàn-nhất-Ông đã choáng váng, mà rơi xuống đất rồi, nhưng lão vẫn bình thản, nét mặt tươi vui, không tỏ một cử chỉ nào tức giận, cười lớn:
- Này, chú râu dài! Râu ta ngắn hơn râu chú, thì chúng ta đừng đọ nữa nhé!
Nhất-Ông vừa quất trúng địch một đòn lòng hiu hiu tự đắc không thèm nghe lời diễu cợt của Châu-bá-Thông, lão quất tiếp một lần nữa. Bá-Thông không dám khinh thường tung một trái dùng "Không minh quyền" đấm ra một cái. Râu lão lùn bị gió quá mạnh, đẩy tạt trở lại. Vừa lúc Mã-quang-Tổ tung mình lên đánh Bá-Thông thì râu Nhất-Ông lại quất mạnh vào mặt Quang-Tổ, mù cả mắt. Hắn liền đưa hai tay chợp lấy bộ râu.
Râu Nhất-Ông xưa nay có mãnh lực phi thường, nhưng lúc ấy vừa bị cái đâm "Không minh quyền" của Bá-Thông tống ra, lại gặp bàn tay Quang-Tổ dùng sức kinh công vớ chặt, Nhất-Ông giật mình, dùng sức đoạt lại, nhưng bị Mã-quang-Tổ nắm cứng. Thế là Mã-quang-Tổ và Phàn-nhất-Ông dính chung một đùm, nhào xuống đất. Hai người đều tức giận, quắc mắt nhìn nhau.
Nhất-Ông gắng giọng nói:
- Sao ngươi tóm râu ta, lại không chịu thả?
Mã-quang-Tổ đã bị chân lão lùn đạp trúng vào bụng đau quá, lại bị lão lùn mắng nữa, liền quát lại:
- Ta không thả thì ngươi làm gì?
Vừa quát hắn vừa luồn tay phải vào bộ râu xoay mấy vòng. Nhất-Ông đánh vào mặt một chưởng. Hắn nghiêng đầu tránh, nào ngờ tay trái lão lùn đánh một quyền ngay vào sống mũi, Mã-quang-Tổ đau quá hét lên:
- ái! Lão quái nầy!
Tuy bị đánh Quang-Tổ vẫn không thả hàm râu, dùng tay trái đấm trả lại cho hả giận. Thực ra võ công của Mã-quang-Tổ kém hơn Nhất-Ông, nhưng khốn nổi bộ râu của lão bị quấn chặt vào tay Quang-Tổ, thành thử đầu cổ lão không cựa được, đành để cho Quang-Tổ đấm đá thình thịch.
Lúc ấy, hai đấu thủ một cao một lùn, thoi đấm nhau huỳnh huỵch dưới đất. Lão lùn tay đè trên mình Quang-Tổ, nhưng không rút bộ râu ra được.
Kim-Luân pháp-vương thấy đại sảnh náo động, và sáu người cùng bọn không đánh nổi lão già bướng bỉnh, nên quá thẹn lo nghĩ:
Lão bướng bỉnh nầy ta phải lừa dịp hại lão cho xong, chứ không có tài nào bắt sống được.
Định ý như vậy, Pháp-vương thò tay vào túi, lấy ra hai vòng tròn một vòng đồng, một vòng bạc, như hai cái đĩa, ném tung lên mặt Châu-bá-Thông. Hai vòng kim khí bay thành hai vòng cung, kêu rít nghe rợn người. Bá-Thông không biết vũ khí lợi hại, kêu hỏi:
- A! Vật gì quái thế?
Vừa hỏi lão vừa đưa tay ra toan bắt.
Dương-Qua thấy Kim-luân Pháp-Vương cố dùng vũ khí giết Châu-bá-Thông, trong lúc vô ý, chàng cảm thấy thương hại, vội la lớn:
- Tránh đi đừng có bắt!
