Liêu trai chí dị - Hồi 067

Liêu trai chí dị - Hồi 067

Vạn lý tầm phu

Ngày đăng: 19-02-2017
Tổng cộng 148 hồi
Đánh giá: 8.2/10 với 360838 lượt xem

Liễu Phương Hoa, người đất Bảo Định người giàu có nhất trong làng, tính khảng khái, ưa tiếp đãi khách cho nên trên tiệc từng tụ hợp trăm người. Lại hay giúp đỡ người ta trong lúc nguy cấp, bạc vàng không tiếc. Bạn bè khách khứa vay mượn không trả sự thường thấy.
Duy có một người khách là Cung Mộng Bật, người Thiểm Tây, trước sau chưa hề cầu xin chuyện gì hoặc hỏi vay đồng nào. Một lần đến chơi, ở lại hàng năm, người nói năng lanh lẹ đứng đắn cho nên Liễu hay cùng ăn ở chuyện trò nhiều hơn những khách khác.
Con trai của Liễu tên là Hòa, lúc này còn bé, vẫn gọi Cung là chú. Cung thích chơi với Hòa, mỗi lần Hoà ở trường học về, cùng nhau gỡ những viên gạch lát trong nhà lên chôn đá vụn ở dưới, giả như chôn dấu vàng bạc, lấy thế làm vui. Nhà năm gian, bới đào chôn dấu khắp. Mọi người cười là tính khí trẻ con, chỉ có Hòa là ưa đùa nghịch với Cung là thân mật hơn ai hết.
Mười năm sau, nhà hơi kém, không thể làm vừa lòng của nhiều khách khứa đòi hỏi, thành ra khách khứa vắng dần. Tuy vậy trong nhà vẫn đôi ba chục người hội họp rượu trà chuyện vãn, thâu canh suốt sáng là thường.
Tuổi Liễu càng về già, nhà càng sa sút, nhưng vẫn còn cắp ruộng bán dần lấy tiền để những khi có khách đến thì mổ gà, dọn cơm rượu đãi đằng.
Hòa cũng xài lớn theo gương cha, mời thỉnh các bạn bè con nít với nhau, Liễu biết mà chẳng ngăn cản gì.
Không bao lâu, Liễu thọ bệnh qua đời, trong nhà đến nỗi không còn tiền để lo liệu việc tang. Cung bèn xuất tiền túi ra lo liệu giùm. Vì thế, Hòa càng mang ơn, phàm việc gì lớn nhỏ, đều nhờ chú trông nom.
Mỗi lần Cung ở ngoài về, tất có bọc ít ngói bể gạch vụn về ném vào trong xó. Nội nhà không ai hiểu là ý gì.
Hòa thường than thở cảnh nghèo với Cung, Cung nói:
- Cháu không biết sự làm việc khó khăn vất vả, dù bây giờ có đưa cho cháu ngàn vàng, cháu cũng vung vãi hết ngay. Thằng con trai chỉ lo không biết tự lập chứ lo gì nghèo.
Một hôm Cung từ giã ra đi, Hòa khóc và năn nỉ mau mau trở lại, Cung gật đầu rồi ra đi.
Hòa nghèo đến nỗi ăn uống hàng ngày cũng thiếu thốn, có gì cầm bán mãi, đến nỗi không còn thứ gì cần bán nữa. Hàng ngày mong chú Cung đến, hầu lo chạy dùm mình, nhưng Cung vẫn vắng bặt tăm bặt tích, như chim hạc vàng một đi không về.
Nguyên hồi Liễu còn sống, đi dạm hỏi con gái nhà họ Huỳnh ở quận Vô Cực cho Hòa.
Họ Huỳnh nhà giàu có, sau khi nghe Liễu hết của nghèo, cho nên đã ngầm có ý trở mặt nuốt lời.
Khi Liễu mất, nhà có gửi thiếp báo tang đến. Huỳnh làm lơ chẳng đến phúng điếu chi hết. Ai nấy cũng nghĩ tại đường sá xa xôi mà thể lượng.
Đến lúc mãn tang, mẹ Hòa sai Hòa tự đến nhà nhạc gia để xin hẹn ngày cưới, trong ý trông mong Huỳnh thấy cảnh nghèo túng mà đoái thương giúp đỡ con rể vậy.
