Nam quốc sơn hà - Hồi 23
Tình Việt duyên Chàm
Ngày đăng: 23-07-2014
Tổng cộng 50 hồi
Đánh giá: 9.5/10 với 244594 lượt xem
Hôm ấy là một ngày nắng Xuân ấm áp. Đạo quân của Tín-nghĩa vương đang vây thành Bố-chánh, thì ưng binh nhận được lệnh từ soái thuyền đem về. Viên đội trưởng ưng-binh lấy thư trình cho vương. Vương đọc đi đọc lại đến ba lần, rồi ra lệnh đánh trống họp chư tướng. Tướng-sĩ tề-tựu đầy đủ. Đặc biệt hôm nay cạnh vương có một vệ sĩ thân hình nhỏ bé ngồi im lặng. Vương thăng trướng nói:
– Từ hôm vượt núi Nam-giới đến giờ, chúng ta chỉ đánh cầm chừng, đánh lấy lệ, để cầm chân đạo quân của Đinh Kiếm-Thương. Cô-gia biết chư tướng đều bực mình vì không trổ được hùng tài, được thần oai, thì trong lòng bất phục. Hôm nay đây, cô gia long trọng mời chư tướng tới họp để chúng ta bàn kế đánh thành Bố-chánh.
Chư tướng ồn lên những tiếng vui mừng. Vương tiếp:
– Sở dĩ chúng ta phải đánh cầm chừng, vì ta là đạo binh hư. Còn đạo binh thực là đạo của Trung-thành vương. Trong khi ta ở đây vây thành, thì vương đi đường thượng-đạo Tây Trường-sơn, rồi đổ vào đánh úp Ma-linh, Tư-dung, Địa-lý, Đại-trường-sa. Bây giờ các nơi ấy đã chiếm được rồi. Quân của vương đang tiến về Nhật-lệ. Bọn binh tướng Chiêm trong thành Bố-chánh kinh hoàng, lợi dụng lúc này ta đánh thành. Chỉ dụ của Hoàng-thượng bắt chúng ta phải lấy được thành trong ba ngày.
Vương hỏi phó tướng Bùi Hoàng-Quan:
– Thế nào, binh tướng của ta ra sao?
– Khải vương gia về bộ binh ta có hai hiệu Thiên-tử binh là Bổng-thánh, Bảo-thắng. Kị-binh có năm nghìn, và 100 thớt voi. Còn trong thành giặc có năm mươi voi, ba nghìn kị, hai hiệu binh. Như vậy về bộ-binh hai bên ngang nhau, còn kị binh ta nhều hơn hai nghìn, voi nhiều hơn năm mươi thớt.
Tướng chỉ huy hiệu Bổng-thánh tả là Trần Bá bàn:
– Khải vương gia, thần nghĩ mình phải tìm cách nào đánh nhanh, đánh táo bạo; chứ đánh theo lối cổ điển thì e hao binh tổn tướng vô ích. Theo binh pháp của Khai-Quốc vương, cứ một thủ, phải mười người mới đánh được. Với quân số của ta hiện giờ, thì không đủ để công thành.
Tín-nghĩa vương hướng Tây-hồ thất kiệt:
– Các em nghĩ sao?
Tây-hồ đệ nhị kiệt là Dương Minh, phụ trách về tế tác đứng lên nói:
– Tôi xin mạo muội bàn về tướng giặc trước. Tướng trấn thủ trong thành là ma đầu Đinh Kiếm-Thương, cùng với năm đệ tử của y. Chúng đều là người trí dũng song toàn, bấy lâu ẩn nhẫn trong dân, bị võ lâm, quan binh truy lùng, khiến chúng trở thành khôn ngoan táo bạo. Về bản lĩnh táo bạo, chúng hơn ta nhiều, nếu ta cũng dùng lối này đánh với chúng thì không khác gì tự tử. Trước mắt chúng, thì vương gia mới hai mươi hai tuổi. Bùi tướng quân, mới hai mươi ba tuổi; cả hai đều là những thứ công tử bột. Vương gia nhờ uy tín Quốc-phụ, Bùi tướng quân nhờ uy tín Đại tư mã mà được lĩnh trọng quyền. Mục đích của chúng là cầm chân quân ta, thì chúng đã đắc thế. Cho nên hiện trong lòng chúng đang khinh khi tướng của ta.
Chư tướng thấy Minh dám nói toẹt những điều tế nhị ra, có thể coi như vô lễ với Tín-nghĩa vương. Họ tỏ ý khâm phục nó. Nó tiếp:
– Khi Long-thành ẩn-sĩ vốn biết cái kiêu khí của thầy trò Kiếm-Thương rồi. Để đẩy y vào lỗi lầm tự kiêu và khinh địch, người phải tìm hai tướng trẻ đối đầu với chúng. Cho nên Tính-nghĩa vương với Tả-thiên ngưu vệ thượng-tướng quân được cử tiến công mặt Nam-giới. Rồi từ hôm khởi chiến đến giờ, vương gia làm kế hư binh, đóng quân một chỗ, khiến chúng càng khinh hơn. Đã hết đâu, vương lại không cho chư tướng cầm quân, ngày ngày sai tụi nhãi ranh chúng tôi công thành lấy lệ. Bây giờ đánh chúng, ta phải làm như ngu, mới thành công.
Tín-nghĩa vương mỉm cười:
– Nhị đệ luận đúng. Bây giờ lừa giặc, ta giả ngây, giả dại, đưa chúng vào bẫy.
Vương hỏi Triệu Thu:
– Tam đệ, người định lừa địch thế nào đây?
Triệu Thu đứng lên:
– Giặc đã biết quân Trung-thành vương, Dư Phi đang tiến về Nhật-lệ. Nếu ta cũng tiến quân về đây, thì chúng tin ngay. Bây giờ ta phải giả ngu, một mặt cho quân rầm rộ nhổ trại, tiến về Nhật-lệ. Một mặt phục quân ngoài thành. Kiếm-Thương là con cáo già táo bạo, y không dại gì đuổi theo ta, mà tiến lên phía Bắc đánh chiếm kho lương, rồi đổ vào đánh Nghệ-an. Trong tâm y, y cho rằng kho lương Nam-giới bị chiếm, đạo quân của ta tan vỡ; kho lương Nghệ-an thất thủ, toàn quân ta phải bỏ chạy về.
Chư tướng vỗ tay hoan hô.
Tín-Nghĩa vương gọi Trần Bá, chỉ huy hiệu Bổng-thánh tả, Lê-Đảo chỉ huy hiệu Bổng-thánh hữu:
– Hiện quân của hai đô-thống đóng ở Nam thành Bố-chánh. Mọi chuyển động của binh tướng, trong thành Bố-chánh đều thấy hết. Ngay trưa mai, hai đô-thống mang bản bộ quân mã, nhổ trại tiến về phía Nhật-lệ. Phải sao nhổ trại, di chuyển làm rầm rộ cho trong thành chúng trông thấy. Trên đường đi, tìm cách ém quân trong khu rừng. Đợi khi có tín hiệu bằng hỏa pháo thì tiến quân về đánh thành Bố-chánh. Trần đô-thống đánh cửa Nam, Lê đô thống đánh cửa Đông.
Vương gọi đô-thống Lê Hưng, chỉ huy hiệu Bảo-thắng tả:
– Đô-thống mang bản bộ quân mã, đêm nay âm thầm rút vào khu rừng phía Tây ẩn tại đây. Khi thấy có pháo thăng thiên nổ thì kéo về đánh cửa Tây thành Bố-chánh.