Đồng thời chàng dùng thiết trượng lên gạt hai vòng kim khí. Nghe "choang" một tiếng, hai vòng ấy tạc ngang vô tường, tung ra những tia lửa sáng lòe, rồi lại vút bay lên trần nhà. Lúc đó Châu-bá-Thông mới biết Kim-luân Pháp-Vương võ nghệ cao cường, thầm nghĩ.
- Thôi, bây giờ mình đã mệt rồi mà trêu ghẹo lâu, họ đồng tâm hợp lực lại, thì mình không thoát được.
Bá-Thông liền nhảy xuống đất kêu:
- Kính chào quí vị! Hôm nay lão chưa có dịp gặp quý khách. Thôi, để ngày mai chúng ta chơi lại.
Dứt lời lão chạy vút ra cửa. Nhưng ngoài cửa đã có bốn người áo xanh giăng lưới rồi. Châu-bá-Thông đã bị mắc lưới ấy một lần, nên hoảng hốt la lên:
- A! Nguy thay!
Lão chạy vụt về phía Đông, toan nhảy ra cửa sổ. Nhưng phía ấy cũng thấy căng lưới sẵn có bốn người mặc áo xanh đứng rình. Lão chạy vô giữa nhà, đảo mắt nhìn tứ phía, thấy cửa nào cũng có bốn đệ tử áo xanh, và lưới đã căng sẵn hết.
Hết lối đi, lão lại vọt lên xà nhà, dùng tay đánh tống lên định chui lên nóc.
Vừa mới lô đầu lên, tấm lưới đã phủ lên đầu! Lão phải nhảy xuống đất, chỉ tay vào mặt chúa động, cười nói:
- Ông giữ lão già nầy lại để làm gì? Ngày nào cũng ăn rau, uống nước lã, thì nuôi ta sao được?
Chúa động nghiêm nghị nói:
- Ngươi đã lấy sách đạo của ta. Bây giờ ngươi muốn ra khỏi động nầy, thì phải trả các vật ấy cho ta lại đây?
Châu-bá-Thông ngạc nhiên nói:
- Ta lấy sách đạo của các ngươi để làm gì? Về bản lĩnh của ta đâu có kém hơn người, mà phải cần các thứ đó?
Lão chúa động thong thả bước lại gần Châu-bá-Thông nói:
- Nếu hôm nay không có ngày vui của ta, thì ngươi đã lãnh giáo ít đòn rồi! Nếu biết điều trả lại đây, rồi thong thả ra về.
Châu-bá-Thông nổi giận hét lớn:
- Ngươi dám nói thế sao? Ta mà đi trộm của ngươi à? Ngươi nói thế thì coi cho kỹ đây, có cái gì của nhà ngươi thì lấy lại.
Lão vừa nói, vừa đưa tay cởi áo tháo quần. Chỉ trong nháy mắt lão đứng trần trục. Chúa động luôn miệng quát:
- Thôi...! Đi... đi...!
Nhưng lão không nghe, cứ cầm áo cầm quần dũ thật kỹ, quả nhiên không có vật gì rơi xuống.
Bọn đệ tử trong động hoảng quá, vội vã quay đầu bịt mặt. Thật là một việc quá sỗ sàng, không ai làm được.
Chúa động cúi đầu suy nghĩ:
- Thật là! lão nầy không có lấy những vật ấy! Vậy thì có một tay nào lợi hại lắm, mới dám vào phòng ta lấy sách được. Nếu ta không tìm được thủ phạm, thì động ta sẽ có điều quan hệ đây?
Châu-bá-Thông vỗ tay nói:
- Xem ngươi đã cũng đúng tuổi, sao không biết kính nể người già, bịt mặt những chuyện vô lý, để làm xấu ta trước mặt mọi người. Ngươi không sợ người đời chê cười sao?
Lão chúa động không biết nói sao cả, chợt nghe có tiếng thình thịch, quay đầu nhìn lại thì thấy Phàn-nhất-Ông và Mã-quang-Tổ còn vật đánh nhau. Lão bèn quát:
- Nhất-Ông! Hãy đứng dậy!