Nào ngờ khi Hòa đến nơi, Huỳnh nghe nói áo giày lôi thôi rách rưới, bèn ngầm bảo kẻ giữ cổng không cho Hòa vào, chỉ nhắn miệng rằng, về lo kiếm trăm bạc rồi hãy trở lại đây, bằng không thì từ nay xin tuyệt.
Hòa nghe, khóc lóc thảm thiết. Bà lão họ Lưu ở đối cửa thấy thế động lòng thương hại, gọi Hòa vào cho ăn, lại tặng ba trăm đồng tiền, bảo kiếm đường về quê quán đi.
Về nhà thuật lại nông nỗi cho mẹ nghe, mẹ cũng phẫn uất xót xa nhưng không biết làm sao khác hơn. Nhân đó, đến khách khứa thuở xưa vay mượn của nhà mình nhiều, mười ông còn đến tám chín ông chưa trả, bà liền bảo Hòa chọn lựa những ông giàu có thì đến mà cầu họ giúp đỡ lại, Hòa lắc đầu:
- Mẹ ơi, ngày xưa họ lui tới giao du với nhà ta, chỉ vì nhà ta có tiền của nhiều đó thôi. Phải chi ngày nay con ngồi xe sang, cưỡi ngựa quý, thì vay mượn người ta ngàn vàng chẳng khó chi đâu. Nay cảnh nhà ta nghèo khổ sa sút thế này, còn ai nhớ lại ơn xưa nghĩa cũ mà hòng. Vả lại cha con sinh thời, cho ai vay mượn cũng chẳng có giấy tờ gì, nay đi đòi họ rất khó khăn lắm.
Nhưng mẹ cố ép, Hòa đi hơn hai mươi ngày không đòi được một trinh nào hết. Duy có người kép hát Lý Tự còn nhớ ơn xưa Liễu thường cứu giúp mình bèn tặng Hòa một đồng gọi là báo đáp.
Mẹ con ngồi khóc lóc với nhau, từ đó tuyệt vọng chẳng còn trông nom vào đâu nữa.
Nói về con gái họ Huỳnh đã đến tuổi lấy chồng, nghe việc cha tuyệt Hòa, trong lòng thầm nghĩ như thế là quấy.
Huỳnh muốn gả chồng khác, nàng khóc và nói:
- Thưa cha, Liễu sinh có phải lọt lòng ra là nghèo túng đâu. Chớ chi bây giờ nhà chàng giàu có gấp mấy thuở xưa thì bất tất phải nói, chả ai có thể tranh đoạt với chàng cho được. Nhưng ngày nay chàng nghèo mà ta khinh bỏ như thế là bất nhân cha ạ!
Huỳnh không nghe, kiếm cớ lời này cớ kia, khuyên dỗ nàng trăm cách nàng cũng không chuyển. Hai ông bà giận con, suốt ngày mắng nhiếc, nàng vẫn lặng thinh.
Cách không bao lâu, đang đêm cướp đến đánh nhà, nung dùi nưóc kẹp, tra khảo vợ chồng Huỳnh gần chết rồi vơ vét trong nhà sạch sành sanh.
Thấm thoát ba năm, nhà lại sa sút thêm. Có người chủ hiệu nghe biết nàng đẹp, tình nguyện cưới năm ngàn đồng. Huỳnh thấy tiền nhiều chói mắt, ưng chịu liền, định ép uổng con cho bằng được.
Nàng biết mưu ấy, tự hủy hình dung, bôi mặt lem luốc, thừa cơ đêm tối bỏ nhà đi trốn, ăn xin dọc đường ròng rã hai tháng mới đến Bảo Định, hỏi thăm hàng xóm và thẳng đến nhà Hòa.
Bà mẹ Hòa thoạt đầu trông tưởng là con ăn mày nào mắng và đuổi đi. Nàng thổn thức tự nói tên họ, bà nắm tay tay nàng khóc òa và nói:
- Tội nghiệp cho con, làm sao thân thể ra thế này?
Nàng thảm thiết giải bày căn do, rồi hai mẹ con cùng khóc. Khóc đã thèm rồi, bà đi múc nước rửa ráy cho nàng, mặt mày sáng sủa, nhan sắc tươi đẹp trở lại. Mẹ con cùng mừng.