Vương gọi đô-thống Mai Chu, chỉ huy hiệu Bảo-thắng hữu:
– Quân của đô thống hiện đang đóng giữ kho lương ở chân núi Nam-giới phải không? Từ ngày Nam tiến đến giờ, bà chúa kho Thiên-Ninh giao cho đô-thống một số cá khô, khoai khô, sắn khô, cùng những bao gạo... bên ngoài đề chữ "thượng phẩm” phải không?
– Thưa vương gia vâng.
Mai Chu đáp: Công chúa ban chỉ dụ rằng đây là những bao thực phẩm để khi thắng giặc sẽ khao quân. Bất cứ binh tướng nào lấy ra một đấu gạo, một con tôm khô để ăn thì sẽ bị chém ngay tại chỗ. Cho nên những bao lương thượng phẩm này được bảo trì hết sức chu đáo.
Vương mỉm cười:
– Ngay đêm nay đô-thống phải cho di chuyển lương thảo đem về thành Nam-giới cất, chỉ để lại những bao thượng phẩm mà thôi. Sau đó đóng quân chờ đợi ở phía chân núi. Hễ thấy quân Chiêm tiến đánh, thì cầm cự qua loa, rồi rút chạy về thành Nam-giới, để cho chúng chiếm kho lương thượng phẩm. Khi về tới thành Nam-giới, phải phòng thủ cực kỳ chu đáo. Nếu để cho Kiếm-Thương chiếm thành, thì Nghệ-an nguy.
Lê Đảo hỏi:
– Khải vương gia, khi Kiếm-Thương đánh chiếm được kho lương, rồi không chiếm được Nghệ-an, y sẽ lui về Bố-chánh, thì các đạo quân của ta mất đường tiếp tế lương thảo, e nguy lắm.
Vương cười:
– Đô-thống cẩn thận vậy thực phải. Nhưng đô-thống ơi, khi Kiếm-Thương rời Bố-chánh, thì cô gia đã đánh úp lấy thành rồi. Vợ con tướng sĩ Chiêm đã lọt vào tay ta. Ta chỉ truyền một bài hịch: ai hàng ta tha cho bản thân và gia đình. Ai chống thì ta giết cả nhà. Như vậy không cần đánh, đạo binh của Kiếm-Thương cũng tan. Lại nữa, kho lương thảo thượng-phẩm ta để cho chúng cướp là lương thảo ướp thuốc độc. Quân, mã, tượng của chúng ăn vào, tuy không chết, nhưng trong vòng ba ngày bị bải hoải, đi đứng khó khăn. Ta chỉ việc bắt như bắt ốc trên bãi biển vậy.
Các tướng lục tục lên đường. Bấy giờ vương mới gọi Tây-hồ thất kiệt vào trướng họp mật:
– Về hành quân, ta đã làm như ngu cho Kiếm-Thương trúng kế. Bây giờ ta lại đánh táo bạo, ắt chúng không bao giờ ngờ tới. Đánh táo bạo thì anh với bẩy chú làm, thêm năm chú Long-biên nữa thì thừa sức thắng địch. Ta đã có năm trăm dũng sĩ Tây-hồ và mượn năm trăm dũng sĩ Long-biên là một nghìn. Trung bình mỗi dũng sĩ có thể thắng một trăm quân, như thế ta có tới vạn quân rồi.
Bẩy đứa trẻ sung sướng, xoa tay vao nhau, chúng hỏi:
– Long-biên ngũ hùng ở tận Ma-linh, mà anh bảo họ dự trận với mình?
Vương hướng vào trong trướng gọi:
– Long-biên ngũ hùng đâu, mau ra tương kiến.
Năm trẻ Phạm Dật, Vũ Quang, Hoàng Nghi, Lý Đoan, Trần Ninh từ trong bước ra hành lễ, có cả Kim-Loan, Kim-Liên. Từ mấy năm nay, Tây-hồ thất kiệt ở trong phủ Tín-nghĩa vương, Long-biên ngũ hùng ở trong phủ Trung-thành vương. Hai vương là anh em, phủ đệ cùng ở bên hồ Tây, lại nữa cả hai nhóm trẻ đều do Ỷ-Lan mà được đắc thế. Cho nên chúng thân thiết với nhau như anh em ruột. Chúng gọi nhau bằng cái tên tục mà chúng đặt cho nhau từ hồi mấy năm trước. Từ ngày Nam chinh, hai nhóm trẻ phải xa nhau, bây giờ thình lình gặp nhau, chúng mừng vô hạn. Không giữ nổi cái thế nghiêm trang của buổi hội quân, chúng reo lên, ôm lấy nhau.
Trần Di chỉ Kim-Loan, Kim-Liên hỏi:
– Hai cô này là thế nào đây?
Lý Đoan cười hô hố, nó chỉ vào Kim-Loan:
– Bà chị này là "thế nào” của ông anh Phạm Dật.
Nó lại chỉ vào Kim-Liên:
– Còn bà chị này "chẳng là thế nào” của ông anh Vũ Quang.
Nó hát vẩn vơ:
Thế nào là thế nào đây?
Như dây rau má, như dây bìm bìm.
Em qua, anh đứng anh nhìn,
Anh về em đứng, em nhìn anh đi.
Hí hị hì hi.
Chỉ mấy câu hát của Lý Đoan, Tín Nghĩa vương đã biết những gì xẩy ra ở bốn trẻ. Vương nghĩ thầm:
– Mình phải tác thành cho chúng.
Vương hỏi Kim-Liên, Kim-Loan:
– Hai cô em là người Việt ở hải ngoại, thì tình yêu nước mạnh hơn người ở nhà. Bây giờ hai cô tới đây dự trận, có bóng dáng vua Trưng ắt làm cho giặc phải tan.
Mấy hôm trước, Tín-nghĩa vương gửi thư đến anh là Trung-thành vương, xin tăng viện cho Long-biên ngũ hùng, đội năm trăm võ sĩ Long-biên, với các đạo binh thú. Sáng nay, chúng tới trình diện. Vương thấy ngoài năm trẻ còn có hai thiếu nữ xinh đẹp, nhưng vì chúng mới đến, vương chưa kịp hỏi rõ lai lịch. Bây giờ vương mới có dịp hỏi. Trần Ninh cứ thực sự trình bầy. Vương hài lòng.
Tín-nghĩa vương để cho chúng tự do nói chuyện, trao đổi tình hình giữa hai mặt trận. Chuyện vãn, vương hạ lệnh:
– Trưa mai, các cánh quân phía Nam của ta rút, ắt đêm Kiếm-Thương đem quân Bắc tiến đánh chiếm kho lương Nam-giới. Lợi dụng lúc chúng ra quân, ta đánh úp thành. Bây giờ thế này.
Vương chỉ thành Bố-chánh, bảo Trần Di, Dương Minh:
– Trong hai đội dũng sĩ, đội Tây-hồ thì chuyên về thủy chiến lặn giỏi như giao long. Đội Long-biên thì giỏi leo trèo. Ta dùng dũng sĩ Tây-hồ đánh mặt thủy. Thành Bố-chánh có con sông nhỏ Như-giang chảy theo hướng Tây, đổ về Đông. Vậy nhất đệ, nhị đệ mỗi người mang theo một trăm dũng sĩ Giao-long ẩn phía Tây thành. Đợi đêm đến, lặn theo sông vào trong. Khi vào rồi thì nhất đệ tiến chiếm cửa Tây, nhị đệ chiếm cửa Nam.