Châu-bá-Thông cười nói:
- Người ta bỏ việc nầy thì không nói, để đi la cái chuyện họ không hỏi đến.
Chúa động cau mày nói:
- Lão bảo rằng giữa chỗ đại sảnh đông người, mà làm việc xấu xa, như thế đâu có can hệ gì đến ta. Câu nói ấy chính ngươi tự trách ngươi đấy thôi.
Châu-bá-Thông cười nói:
- Khi lọt lòng mẹ ta, ta cũng không áo quần, thì lúc nầy ta bỏ áo quần ra, tấm thân thiên nhiên của ta cũng trong sạch đường hoàng có gì là xấu. Chứ ông đã già rồi, muốn giữ vẻ nghiêm trang của bề ngoài, mà lương tâm lại muốn cưới con gái đáng con cháu mình thì thật khó coi! Hà! Hà... Như thế là thân hình ông đẹp lắm đấy!
Câu nói như mũi dùi chít vào tai. Chúa động đôi mắt đỏ ngầu, mặt xám lại, miệng như không nói được.
Phàn-nhất-Ông và Mã-quang-Tổ vẫn cứ đè vật nhau mãi. Nhất-Ông nghe chúa động gọi, muốn đứng dậy, nhưng khốn nỗi bộ râu bị Quang-Tổ quấn chặt, không cách nào rứt ra được. Còn Mã-quang-Tổ bị lão đè lên trên, và đánh thùi thụi, hắn ỷ sức mạnh nên cứ việc quấn ghì chặt bộ râu xuống đất, không cho lão đứng dậy.
Mọi người chưa biết phải làm sao để chữa hai người thì Châu-bá-Thông kêu lên:
- Ôi chao! Ta quên mặc quần áo lạnh quá!
Chưa dứt lời, lão chạy vụt ra cửa. Bốn đệ tử vừa thấy bóng người chạy ra cửa, vội tung lưới chụp xuống gút miệng rất nhanh. Người mắc vào lưới dãy quá mạnh. Bốn người áo xanh túm bốn đầu dây lại cột thật kỹ, để khiêng đến trình chúa động.
Thứ lưới này rất bền, nhờ kết bằng sợi kim khí, nên dao chém cũng không rách. Lại thêm bốn tay căng lưới, đã được tập luyện rành rẽ, họ tung giật nhanh như chớp, dẫu cho tay cao thủ cũng không kịp đối phó, để thoát thân.
Bấy giờ bốn tay bắt được địch thủ, ai nấy đều hớn hở, lo khiêng vào để trước mặt chúa động. Một người áo xanh đứng cúi đầu thưa:
- Thưa sư phụ, bốn đệ tử cửa chánh đã bắt được lão già trốn thoát bữa qua.
Chủ động chăm chú nhìn vào lưới. Bỗng nhiên biến sắc mặt, quát lớn:
- Bọn mi không có mắt hay sao?
Bốn đệ tử vội nhìn vào lưới, người nào, người nấy, thất vía hồn kinh, mặt không còn chút máu. Họ luống cuống xúm nhau lại mở lưới, thả hai người trong lưới ra. Thì đó là Phàn-nhất-Ông và Mã-quang-Tổ!
Sự thật Châu-bá-Thông tuột quần áo, đứng tần ngần, để mọi người mắc cỡ không để ý đến, lại tiếp nói những câu sách hạch để cho chúa động xấu hổ không còn tinh thần sáng suốt đề phòng được.
Mọi người đều nghĩ rằng lão đang còn nói nhiều với chúa động và có ra đi cũng phải mặc quần đã.
Nhưng Châu-bá-Thông đã dự định sẵn. Lão vừa nói với chúa động vừa xem xét tứ phía. Khi nói gần hết lời lão lướt qua phía gần Phàn-nhất-Ông và Mã-quang-Tổ, nắm gáy hai người quăng vào lưới và thừa lúc gã đệ tử phủ lưới xuống, lo túm cột lưới, lão phóng mình qua, không ai hay biết. Thật là một lối thoát thân "Dương đông kích tây".