Song nhà ba miệng ăn, ngày chỉ có một bữa. Bà mẹ thương hại, không cầm nước mắt:
- Mẹ con ta cực khổ đã quen rồi, chỉ thương cho con dâu hiền của ta cũng phải chịu chung cảnh này thôi.
Nàng cười và an ủi mẹ chồng:
- Con dâu của mẹ từng trà trộn vào đám ăn mày, ăn xin nếm trải mùi khổ lắm rồi mẹ ạ! Bây giờ đem sánh với lúc đó, con thấy cách xa như cảnh thiên đàng địa ngục kia lận.
Bà mẹ nghe nói lấy làm hả lòng.
Một hôm nàng vào căn nhà bỏ không bấy lâu, thấy cỏ mọc rập rạp, chẳng hở chỗ nào. Vào dần mãi bên trong, rác bụi ngập đầy. Trong xó nhà có vật gì chất đống, chân vấp phải, lượm lên coi, té ra là tiền bạc tất cả. Nàng sửng sốt chạy đi gọi Hòa.
Hòa cũng vào xem tận nơi, thì ra những gạch ngói vụn bể ngày xưa chú Cung ném vào xó nhà này toàn thị tiền bạc trắng xóa. Nhân dịp nhớ lại hồi nhỏ mình thường cùng chú Cung chơi nghịch giở gạch lót lên mà chôn đá cuội xuống dưới làm vui, có lẽ đều là vàng bạc thật cả chăng?
Nhưng ngôi nhà cũ đó đã cầm thế cho người ở xóm Đông mất rồi, chàng vội vàng mang tiền sang chuộc nhà lại. Đào lên, té ra những viên đá chôn duới nền gạch xưa, cũng đều là tiền bạc hết thảy.
Ai ngờ chỉ trong chốc lát bỗng nhiên thu gom thành có bạc vạn.
Từ đó chuộc lại điền sản, xây dựng nhà mới, nuôi tôi trai tớ gái tấp nập, cửa nhà nguy nga sang trọng còn hơn ngày trước. Hòa còn phấn chí tự cường:
- Trời ơi! Nếu không cố lập lấy công danh, thì phụ lòng tốt của chú Cung ta biết mấy!
Rồi cặm cụi đọc sách, ba năm sau đậu thi hương, bèn thân hành đem trăm bạc đến tận nhà bà Lưu ta ơn bữa cơm hồi nào. Hòa mặc áo lịch sự thoáng mắt, mấy chục kẻ tùy tùng đều trai tráng, cưỡi ngựa đẹp như rồng. Lưu bà ở căn nhà nhỏ hẹp, Hòa vào ngồi ở bộ ván, còn tùy tùng đứng cả ở bên ngoài, người đông ngựa hí tấp nập cả xóm.
Nhắc lại ông Huỳnh từ khi con gái bỏ nhà trốn đi, người chủ hiệu bức bách hồi lại món tiền dẫn cưới, mà lỡ tiêu xài mất quá nửa rồi, thành ra buộc phải bán ngôi nhà đang ở mới trả đủ cho người ta. Vì đó mà trở nên khốn qu64n, y như cảnh Hòa lúc nào. Giờ nghe chàng rể cũ đỗ đạt sang trọng, mà đến huyền diệu ngay lối xóm mình, không khác gì gai đâm trước mắt, vợ chồng Huỳnh hổ người, đóng chặt cửa ngồi trong nhà thở than với nhau, chẳng dám ló mặt ra.
Lưu bà mua rượu dọn cơm đãi Hòa, trong bữa thuật chuyện người con gái Huỳnh hiền đức ra sao, lại tỏ ý than tiếc nàng bỏ nhà đi đâu mất biệt. đoạn hỏi Hòa lấy vợ chưa. Hòa đáp lấy vợ rồi.
Cơm nước xong, Hòa cố mời Lưu bà đi với mình về nhà, cho được xem mặt vơ mình mới cưới. Thế rồi Hòa chở Lưu bà lên đường cùng về.
Đến nhà nàng vận y phục lộng lẫy ra chào, thị nữ dàn hầu hai bên, trông như tiên nữ giáng phàm. Nàng cùng bà Lưu ngó thấy nhau cùng hãi hùng sửng sốt, rồi tay bắt mắt mừng, nhắc lại chuyện cũ, nhân dịp nàng hỏi thăm tin tức cha mẹ.