Vương bảo Triệu Thu, Mai Cầm:
– Tam đệ, tứ đệ, mỗi ngươi mang theo một trăm dũng sĩ Giao-long, ẩn thân ở phía Nam sông Như-giang. Tại đây có mười con thuyền chuyên chở lương của Chiêm. Trong đội thủy quân này của chúng, đa số là người của Hồng-thiết Vọng-giang, vốn là tế tác của ta. Hai em chỉ việc hô mật khẩu, là họ dùng thuyền chở các em. Vào trong thành rồi, thì tam đệ đánh chiếm cửa Đông. Tứ đệ đánh chiếm cửa Bắc.
Vương gọi Quách Y, Ngô Ức, Tạ Duy, cùng bọn Long-biên ngũ hùng:
– Ngũ, lục, thất đệ với ta, thêm Long-biên ngũ hùng, tổng cộng tám người. Chúng ta phân chia dũng sĩ Long-biên làm bốn toán, đem thú binh chia nhau phục ở bốn cửa thành. Đợi khi trong thành, toán cảm tử của ta đánh quân giữ cổng, mở cửa. Ta lập tức xua quân tiến vào.
Vương chỉ vào cổng thành:
– Đạo quân của Trung-thành vương có một trăm thớt voi, thì bốn mươi thớt bị chúng cướp mất, sáu mươi thớt hiện đang trấn giữ Địa-lý. Nhưng ở đây ta có một trăm voi. Vậy mỗi cửa ta chia đều mỗi loại voi, hổ, báo, sói, hai mươi lăm con. Khi cổng thành mở, thì lập tức xua thú tấn công trước, dũng sĩ theo sau. Vậy cửa Bắc thì Phạm Dật, Kim Loan, Quách Y; cửa Tây thì Vũ Quang, Kim Liên, Ngô Ức; cửa Nam thì Hoàng Nghi, Tạ Duy; cửa Đông thì Lý Đoan, Trần Ninh.
Lý Đoan hỏi:
– Em thấy còn đội thần hầu, một trăm dũng sĩ Tây-hồ, một trăm dũng-sĩ Long-biên chưa dùng đến. Vậy họ sẽ tham chiến ở đâu?
Tín-Nghĩa vương cười:
– Họ đi theo anh. Anh sẽ tùy nghi tiếp viện các mặt.
Trần Ninh cẩn thận hơn:
– Anh ơi, anh là chúa tướng, mà chỉ có hai trăm dũng sĩ hộ vệ thì em không an tâm tý nào cả.
Một dũng sĩ dáng người nhỏ nhắn ngồi cạnh vương từ đầu buổi họp, y không hề mở miệng nói, bây giờ y mới lên tiếng:
– Cái cậu Ninh Mai-Hắc đế này cẩn thận quá đi. Võ công anh chú đâu có tầm thường mà chú lo lắng?
Nghe tiếng người này nói, bọn trẻ reo lên:
– Chị Ngọc-Nam.
Quả đúng thế, người mặc giả trai ngồi cạnh Tín-nghĩa vương là vương phi Ngọc-Nam. Hôm trước đây, nhân dẫn đoàn tiếp tế lương thảo từ Nghệ-an vượt núi Nam-giới, vương phi đem theo một trăm nữ dũng sĩ thuộc đạo binh của Công-chúa Thiên-Ninh vào tiếp viện cho vương. Nay nhân có trận đánh, vương phi xin cho mình với đoàn nữ dũng sĩ tham dự. Để giữ kín quân tình, phi giả trai, đeo râu vào, nên bọn trẻ thấy mặt phi quen quen, mà không đoán ra. Bây giờ phi lên tiếng, bọn chúng mới nhận được.
Ngọc-Nam là vương phi Tín-nghĩa vương, hằng ngày bọn trẻ gọi bà bằng chị, nhưng thực ra bà nuôi nấng dạy dỗ bọn chúng như con trong nhà, nên chúng đối với bà bằng tất cả mối tình vừa kính vừa yêu.
Đạo dũng sĩ của Mai Cầm, Triệu Thu phải đánh vào cửa Đông, mà cửa Đông ở xa doanh trại nhất, nên chúng phải lên đường thực sớm. Đội quân trên trăm người âm thầm di chuyển trong rừng. Đến hết canh hai mới tới bến phía Đông của thành Bố-chánh. Triệu Thu leo lên cây quan sát: Trước mắt nó, dưới ánh sáng lờ mờ của đêm, mười chiếc thuyền nhỏ của Chiêm đậu cạnh nhau. Trên cột buồm một thuyền lớn, có ngọn đèn bão leo lét trong đêm. Biết đây là ám hiệu của tế tác Đại-Việt, nó nhảy xuống, dẫn đội võ sĩ hướng bờ sông tiến tới. Bỗng có tiếng chó sủa, rồi có người hỏi bằng tiếng Việt:
– Là ai.
Nó vội đáp:
– Cọp đi ăn đêm.
Ba người từ trên cây nhảy xuống. Một người già tự giới thiệu:
– Tôi là Trần Gia, còn đây là hai con gái tôi tên Ngọc-Liên, Ngọc-Hương.
Triệu Thu giới thiệu Mai Cầm, cùng nói sơ nhiệm vụ của chúng. Trần Gia vẫy tay:
– Tất cả xuống thuyền đi thôi. Ta có năm thuyền nhỏ, mỗi thuyền chở hai mươi dũng sĩ thì vừa.
Đội dũng sĩ xuống thuyền. Triệu Thu, Mai Cầm được đưa vào khoang của con thuyền lớn, cửa khoang thuyền đóng lại. Trần Gia đưa ra tờ giấy vẽ bản đồ thành Bố-chánh:
– Từ đây chúng ta chèo thuyền đi ngược sông, chỉ có một trạm canh của Chiêm với hai con thuyền, và mười binh sĩ. Thông thường khi thấy thuyền chở lương của chúng tôi, chúng không kiểm soát. Hay chúng có kiểm soát thì chúng ghé thuyền vào thuyền xin xỏ chút lương thực. Hễ tôi ra hiệu là các vị với hai con gái tôi phải giết hết chúng ngay tức khắc, rồi ta ghé thuyền vào bờ cho dũng sĩ lên đường. Bấy giờ ta phải làm gì?
Triệu Thu đáp:
– Tôi với trăm dũng sĩ âm thầm đến cửa Đông. Còn ông dẫn Mai Cầm với trăm dũng sĩ lần đến cửa Bắc. Khi tới nơi, Mai Cầm tấn công quân canh cổng, rồi đốt pháo lệnh. Tôi mới tấn công quân cửa Đông.
Trần Gia bảo hai con gái:
– Ngọc-Liên cùng một toán hoàng nam theo giúp anh Triệu Thu. Còn bố với Ngọc-Hương theo giúp anh Mai Cầm.
Bấy giờ Triệu Thu, Mai Cầm mới chú ý đến chị em Ngọc-Liên, Ngọc-Hương. Đó là hai thiếu nữ ngang tuổi với chúng nó, dáng người xinh đẹp, nhưng tiếng nói ảnh hưởng giọng Chiêm nên hơi nặng. Triệu Thu hỏi:
– Này hai cô, hai cô có tập võ chưa?