Chúa động quá thẹn mặt trước mọi người. Vì chỉ có một lão ương ngạnh đó mà đã dùng mưu đánh Phàn-nhất-Ông, làm cho Nhất-Ông bị đồng bọn đánh rồi bị mắc vào lưới. Còn chúa động cũng phải chịu những lời xỉ mạ quá đau đớn.
Bọn Kim-luân Pháp-Vương cũng không khỏi hổ thầm:
- Mình cũng là tay giỏi trong võ lâm, mà nay đến bao nhiêu người họp sức đánh bắt không được một lão điên điên, khùng khùng, mà lại còn bị lão làm trò cười, thì thật là bất tài!
Riêng Dương-Qua là không buồn. Chàng thầm nghĩ:
- May là lão bị bắt, thì bây giờ mình lo cứu giúp cũng khổ.
Kim-luân Pháp-Vương ý muốn dò hỏi lai lịch của vị chúa động, nhưng lúc nầy lão thấy chúa động dồn dập nhiều việc buồn khổ, nên tỏ ý hỏi dò đồng bọn và muốn rút lui khỏi động. Thấy năm người cũng đồng ý, Kim-luân Pháp-Vương đứng dậy chắp tay, nói với động chủ:
- Rất cảm thịnh tình động chủ hậu đãi chúng tôi, đăng ký nên ở để được lãnh giáo nhiều nữa. Nhưng mọi người chúng tôi đi đây, đều có việc cần riêng. Vậy xin được cáo biệt.
Lúc đầu, chúa động có ý nghi ngờ sáu người nầy cũng một bọn với Châu-bá-Thông, nhưng sau thấy Tiêu-tương-Tử, và cả bọn Pháp-Vương đều lăng vào ác đấu với Châu-bá-Thông, nên ông ta có phần lưu luyến.
Chúa động bèn đứng dậy chắp tay nói:
- Tiểu đệ có một chút việc muốn nói, chẳng hiểu chư vị có thể nhận lời cho chăng?
Pháp-Vương nói:
- Nếu điều đó chúng tôi có thể làm được, thì chẳng dám từ chối.
Chúa động nói:
- Chiều hôm nay, tiểu đệ làm lễ tục huyền, muốn mời chư vị ở lại chia vui. Nơi đây là núi hẻm thôn cùng, đã mấy trăm năm nay ít có bóng người tìm đến.
Hôm nay lục vị quý khách chu du đến đây thăm, thật là hắn mạnh vô cùng cho tiểu đệ!
Mã-quang-Tổ nói:
- Động chủ có uống rượu không?
Chúa động chưa kịp trả lời, đột nhiên thoáng thấy bóng người ngoài cửa.
Liền lúc đó một cô gái áo trắng thoăn thoắt bước vào hỏi:
- Kẻ nào gây náo loạn ở đây, và đã tẩu thoát rồi sao?
Dương-Qua trông thấy vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ. Chàng đứng dậy bước vội ra nắm tay kêu lớn:
- Kìa! Cô! Không ngờ cô đến đây! Tiểu đệ đi tìm cô đã khổ cực nhiều lắm!
Cô gái ngơ ngác, nhìn Dương-Qua tỏ vẻ lạnh lùng nói:
- Người này là ai mà dám xưng hô với tôi như thế?
Dương-Qua giật mình, chăm chăm nhìn vào mặt thiếu nữ áo trắng. Chàng thấy dáng người đẹp đẽ, nét mặt quen thuộc không khác Tiểu-long-Nữ.
Chàng liền hỏi lại:
- Thưa cô, em là Dương-Qua đây mà! Sao cô không nhận em?
Cô gái ngơ ngác nhìn chàng, khẽ lắc đầu:
- Xưa nay tôi chưa hề gặp ông lần nào, sao ông lại xưng hô với trịnh trọng như thế?
Dứt lời nàng bước lên ngồi bên chúa động.
Chúa động vui vẻ đứng dậy, trỏ tay vào nàng giới thiệu với bọn Pháp-Vương:
- Tiểu đệ xin giới thiệu cùng quý khách rõ. Đây chính là vị tân hôn của tôi. Tôi đã chọn được giờ tốt là chiều nay làm lễ thành thân.