Bà ở chơi mấy ngày, được tiếp đãi hết sức niềm nở, phong hậu. Nàng may sắm y phục từ đầu đến chân, bấy giờ mới đưa bà về.
Bà sang nhà Huỳnh, nói cho biết tin tức con gái còn sống và nhắn lời hỏi thăm. Vợ chồng Huỳnh cả kinh, Lưu bà khuyên nhủ nên đi thăm con và rể, nhưng Huỳnh có vẻ ngần ngại.
Thế rồi đói rách bức bách, cực chẳng đã phải đi Bảo Định. Tới nơi thấy cổng kín tường cao, người giữ cửa trợn mắt tỏ vẻ giận dữ. Huỳnh lóng nhóng suốt ngày chẳng được vào.
Mãi sau có một mụ từ trong nhà đi ra, Huỳnh xuống nước dịu ngọt, tự nói họ tên, nhờ ên thằng báo cho con gái biết. Một lát mụ trở ra dắt Huỳnh vào một căn nhà cạnh và nói:
- Nương tử muốn gặp liền nhưng sợ lang quân hay đặng sinh rầy, vậy tốt hơn ngồi tạm ở đây chờ có cơ hội thuận tiện đã. Tội nghiệp ông ão đến đây từ hồi nào, đã ăn uống gì chưa, có đói bụng không?
Huỳnh được dịp tỏ hết nỗi khỗ cực cho mụ nghe. Mụ đem ra một ve rượu, hai giỏ cơm, để trước mặt Huỳnh kèm thêm năm đồng bạc rồi nói:
- Lang quân hiện đang ăn tiệc ở phòng trong, nương tử e không có giờ phút nào hở mà tiếp rước ông ão được đâu. Mai sáng ông nên đi thật sớm, chớ để lang quân hay được thì khốn.
Huỳnh vâng lời. Mờ sáng, ông ôm gói ra đi, nhưng người giữ chìa khóa còn chưa mở cổng, đành phải nép mình bên xó cửa ngồi bên bọc hành lý mà đợi. Chợt có tiếng vang truyền ông chủ đi ra. Huỳnh muốn tìm chỗ ẩn mình lánh mặt, nhưng Hòa đã trông thấy, thét hỏi lão già ăn mày là ai. Gia nhân đều làm thinh không trả lời, Hòa giận:
Tất là đứa gian, bay đâu bắt trói nó giải lên quan phủ xét nghe!
Chúng dạ vân lấy dây thừng trói Huỳnh vào gốc cây. Huỳnh vừa sợ vừa thẹn, không dám nói năng gì hết. Giây lát mụ ở hồi hôm trước lại ra quỳ trước mặt Hòa năn nỉ:
- Thưa ông chủ, người này là cậu ruột tôi, mới đến hồi hôm cho nên chưa kịp trình ông chủ rõ!
Hòa truyền lệnh cởi trói cho Huỳnh.
Mụ ở dẫn Huỳnh ra cửa và nói:
- Chỉ tại tôi quên dặn trước người giữ cửa, thành ra có chuyện phiền. Nương tử có lời nhắn miệng rằng: khi nào tưởng nhớ thì cho bà lão ở nhà giả làm mụ bán hoa cùng đi với Lưu bà đến đây mới được.
Huỳnh vâng lời.
Về nhà kể chuyện với bà vợ, bà này nhớ con muốn mau gặp mặt, bèn ngỏ ý với Lưu bà, rồi hai người cùng đến nhà Hòa.
Qua hơn mười lớp cửa ngõ mới đến được chỗ con gái ở. Nàng mặc gấm vóc, mang châu ngọc khắp người, hương thơm bay ra ngào ngạt, một tiếng véo von hô kêu, tức khắc cả đoàn thị nữ lớn bé già trẻ cùng dạ vang rân, chạy đến chung quanh đợi lệnh. Nào người nhắc ghế nạm vàng, nào kẻ pha trà mời khách.
Mẹ con dùng tiếng lóng đàm đạo việc nhà, nhìn nhau rưng rưng nước mắt. Đêm lại, dọn riêng ra một gian nhà để hai bà già nghỉ với nhau. Nệm gối êm đẹp, dù chính nhà mình năm xưa giàu có cũng chưa từng được dùng của quý âý.