Ngọc-Liên gật đầu:
– Có, nhưng không bõ làm trò cười cho hai anh.
Mai Cầm lắc đầu:
– Cô nói! Các cô đã biết võ nghệ chúng tôi ra sao đâu? Tôi cho cô biết anh Thu là con nhà quét chợ, còn tôi là thằng ăn mày đấy. Danh giá gì đâu?
Ngọc-Hương phì cười:
– Anh khéo đùa. Anh là nghĩa đệ của Tín-nghĩa vương, mà lại đi ăn mày ư?
– Tôi nói thực đấy.
Nó bèn kể lại thời thơ ấu của Tây-hồ thất kiệt cho cha con Trần Gia nghe. Bấy giờ cha con Trần Gia mới tin. Ngọc-Hương khen:
– Anh quả thực là người thành thực. Tôi nghe tục ngữ Việt mình có câu: Anh hùng đâu quản xuất thân. Khi anh kể cái quá khứ đi ăn xin một cách vui vẻ, tự nhiên, thì biết rằng anh có tư cách của người anh hùng rồi.
– Tôi có là anh hùng hay không, thì khó mà định rõ được. Nhưng tôi thấy rằng mình sinh ra, làm được bất cứ việc gì cho đất nước, thì đủ thỏa chí rồi. Như hôm nay, lát nữa đây, lão bá, hai cô, với anh em chúng tôi đều lăn mình vào chỗ chết, mà không hề thấy lo sợ, hồi hộp là vì mình thấy việc làm đẹp quá. Có phải thế không?
Ngọc-Liên tiếp lời:
– Các anh thực là con cháu thánh Gióng.
– Còn các cô thì là con cháu vua Trưng.
Chuyện một lúc, tiếng trống cầm canh trong thành đã điểm canh ba. Trần-Gia ra lệnh cho đò nhổ cọc. Mười con thuyền âm thầm tiến tới phía thành Bố-chánh. Khi đi qua trạm kiểm soát, Trần-Gia ngạc nhiên khi không thấy binh canh gọi. Ông đoán có lẽ chúng đã ngủ. Thuyền hướng bến nhà kho, ghé vào bờ. Nhanh nhẹn Trần-Gia, Ngọc-Hương cùng đội hoàng nam dẫn Mai-Cầm và đội võ sĩ hướng cửa Bắc. Còn Ngọc-Liên với Triệu-Thu hướng cửa Đông.
Trần-Gia, Mai-Cầm đến cửa Bắc, cả toán núp vào các bụi cây. Như đã hẹn trước, một toán võ sĩ ào đến chiếm ngay cổng thành, cùng rút then, mở cổng. Một toán đánh chiếm vọng lâu, chém giết quân canh. Sau đó cả hai toán võ sĩ dàn ra bảo vệ hai bên cửa thành cho quân ở ngoài tràn vào.
Triệu-Thu hú lên một tiếng ra lệnh. Nó xông vào vọng lâu đầu tiên, chiếm cầu thang, rồi leo lên cổng thành. Vừa lên tới cổng, nó thấy bốn quân canh nằm chết cong queo ngay trên mặt thành. Không kịp suy nghĩ, để mười võ sĩ canh gác tại đây, rồi nó nhảy xuống, cũng vừa gặp Trần Gia, Ngọc-Hương đang ngơ ngẩn, vì hơn chục binh canh đều chết gục nằm rải rác khắp nơi. Tuy kinh hãi, nhưng nó cũng vội cùng hai người nhảy vào nhà ngủ của quân gác cổng. Trong nhà không một tiếng động, chỉ thấy mùi máu tanh hôi khủng khiếp. Nó vội sai đánh lửa lên, thì thấy trong nhà có bẩy xác chết nữa, nó cúi xuống lật các xác lên coi, thì thấy ngực bị vỡ ra, chứng tỏ bị giết bằng chưởng lực.
Có tiếng ho phía trước, nó nhìn lên, một người quần áo nâu mặt bịt kín đang khoanh tay đứng nhìn nó. Trần-Gia vung đao chém người này. Y không đỡ, chỉ đưa tay ra kẹp lấy sống đao. Đao Trần Gia như bị đóng vào cột không nhúc nhích. Ngọc-Hương vội rút kiếm chém y để cứu cha. Nhưng người này lại điểm sẽ vào huyệt Khúc-trì của nàng. Người nàng tê liệt như pho tượng.
Mai Cầm định nhảy vào cứu cha con Trần Gia thì có tiếng nói:
– Cầm thẹo, sao tới trễ vậy? Ta đã giết hết quân canh rồi.
Bấy giờ người kia mới mở khăn trùm đầu ra, Mai Cầm nhận ra y là sư Viên-Diệp ở chùa Từ-quang. Nó vội hành lễ:
– Đệ tử kính chào sư bá.
Viên-Diệp giải khai huyệt đạo cho cha con Trần Gia, rồi tung mình vào đêm tối.
Mai Cầm đánh lửa châm vào pháo thăng thiên tung lên trời. Pháo nổ đùng một tiếng, tỏa ra hình con chim ưng mầu đỏ. Lập tức tiếng pháo nổ, tiếng trống thúc, tiếng thú gầm nổi lên khắp nơi. Trần Gia đã sai mở cổng thành cho quân bên ngoài tràn vào. Phạm Dật, Quách Y mỗi người cỡi một thớt voi dẫn dầu. Phía sau là đội hổ, báo, sói rống lên. Tất cả nhanh nhẹn đánh vào trung ương thành. Tại cửa Đông, khi thấy pháo thăng thiên ở cửa Bắc nổ trên không, Triệu Thu, Ngọc-Liên cùng đội võ sĩ tấn công vào quân canh. Đám quân canh không trở tay kịp, bị kiềm chế ngay tức khắc. Cổng thành mở rộng, Lý Đoan, Trần Ninh cỡi voi thúc thú tràn vào trung ương thành. Khi quân vào gần đến giữa thành, thì gặp đội quân của Hoàng Nghi, Tạ Duy đánh từ cửa Nam; cánh quân Vũ Quang, Ngô Ức đánh từ cửa Tây; cánh quân Phạm Dật, Quách Y đánh từ cửa Bắc.
Bốn đội dũng sĩ, các đội thú dàn ra vây kín xung quanh dinh Cửu-chân vương của Đinh Kiếm-Thương, chờ Tín-nghĩa vương tới định liệu.
Đạo binh Bảo-thắng tả của Lê Hưng đã ùa vào cửa Tây thành, phân làm hai, dàn ra đóng bảo vệ cổng. Lát sau hiệu Bổng-thánh hữu của Lê Đảo tràn vào cửa Đông; hiệu Bổng-thánh tả của Trần Bá tràn vào cửa Nam. Lê Hưng, Lê Đảo, Trần Bá là những đô thống lớn tuổi, đánh dư trăm trận, rất thiện chiến, chỉ trong khoảng hai khắc (nửa giờ ngày nay), ba đạo quân đã chia nhau trấn giữ khắp nơi hiểm yếu, cho quân dẫn các đội sói đi khắp trong thành bắt hết quan, quân cùng dư đảng Hồng-thiết giáo tập trung lại.
Trời dần sáng, vẫn không thấy tin tức Tín-nghĩa vương. Lê-Hưng bàn với Lê-Đảo, Trần-Bá:
– Ta phải tùng quyền, đánh chiếm dinh Cửu-chân vương của Đinh Kiếm-Thương, không cần chờ vương gia nữa.