Tuy lời nói có vẻ ôn hòa, nhưng đôi mắt của chúa động nhìn Dương-Qua có vẻ bất bình.
Có lẽ lão giận Dương-Qua vừa rồi đã ăn nói sỗ sàng, nhận lầm làm người tân phu nhân của lão một cách quá đường đột.
Nhưng Dương-Qua vẫn đinh ninh thiếu nữ áo trắng đó nhất định là Tiểu-long-Nữ. Chàng nóng lòng không thể chịu nổi, liền nói lớn:
- Thưa cô! Cô không phải là Tiểu-long-Nữ, thì còn là ai? Cô là thầy của tôi mà!
Cô gái áo trắng nghiêm nghị nhìn thẳng vào mặt chàng, lạnh lùng lắc đầu nói:
- Tôi không hiểu Tiểu-long-Nữ mà ông hỏi đó là ai vậy?
Dương-Qua hai hàm răng cắn chặt, đôi mắt không ngớt nhìn cô gái áo trắng, đầu óc rối loạn, suy nghĩ miên man:
- Cô giận ta chăng? Tại sao không nhìn nhận ta? Hay cả hai cùng lạc vào hiểm địa nên cô giả cách làm ngơ? Lẽ nào trên đời lại có một người thứ hai giống hệt cô được.
Chàng tuy rất thông minh, có tài tùy cơ ứng biến, song một khi trái tim đã rối loạn lên vì động đến chân tình, tay chạm phải "đóa hoa tình" thì không thể nào đè nén nổi!
Chàng khẽ kêu lên một tiếng "ái".
Công-tôn Động-chủ thấy vẻ mặt chàng hơi rối loạn, khẽ nhíu mày hỏi nhỏ em gái:
- Em Liễu! Hôm nay gặp rất nhiều dị nhân nhỉ!
Cô gái không đáp, rót một chén nước trong, đưa lên, môi nốc cạn, rồi liếc mắt nhìn qua từng người. Nhưng nàng không nhìn Dương-Qua.
Nếu là kẻ ngoại cuộc, Dương-Qua lặng lẽ dò xét tình hình, đàng nầy chàng vốn có tính nóng, hơn nữa đã nghe rõ động chủ tuyên bố chiều hôm ấy sẽ làm lễ thành hôn, nên chàng cuống quít quay lại hỏi Kim-luân Pháp-Vương:
- Thầy tôi có một lần tỉ võ với ngài, hẳn ngài còn nhớ. Điều nầy ngài có bảo là tôi nhận lầm nữa chăng?
Thực ra từ lúc thiếu nữ mới bước vào. Pháp-Vương đã nhận ra là Tiểu-long-Nữ. Nhưng lão thấy Dương-Qua gọi nàng mà nàng không hề để ý đến, nên Pháp-Vương đoán biết cặp trai gái bên trong hẳn có điều gì rắc rối. Lão mỉm cười đáp:
- Ta không nhớ rõ điều đó.
Sở dĩ Pháp-Vương nói như vậy là có một dụng ý riêng. Trước đây Tiểu-long-Nữ đã dùng Dương-Qua tiếp tay sử dụng kiếm pháp khiến cho lão phải thảm bại. Nay võ công của Dương-Qua đã đến độ siêu việt rồi, nếu đôi trai gái nầy họp sức thì thật khó lòng. Nếu lão vụng về để cho cặp trai gái ấy tiếp tay nhau thì lão không thể nào thủ thắng được, nên lão phải lập kế để ly gián.
Dương-Qua nghe lão đáp ngạc nhiên nghĩ thầm:
- Ôi! Lòng người xảo trá khôn lường! Đã cùng đến chỗ nầy, trong lúc hắn bị thương nguy khốn, ta ra sức cứu hắn, mà giờ hắn lại toan hại ta.