Lưu lại năm ba ngày, bà lão được nàng tiếp đãi cực tử tế. Bà dẫn con ra chỗ vắng nói chuyện, khóc lóc giải bày sự ăn ở quấy ngày xưa. Nàng nói:
- Giả mẹ con ta điều chi lầm lỗi mà chẳng quên được. Duy có nhà con vẫn còn tức giận không nguôi, bây giờ nói gì chàng cũng không nghe đâu.
Mỗi khi thấy bóng Hòa đi tới, bà liền lẩn trốn. Một hôm đang ngồi chơi, bỗng Hòa vô tình trông thấy, nổi giận thét mắng:
- Con mụ nhà quê nào đó, dám ngồi ngang hàng với nương tử à? Bây đâu lôi nó đi cho ta!
Lưu bà đỡ lời và nói:
- Đó là Vương tẩu, làm nghề bán hoa có họ với bà già đây, xin ngài tha lỗi.
Hòa bèn chấp tay tạ lỗi, đoạn ngồi lại nói chuyện với Lưu bà:
- Bà đến đây chơi mấy bữa nay, tôi vì bận việc quá không có giờ rảnh hỏi chuyện gì được. Chẳng biết lão già súc sinh họ Huỳnh còn sống hay chết?
Lưu bà đáp:
- Thưa, cả ông bà còn mạnh khỏe, chỉ phải tội nghèo túng quá. Ngài bây giờ giàu sang, sao không nghĩ tình cha vợ chàng rể một chút?
Hòa vỗ bàn nói:
- Năm trước tôi không nhờ có bà cho một bát cơm đỡ lòng thì còn sống đâu mà về quê quán cho có ngày hôm nay. Lão già bất nhân bất nghĩa, bây giờ tôi muốn lột da mới cam lòng, can chi phải tưởng nhớ lão ta nữa?
Chàng phản kích quá, dận cẳng đứng lên, chỉ trời vạch đất, mắng chửi Oa muộisòm.
Nàng chạnh lòng xen vào:
- Người dù bất nhân cũng là cha mẹ sinh đẻ ra tôi. Tôi đem thân ăn xin dọc đường từ ngàn dặm tới đây phồng da rách rả cẳng, tự nghĩ như thế thật không phụ lòng chàng ở chỗ nào? Sao chàng đứng trước mặt con mà chửi mắng cha, khiến tôi đau tủi vô cùng.
Bấy giờ Hòa mới nguôi mà đứng dậy đi.
Bà vợ Huỳnh thẹn thùng tím mặt, từ giã ra về. Nàng lấy hai chục đồng tặng riêng cho mẹ.
Sau khi bà trở về, tin tức hạn tuyệt. Nàng thương nhớ cha mẹ rầu buồn hiện ra sắc mặt. Hòa bèn sai người mời hai ông bà đến.
Vợ chồng Huỳnh tới vẫn còn vẻ thẹn, đứng ngồi không yên. Hòa kiếm lời an ủi và xin lỗi trước.
- Năm nọ ông bà đến chơi tôi không được rõ, thành ra nói năng xúc phạm rất nhiều. Xin lượng thứ cho!
Huỳnh chỉ ầm ừ không nói gì đặng, Hòa sắm áo quần mới tinh cho hai ông bà thay đổi.
Ở chơi hơn một tháng, Huỳnh vẫn tự thấy lương tâm cắn rứt, mấy lần xin về. Hòa biếu một trăm lượng bạc và nói:
- Tôi xin biếu số tiền nhiều gấp hai món năm nghìn của thằng chủ hiệu năm xưa đó!
Huỳnh bẽn lẽn nhận lãnh, Hòa cho xe ngựa đưa về tận nhà.
Nhờ món tiền đó mấy năm về già, Huỳnh sống một cách phong lưu trung bình.

Hồi trước Hồi sau

"Ủng hộ" mình duy trì website nhé.
Đổi DNS sang 8.8.8.8 và 8.8.4.4 để vào web nhanh hơn, chi tiết search Google cách đổi dùm mình.
Link aff nếu mua hàng từ 2 sàn: shopee ở đây còn lazada ở đây.