Lê Hưng cho quân cầm loa gọi vào trong bằng tiếng Việt, tiếng Chàm:
– Tướng sĩ trong dinh phải ra hàng hết, bằng không thì quân tiến vào, sẽ bị hổ báo ăn thịt.
Lát sau có hai thị nữ ra, một người nói:
– Vương phi cho mời ba vị đô-thống, cùng Tây-hồ thất kiệt, Long-biên ngũ hùng vào ăn điểm tâm.
Lê Hưng hỏi Lý Đoan:
– Lý huynh đệ, từ khi Đào Hà-Thanh bị Mộc-tồn Vọng-thê hòa thượng giết đến giờ, Đinh Kiếm-Thương có lấy vợ bao giờ đâu, mà nay có vương phi?
Phạm Dật xua tay:
– Bất biết vợ y là ai. Chúng ta cũng cứ vào. Dù gì Kiếm-Thương cũng là người Việt. Ta nên tử tế với vợ con y.
Ba đô-thống dẫn mười hai trẻ vào trong dinh. Qua cái cổng, không có binh sĩ canh gác, thì vào tới tòa đại sảnh lớn. Thị nữ mở cửa chỉ vào trong:
– Mời các vị tướng quân vào.
Mười lăm người cùng ào vào. Bất giác tất cả cùng đứng ngây người ra nhìn: Trên cái ghế bọc da hổ, Tín-nghĩa vương đang ngồi chễm chệ. Bên cạnh là vương phi Lê Ngọc-Nam. Hai bên là hai đội vệ sĩ nam, nữ gươm đao sáng ngời. Vương cười:
– Các vị đô-thống tới trễ là chuyện thường. Còn Tây-hồ thất kiệt với Long-biên ngũ hùng sao mà tới trễ vậy? Ta chiếm dinh, ngủ một giấc ngon lành. Còn bà chị cho làm xôi gà mời mấy chú ăn điểm tâm đấy.
Lê Hưng kinh hãi:
– Khải vương gia, như thế này là...
– Đô-thống với các em ngồi đây. Có gì lạ đâu? Ta áp dụng binh pháp của phụ vương: trong hư có thực, trong thực có hư. Ta rút quân về Nam là hư. Ta cho tải lương về thành Nam-giới cũng là hư. Nhưng ta cho các vị tướng quân ẩn trong này đánh úp thành là thực. Bây giờ giữa cái thực, ta lại dùng cái hư, ta cho chúng chiếm kho lương ở núi Nam-giới là lương chứa thuốc độc đó là hư. Còn ta với vương phi đánh úp dinh Cửu-chân vương là thực.
Tạ Duy hỏi:
– Anh đánh bằng cách nào?
– Phía Bắc thành có một khu, mà bên trong nhiều cây cối rậm rạp. Ta chờ đêm đến, tung dây vào trong, rồi cho hầu leo vào cột dây lên các cây, thả mối ra ngoài. Ta với vương phi, cùng trăm dũng sĩ Tây-hồ, trăm dũng sĩ Long-biên, trăm nữ binh vượt thành vào, âm thầm đánh úp dinh Cửu-chân vương.
Tín-nghĩa vương truyền cho Lê Hưng cùng Tây-hồ thất kiệt lo kiểm kê lương thảo, thanh lọc tù binh. Một mặt vương cùng Long-biên ngũ hùng theo dõi tin tức từ các mặt trận do chim ưng mang về.
Vào khoảng giờ Thìn, có tin báo từ thành Nam-giới của đô-thống Mai Chu:
« ... Đinh-kiếm-Thương chưa biết tin Bố-chánh thất thủ. Y tiến quân vây thành rất gấp. Xin cứu viện... »
Vương-phi Lê Ngọc-Nam đề nghị:
– Khi rời thành, quân Chiêm mang theo lương thực ba ngày. Sau ba ngày chúng sẽ dùng đến lương cướp được, bấy giờ chúng mới bải hoải. Trong ba ngày đó, chúng có thể tràn ngập thành Nam-giới. Vậy anh nên thả cho ít tù binh về với Kiếm-Thương, để làm loạn lòng quân của y, rồi ta đem quân chặn đường rút lui, hầu phá chủ lực của chúng.
Tín-nghĩa vương gọi Trần Di:
– Em đem một trăm ngựa, hai chục cỗ xe bắt được của Chiêm, rồi thả một ít tướng binh Chiêm bị thương, lại thả một ít vợ con binh tướng Chiêm theo. Bắt chúng phải lên đường đi Nam-giới thực gấp, để làm nát lòng quân của chúng.
Ông gọi Long-biên ngũ hùng, đô-thống Trần Bá, Lê Đảo:
– Hai đô-thống với năm em, đem hai hiệu Thiên-tử binh tiến về phía Bắc, chia làm bốn khu mai phục. Đợi binh Chiêm bị trúng độc trở về, ta xua thú ra đánh cắt, làm cho chúng kinh hoàng hàng ngũ tan nát, rồi bắt lấy. Phải cẩn thận lắm, vì Kiếm-Thương với năm đệ tử của y võ công cao thâm khôn lường.
Vương phi Ngọc-Nam bảo bốn thiếu nữ Kim-Loan, Kim-Liên, Ngọc-Liên, Ngọc-Hương:
– Bốn em ở lại đây với chúng ta. Chúng ta đang cần nhiều người dịch tiếng Chàm.
Bốn thiếu nữ vâng dạ ở lại dinh.
Một ngày sau, chim ưng mang thư từ thành Nam-giới về:
« ... Thình lình quân Chiêm bỏ không vây thành nữa. Chúng rút quân rất nhanh. Kị-binh rút trước, bộ binh rút sau. Vậy có nên đuổi theo không?... »
Vương truyền lệnh:
« ... Chuẩn bị binh tướng sẵn sàng, khi có lệnh thì đuổi theo... »
Hôm sau có thư của Long-biên ngũ hùng:
« ...Bọn em với hai đô-thống Trần, Lê đem quân tiến về Nam-giới. Chúng em chia binh làm năm đoàn, phục bốn khu khác nhau. Còn một đoàn tiến lên giải vây cho thành Nam-giới. Khi còn cách thành năm mươi dặm thì chim ưng khám phá ra phía trước có phục binh. Bọn em đóng binh lại không tiến nữa, cho quân đánh trống, rồi sai hầu binh vào các dẫy núi treo cờ ngũ hành khắp nơi làm kế hư binh. Đến chiều, có đạo kị binh khoảng hai nghìn đi tuần thám. Lập tức chúng em cho đội báo phục bên đường, thình lình đổ ra làm hơn hai trăm ngựa bị thương. Đám kị binh vội lui trở lại. Em cho hổ đuổi theo một đoạn rồi rút về. Hôm nay, đại binh Chiêm từ Nam-giới lui, cờ xí nghiêng ngả, đội ngũ lộn xộn, lừa ngựa không đi được nữa. Có lẽ họ bị trúng độc của lương thượng phẩm. Chúng em cho đội sói tấn công dò dẫm đạo tiền quân, quả nhiên đạo này tan vỡ. Các đạo rút sau đều trúng phục binh. Quân, tướng Chiêm đầu hàng ngay. Hiện bắt được số tù binh lên tới mấy vạn, lừa ngựa trên năm nghìn. Xin chờ lệnh... »
Vương bàn với vương phi:
– Quân Chiêm có bốn vạn bộ, ba nghìn kị, năm mươi thớt voi. Chúng để lại giữ thành nghìn kị, một vạn bộ, đều bị ta bắt hết. Hiện chúng còn ba vạn bộ, hai nghìn kị, năm mươi voi. Nhưng voi, ngựa trúng độc vô dụng rồi. Như vậy mặt trận Bố-chánh coi như xong.