Pháp-Vương thấy nét mặt Dương-Qua có vẻ giận hờn, thần sắc đổi khác, lòng thầm nhủ:
- Nó đã trở mặt hiềm thù với ta, nếu ta để cho nó sống ắt sau nầy mang họa! Hãy thừa dịp nầy mà trừ đi cho sớm.
Định ý như vậy, lão liền vung tay nói với Bang-chủ và cô gái áo trắng:
- Hôm nay chúng tôi hân hạnh được dự ngày đại hội của nhị vị, ngặt vì chúng tôi không có chút lễ mọn nào gọi là lưu chút hậu tình, chúng tôi lấy làm áy náy.
Động chủ thấy Pháp-Vương chịu ở lại dự lễ cưới của mình, niềm vui lai láng, quay lại nói với cô gái áo trắng:
- Quí vị đây đều là những vật cao siêu trong giới võ lâm. Chúng ta được một vị đến dự cũng đủ vinh dự lắm rồi, huống hồ có cả...
Nói đến đây, động chủ vội dừng lại. Vì ông chợt nghĩ đến Dương-Qua, một chàng trẻ tuổi, võ công lại tầm thường, cứ như vừa rồi chàng đấu thử với Châu-bá-Thông chưa đầy một hiệp đã loi nhoi nhảy xuống đất, như thế võ công chàng kể vào đâu? Thật không đáng mặt liệt vào hạng cao nhân trong giới Võ-lâm. Tuy nhiên nếu bỏ chàng ra, chỉ nói đến "năm vị" e lại có điều bất lịch sự, do đó, động chủ ngập ngừng một lúc rồi lựa lời nói tiếp:
- Huống hồ chi nhiều vị anh hùng chiếu cố thế này.
Tiếp đó, Lão bô bô giới thiệu uy danh từng người, rất khách sáo. Cuối cùng đến Dương-Qua lão chỉ giới thiệu vắn tắt:
- Còn vị nầy là người họ Dương.
Pháp Vương cười thầm, gật gù nghĩ:
- Động chủ nầy khéo léo, mưu kế lại cao siêu, cứ xem lão tung lưới bắt Châu-bá-Thông cũng đủ biết mưu lược thế nào rồi. Tuy nhiên, tánh lão hơi hẹp hòi. Dương-Qua mới nói với Tiểu-Long-Nữ vài câu lão đã canh cánh để bụng.
Cô gái áo trắng nghe động chủ giới thiệu đến danh hiệu người nào cũng gật đầu, nhưng nàng luôn luôn với thái độ lạnh nhạt. Cho đến lúc Động chủ giới thiệu Dương-Qua, nàng cũng với vẻ mặt ấy, không hề thay đổi.
Dương-Qua đỏ bừng đôi má, lòng nôn nao như đợt sóng thủy triều. Động chủ nói gì chàng cũng không nghe được.
Na-mi-Tinh và Doãn-khắc-Tây vốn không hiểu rõ tâm trạng, cứ tưởng chàng vì nhận lầm người nên e thẹn áy náy, và họ không để ý đến.
Duy có Công-tôn Lục-Ngạc, con gái Động chủ, bấy giờ đứng sau lưng cha, mắt luôn luôn theo dõi Dương-Qua không bỏ sót một cử chỉ.
Nàng nghĩ thầm:
- Hồi sáng "Tình hoa" đã chạm vào đầu ngón tay hắn, khiến hắn bị đau, gây thảm não vào tâm hồn hắn, cứ xem bộ điệu là bà dì ghẻ của ta tất phải là ý trung nhân của hắn rồi! Sao lại có chuyện tình cờ như vậy? Biết đâu bọn người nầy kéo đến động ta cũng chỉ vì bà dì ghẻ của ta đó thôi.
Nàng khẽ nghiêng đầu nhìn cô gái áo trắng, thấy nét mặt cô nầy không có vẻ vui mà cũng không có vẻ thẹn thùng gì cả. Thật không phải dáng điệu người sắp làm dâu, khiến cho nàng càng nghi ngờ hơn nữa.