Trong khi đó, Tín-nghĩa vương sai Tây-hồ thất kiệt cùng những trang chủ, động chủ đi khắp các thôn trang an dân, tổ chức cai trị, ban hành chính sách tha thuế một năm, tha thuế nợ những năm trước, cùng ân xá phạm nhân.
Hôm sau có tin của Trần Di, Lê Đảo do chim ưng mang về:
« ... Đã bắt tay được với hiệu Bảo-thắng hữu của Lê Chu và đoàn tiếp tế lương thảo của bà chúa kho. Bắt trọn vẹn binh tướng Chiêm. Không thấy thầy trò Đinh Kiếm-Thương đâu. Đang trên đường về Bố-chánh... »
Chiều hôm ấy, Tín-nghĩa vương đang ngồi tiếp đại diện các trang động người Việt ở Bố-chánh để an ủi họ, cùng ban hành chính sách của triều đình, thì thân binh vào báo:
– Có năm xe chở tướng sĩ Chiêm bị bắt từ mặt trận về. Trong đó có mấy người là hoàng thân Chiêm, cùng viên An-phủ sứ, Tuyên-vũ sứ Bố-chánh. Xin vương gia định liệu.
Tín-nghĩa vương bàn với vương phi:
– Trong chính sách chiêu dụ, an dân, ta phải nhờ mấy người này. Em với anh nên ra đón họ, đối xử tử tế, để mua lòng người.
Vương cùng vương phi dẫn Tây-hồ thất kiệt, tùy tùng ra ngoài dinh. Năm chiếc xe cửa bằng vải đóng kín nằm thành hàng dài. Một viên đội trưởng người Chiêm mới đầu hàng khom mình hành lễ, rồi chỉ vào chiếc xe dẫn đầu:
– Khải vương gia, trong xe này có ba hoàng đệ Chiêm, cùng ba đại quan là viên Tuyên-vũ sứ, An-vũ sứ, chuyển vận sứ vùng Bố-chánh.
Vương bảo y:
– Đối với thân vương, cùng các quan lại gốc Chiêm, các người không thể, và không nên cùm kẹp, đóng gông, hay trói.
Vương thân tiến đến mở cửa xe. Thình lình, binh một tiếng, cửa xe bay tung ra ngoài, một người như con đại bàng chụp vương. Một người khác chụp vương phi Ngọc-Nam, còn bốn người điểm huyệt đám Tây-hồ thất kiệt.
Kinh hoàng, vương nhảy lùi lại tránh, thì người kia còn nhanh hơn, y tung một chưởng vào người vương. Vương vung cả hai tay đỡ, bình một tiếng, người vương bay tung lại sau. Người kia phóng theo điểm huyệt, thế là vương bị kiềm chế. Vương nhìn lại, vương phi, cùng Tây-hồ thất kiệt đã bị điểm huyệt. Đối phương chỉ có sáu người. Một người già, tóc bạc như cước, năm người tuổi khoảng bốn mươi. Chúng rút vũ khí kề vào cổ vương, vương phi cùng Tây-hồ thất kiệt.
Đám võ sĩ Đại-Việt vây tròn sáu người lại, cung tên chĩa ra. Viên trưởng toán hỏi:
– Sáu người là ai, mà ám toán vương gia. Mau lùi lại, bằng không ta buông tên, thì các người phải chết.
Người già cười nhạt:
– Người buông tên, thì chúa người cũng chết. Bây giờ ta gia cho chúa người một ân huệ: rút quân ra khỏi thành, gọi đội thú mở vòng vây, thả hết tù binh, ta sẽ tha cho. Bằng không thì cùng chết cả.
Y nói với Tín-nghĩa vương:
– Ta không ngờ, một tên ôn con như mi mà mưu trí cùng tài dùng binh lại cao đến như vậy. Một đời ta mưu trí dũng có thừa, mà bại dưới tay mi, đến nỗi không đánh một chiêu võ, không bắn một mũi tên, mà bốn vạn bộ binh, năm nghìn kị binh bị bắt hết. Tài mi quả thực không đợi tuổi. Nhưng phải cái mi tự tin, tự hào về chính sách dùng đức trị người của ông nội mi là gã Lý Công-Uẩn, nên cuối cùng mi lại lọt vào tay ta.
Tín-nghĩa vương cười nhạt:
– Thì ra Cửu-chân vương Đinh tiên sinh cùng năm cao đồ đấy. Đã đến tình thế này, thì vương gia, quý cao đồ chết chung với anh em tiểu vương một lúc. Tiểu vương đã phá được đạo tiền quân của vương gia, thì có chết cũng lời chán.
Đinh Kiếm-Thương quả không hổ là người văn võ kiêm toàn. Y thấy Tín-nghĩa vương bị kiềm chế, mà vẫn bình tĩnh, hơn nữa vẫn giữ lễ độ với y. Y cũng dùng lễ đối lại. Y bảo đám đồ đệ:
– Bên vương gia có mười người, vậy mỗi người cặp hai người. Còn ta, ta cặp vương gia. Chúng ta vào trong dinh nói chuyện.
Y nói với viên chỉ huy võ sĩ Đại-Việt:
– Các người phải tránh đường ra ngay.
Đám võ sĩ vội mở rộng vòng vây. Thầy trò Kiếm-Thương hiên ngang cặp Tín-nghĩa vương, vương phi với Tây-hồ thất kiệt vào trong dinh. Đám võ sĩ theo sát phía sau.
Ngay cửa dinh, bốn thiếu nữ Kim-Loan, Kim-Liên, Ngọc-Liên, Ngọc-Hương, cổ choàng khăn đỏ của nội-giáo Hồng-thiết đứng lơ đãng nhìn trời, như không chú ý gì tới việc Tín-nghĩa vương, vương phi với bẩy người bạn đang bị kiềm chế. Tuy bị bắt, nhưng vương với Tây-hồ thất kiệt cũng nhìn rõ bốn cô Việt-kiều trong trạng thái lãnh đạm, lòng chín người nảy ra mối chán nản:
– Đúng là Việt kiều, hàng đấy, rồi lại phản đấy, lòng dạ bội bạc khó lường. Bây giờ chúng lại trở mặt theo ma giáo!
Khi thầy trò Kiếm-Thương tới cổng dinh, hai trong bốn cô vội vàng mở cửa, rồi khom người xuống hành lễ. Sáu người vừa vào trong cổng, thì cả bốn cô đều huýt sáo, rồi tung lên trời bốn cái túi. Trong bốn cái túi đó, mỗi cái có hai con trăn thoát ra quấn lấy sáu thầy trò Kiếm-Thương. Thầy trò Kiếm-Thương chưa kịp phản ứng gì, thì bốn cô nhảy lui lại, hú lên một tiếng dài, hai con hùm xám gác cổng dinh, hộ tống Tín-nghĩa vương thấy chủ bị kiềm chế, chúng rống lên nhảy vào vồ Kiếm-Thương. Kiếm-Thương phát chưởng đẩy lui một con, rồi nhảy lên cao, tránh một con. Ở trên cao, y đá gió một cái, người bay ra xa hơn trượng, nhưng chân y bị trăn quấn chặt. Đôi cọp phóng theo, chúng nhảy tới chụp y. Y lại phải tung mình lên cao lần nữa. Khi y vừa rơi xuống, thì một người bịt mặt phát chưởng tấn công y, chưởng phong cực kỳ hùng hậu. Nếu y không đỡ, thì cả y với Tín-nghĩa vương sẽ bị nát thây ra mà chết. Phản ứng tự nhiên, y tung vương lên cao, rồi xuất chưởng ra hai tay đỡ. Rầm một tiếng. Người kia với y đều bật tung lại sau. Trong khi đó Kim-Loan tung sợi dây từ phía sau quấn lấy người Tín-Nghĩa vương giật mạnh, người vương bay ra xa. Kim-Loan huýt sáo một tiếng, sợi dây quấn vương duỗi ra. Nhìn sợi dây, bất giác vương ớn da gà, vì đó là một con trăn khổng lồ.
Biến cố xẩy ra đột ngột, bây giờ Kiếm-Thương mới nhìn lại: Đối phương chỉ có mười một người gồm : Ba người bịt mặt, bốn nhà sư, và bốn thiếu nữ nội-giáo. Một người xuất chưởng tấn công y, một người chỉ đánh hai chiêu, khiến tên đệ tử y phun máu miệng, và cứu được vương phi Ngọc-Nam. Một người với bốn nhà sư đã cứu được Tây-hồ thất kiệt.
Năm thầy trò Kiếm-Thương bị lọt vào giữa vòng vây của hai đội võ sĩ Giao-long và Long-biên. Cung tên chĩa ra tua tủa. Chỉ cần Tín-nghĩa vương hô một tiếng, thì dù thày trò Kiếm-Thương có tài nghiêng trời lệch đất cũng bị nát thây. Phạm Dật cười nhạt:
– Đinh vương gia. Sự thể đã đến nước này, thì xin vương gia định cho. Chúng ta đều là người thông đạt, chả cần nói nhiều.
Tín-nghiã vương không hổ là đấng anh hùng. Vương nói với Đinh Kiếm-Thương:
– Cửu-chân vương, dù sao tiểu vương cũng bại dưới tay người. Hơn nữa, trước đây người từng đến trang Thiên-trường hầu hạ ngoại tổ ta một thời gian. Ngoại tổ ta có lệnh rằng vô tình, người đã làm cho vương gia cực kỳ đau khổ biết bao năm qua, đến nỗi đang là người tài trí có dư, văn chương quán thế, võ công siêu việt, mà tiêu ma chí khí, bỏ theo Hồng-thiết giáo. Cho nên bất cứ đồ tử đồ nào của người cũng không được giết vương gia. Vậy vương gia với năm vị đệ tử có thể đi được rồi.
Xin nhắc lại : Nguyên thời còn trẻ, Đinh Kiếm-Thương là một mỹ nam tử, văn võ song toàn, nức danh Thăng-long. Y lại có lòng yêu nước, nhân thấy Hồng-thiết giáo chủ chống ngoại xâm, bênh vực người nghèo, y xin gia nhập. Tuy võ công y cao, lại có văn tài, nhưng bị Lê-Ba ghen ghét chèn ép, nên chỉ được coi đạo Thăng-long, mà không được phong làm trưởng lão. Trong khi hoạt động ở Long-thành, y đem lòng say mê một đệ nhất danh ca tên Đào Hà-Thanh, hai bên đã có lời hẹn ước trăm năm. Nhưng sau đó Khu-mật viện tìm cách đưa nàng hội ngộ với đại hiệp Trần Tự-An. Cho hay ca kỹ vốn đa tình, lại thích phù hoa. Hà-Thanh bỏ Kiếm-Thương say mê Tự-An. Giữa lúc đó Hà-Thanh bị tiến cung, Khai-Quốc vương trả nàng về cho Tự-An. Bị thất tình, Kiếm-Thương như điên như khùng. Y định dựa thế lực Hồng-thiết giáo để đoạt lại người yêu. Sau đại hội Lộc-hà, Hồng-thiết giáo cải danh thành Lạc-long giáo, rồi sau lại giúp chư vương nổi loạn. Y bị triều đình truy lùng rất gấp. Không có chỗ an thân, y trốn về Thiên-trường, bí mật gặp Hà-Thanh, cầu khẩn xin nàng giúp cho y một chỗ trồng rau, tưới hoa trong trang, để ngày ngày được thấy bóng dáng nàng...Vì vậy nay Tín-nghĩa vương mới nói rằng y hầu hạ ông ngoại của vương là Tự-An một thời gian.
Vương truyền lệnh cho viên tân An-phủ sứ Bố-chánh là Trần Gia:
– Lấy sáu con ngựa với đầy đủ yên cương, lại lấy thêm sáu cỗ xe song mã để Cửu-chân vương cùng các cao đồ rời khỏi đây với gia quyến. Cho xe chở theo tất cả gia sản, kể cả trâu bò, lừa ngựa. Nếu vương gia cùng các cao đồ muốn ở lại vùng này, thì trả cả nhà cửa, ruộng vườn cho nữa.
Xe, ngựa đã đem ra, vợ con của năm đệ tử Đinh Kiếm-Thương được phóng thích thì mừng vô hạn. Tín-nghĩa vương cung tay:
– Thôi vương gia hãy lên đường, hậu hội hữu kỳ. Tiểu vương xin có đôi lời thô thiển, không biết vương gia có nhận cho không?
Đinh Kiếm-Thương lạnh lùng:
– Vương gia cứ nói.
– Hiện nay quân Đại-Việt đã chiếm gần hết nước Chiêm. Vương gia có giúp họ chém giết người Việt e cũng vô ích, mà lại bị người Việt nguyền rủa. Theo ý tiểu vương, thì với bản lĩnh, kiến thức của vương gia, bỏ xa Nhật-Hồ lão nhân đã đành, mà còn bỏ xa cả hai đại ma đầu Mã-Mặc, Lệ-Anh nữa. Tại sao vương gia phải tuân theo tà thuyết của chúng? Với tài của vương gia, vương gia có thể quy dân, lập ấp, thu đệ tử, dạy võ công, lập ra một môn phái mới, nghìn năm sau người đời còn thờ cúng, xưng tụng. Vương gia nghĩ sao?
Mặt Kiếm-Thương sa sầm lại, trán y nhăn, hai mắt nhìn lên trời tỏ vẻ suy nghĩ kỹ lắm. Chợt vương phi ngọc-Nam nói:
– Đinh vương gia, trước khi tôi lên đường đi Nam dự chiến, Ỷ-Lan thần phi biết rằng thế nào tôi cũng gặp vương gia, nên phi có nhờ tôi mang tặng vương gia món quà. Nay tôi xin trao cho vương gia.
Nói rồi phi vào trong bưng ra một cái hộp sơn son thiếp vàng khá lớn, ngoài dán giấy, kiềm thự ấn của Ỷ-Lan. Kiếm-Thương khẽ bóc tờ giấy, mở hộp . Hộp có chiếc túi bằng lụa, dường như trong đựng y phục; một phong thư, một cái hộp bằng bạc hàn kín. Kiếm-Thương mở thư. Để tỏ ra mình là đấng anh hùng, y đọc thư cho mọi người nghe:
« Sư phụ là Đinh lão gia.