Dương-Qua tuy có tánh nóng nảy bồng bột, nhưng lại có một chút thông minh, nên cố lòng nén giận, thầm đoán:
- Cô mình cố ý làm lơ, không nhìn nhận mình, có lẽ cô mình đã sắp sẵn mưu kế gì đây chăng? Vậy mình cứ yên lặng dò xét xem sao.
Chàng đứng dậy, chắp tay vái động chủ một cái, rồi cất giọng nói:
- Thưa động chủ, vì tôi có một người bề trên, dung nhan giống hệt tân phu nhân đây, do đó, lúc nẫy tôi vội vã tưởng lầm, xin động chủ thứ lỗi cho.
Giọng chàng rất thanh tao và lễ độ, khiến động chủ đang giận cũng phải vui lòng. Ông ta đáp lễ, nói:
- Nhận lầm người quen đó là một việc thường, không có gì khinh mạng, xin lệnh tôn cứ an tâm.
Ngừng một lúc, Động chủ lại vui vẻ nói tiếp:
- Chỉ có điều tại sao trong đời lại có hai người giống hệt nhau để kẻ khác phải lầm lẫn nhỉ. Thật là chuyện lạ lùng.
Câu nói ấy, Động chủ tỏ ý tự đắc khen vợ sắp cưới của ông là một tuyệt thế giai nhân, trong đời không có một người thứ hai như vậy.
Dương-Qua nói:
- Thật vậy, Tiểu-tử cũng lấy làm lạ. Tại sao trong đời lại có hai sắc đẹp của hai người như một... Vậy tiểu-tử xin phép được biết tôn phu nhân danh hiệu là gì?
Theo tục lệ ở xứ Trung-Nguyên, người con gái không bao giờ ra chào khách một cách dễ dàng như vậy. Nhưng ở đây bọn Kim-luân Pháp-Vương vốn là người rợ miền Tây-vực, nên lễ nghi đều không cố chấp.
Khi thấy cô gái áo trắng bước ra chào không ai ngạc nhiên cả. Họ chỉ lấy làm lạ tại sao đã gần ngày cưới mà cô ta lại còn mặc đồ trắng mà thôi.
Bây giờ Dương-Qua hỏi tên vợ mình, Công tôn động chủ mỉm cười dùng lời nhỏ nhẹ đáp:
- Nàng họ Liễu! Vậy người quen của lệnh tôn có phải họ Liễu chăng?
Dương-Qua lắc đầu đáp:
- Không phải.
Nhưng chàng lại thắc mắc nghĩ thầm:
- Cô ta lại để ra họ Liễu để làm gì? Tại sao phải dấu tên họ. Bỗng nhiên chàng hiểu ra, lẩm bẩm một mình:
- A! Phải rồi! Vì ta là họ Dương nên cô ta đổi ra họ Liễu. Dương Liễu đấy mà!
Nghĩ như thế, chàng lại cảm thấy đau nhói ở cái đầu ngón tay, mày cau lại, mặt hơi tái.
Nàng Lục Ngạc thấy chàng tỏ vẻ đau đớn lấy làm thương hại, đôi mắt nàng vẫn đăm đăm nhìn vào Dương-Qua không bỏ sót một cử chỉ nào.
Dương-Qua cố nén lòng, nhưng bỗng vụt miệng hỏi Động chủ:
- Thưa động chủ! Tôn phu-nhân có phải là người con gái thứ hai không?
Công tôn động chủ ngạc nhiên không hiểu ý gì mà Dương-Qua lại hỏi như thế, nên nói:
- Tại sao lệnh tôn biết?
Dương-Qua mỉm cười nói:
- Tôi chỉ đoán chừng như thế chẳng biết có đúng hay không?
Mọi người đều im lặng, trầm lặng qua phút suy tư.
"Ủng hộ" mình duy trì website nhé.
Đổi DNS sang 8.8.8.8 và 8.8.4.4 để vào web nhanh hơn, chi tiết search Google cách đổi dùm mình.
Link aff nếu mua hàng từ 2 sàn: shopee ở đây còn lazada ở đây.