Kể từ ngày thầy trò ta hội ngộ ở Kinh-Bắc, đến nay thấm thoắt đã mười năm. Mười năm với biết bao nhêu biến chuyển đến với sư phụ. Mười năm so với lịch sử thì không dài. Song mười năm đối với sư phụ đã vào tuổi cổ lai hy (70) quả thực là một khoảng thời gian vàng ngọc, nhưng cho đến nay, quay đầu nhìn chuyện cũ, rốt cuộc chỉ là giấc mộng hư ảo.
Nghĩ lại, khi đệ tử gặp sư phụ, chỉ biết qua vài thế võ. Nhờ ơn sư phụ dạy dỗ, mà đệ tử có một bản lĩnh hơn người. Công ơn đó không bao giờ đệ tử quên.
Sư phụ ơi, hôm nay đệ tử mạo muội viết mấy giòng kính đệ lên người, trình lên người một vài ý kiến, mong được mắt xanh để tới.
Nhớ lại, xưa kia, sư phụ là một đệ nhất mỹ nam tử đất Thăng-long, văn mô, vũ lược, nức tiếng Hoa-Việt. Thế rồi sư phụ vì nhiệt tình yêu nước, vì thương dân nghèo, mà bỏ theo Hồng-thiết giáo. Với trí thông minh, với tài của sư phụ, e còn hơn Nhật-Hồ lão nhân nhiều, thế mà lão chỉ cho sư phụ giữchức quản giáo đạo Thăng-long, hữu danh vô thực. Hữu danh, vì đạo Thăng-long lớn nhất Đại-Việt. Vô thực vì Thăng-long không có giáo chúng. Suốt hai mươi năm, sư phụ lập biết bao công lao cho Hồng-thiết giáo, nhưng chỉ vì tài trí, võ công sư phụ cao hơn các trưởng lão nhiều, nên chúng ghanh tỵ, chèn ép lão nhân gia; không cho lên trưởng lão hay vào hội đồng giáo vụ trung ương. Mà sư phụ biết đấy, bọn trưởng lão chỉ có võ công cao, còn ngoài ra đều thuộc loại thô lậu, cục súc. Thế nhưng chúng lại ngồi trên, sai phái sư phụ.
Khi Hồng-thiết giáo giúp chư vương nổi loạn rồi bị dẹp tan, dư đảng bị truy lùng, nên lão nhân gia phải vào đất Chiêm tìm đường sống. Một lần nữa lão nhân gia giúp Chế-Củ làm cho binh lực hùng tráng, dân giầu, nước mạnh. Nhưng bọn Vũ-chương-Hào, Lê-phúc-Huynh ngồi ở trong ghen tỵ. Do vậy Chế-Củ phong cho sư phụ tước Cửu-chân vương hữu danh vô thực. Đã vậy trên đầu còn hai đứa nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi Đông-Thiên, Quỳnh-Hoa sai khiến.
Sư phụ ơi, người thử nghĩ xem, làm cách nào, đến bao giờ Chế-Củ chiếm được Thanh-hóa, để người làm vua đất Cửu-chân? Thanh-hóa là đất linh của Đại-Việt, dù dân ta chỉ còn một người, họ cũng quyết không để cho Chiêm chiếm lấy; thế mà Chế-Củ phong cho sư phụ. Có phải y khinh sư phụ bất trí không? Ví dù Chiêm chiếm được trao cho sư phụ, liệu sư phụ có ngồi yên nổi với người Việt chăng?
Bây giờ y gây chiến với Đại-Việt. Biết rằng Đại-Việt sẽ đem quân đánh, Chế-Củ đẩy sư phụ ra trấn địa đầu Bố-chánh. Chúng dự trù nếu sư phụ tiến quân vào Đại-Việt thì người Chiêm đi sau tiếp quản thành trì, tổ chức cai trị, nên chúng mới cho hoàng thân Câu-thi Lị-ha-thân Bài-ma-la làm tuyên vũ sứ Bố-chánh ở ngay bên cạnh. Đệ tử thử đặt giả thuyết, như sư phụ tiến quân ra Nghệ-an thắng, thì tinh lực không còn, sao có thể đánh nổi Thanh-hóa? Sư phụ bại, thì thân chịu chết cho y với Vũ-chương-Hào hưởng nhàn ở trong. Hỡi ơi, chúng ôm gối cười khinh sư phụ ham cái danh bánh vẽ, mà sư phụ không biết.
Hiện nay sĩ dân Đại-Việt, ai cũng biết lão nhân gia là sư phụ của đệ tử. Mà đệ tử là Thần-phi, đang nhiếp chính, thì danh dự sư phụ cao biết mấy? Sư phụ chỉ thua có Thiên-huống Bảo-tượng hoàng đế mà thôi. Khổ thay sư phụ lại đi làm tướng cho gã Chế-Củ, thì thực là bán bò tậu ễnh ương mất rồi! Nghĩ xưa kia sư phụ dạy đệ tử: Hãy làm con dao, đừng bao giờ làm cái thớt. Nhưng nay đệ tử thấy sư phụ không là dao, chẳng là thớt, mà là cái vật nằm giữa con dao với cái thớt mất rồi.
Đệ tử dám mong sư phụ nghĩ lại. Với tài chí, võ công của sư phụ, chỉ cần sư phụ bỏ cái lốt Hồng-thiết giáo, trở lại với chủ đạo tộc Việt; rồi thu đệ tử, giảng văn, dạy võ, thì tiến trình của sư phụ không phải mấy năm cuối đời, mà vạn vạn năm với Đại-Việt.
Mấy lời thô thiển, để tử lễ phép kính gửi lên lão nhân gia những lời thô thiển, mong sư phụ nghĩ lại. Kính chúc sư phụ nguyện đắc như sở cầu.
Yến-Loan » .
« Tái bút:
Đệ tử đã tìm ra nơi chôn cất của sư mẫu. Đệ tử mạo muội cải mộ, đem xương đốt thành tro, cất vào bình bạc hàn kín, gửi đến sư phụ. Mong rằng ngày đêm sư phụ có cốt tro của sư mẫu bên cạnh, cũng giống như có sư mẫu vậy. Đệ tử lại sai người về Thiên-trường, tìm ra được chiếc khăn quàng cổ, cùng bộ quần áo của sư mẫu còn để đây chưa mang đi. Đệ tử gửi theo, để sư phụ tìm lấy chút hơi của sư mẫu ».
Kiếm-Thương mở cái túi ra. Trong túi quả có chiếc khăn choàng cổ mầu xanh, chiếc áo mầu hồng nhạt, và cái quần đen. Tất cả đều bằng lụa. Mặt Kiếm-Thương biến đổi kỳ lạ, y đưa quần, áo, khăn lên mặt hít hơi, rồi thẫn thờ:
– Quả là y phục của nàng thực.
Y ôm lấy bọc quần áo, hộp tro xương rồi nước mắt dàn dụa. Y nói nho nhỏ:
– Dù em đã ra người thiên cổ. Nhưng bóng hình em vĩnh viễn trong tim anh.
Kiếm-Thương khóc một lúc rồi hỏi Tín-Nghĩa vương:
– Ỷ-Lan khuyên lão nên bỏ hết, để lập trang thu đệ tử dạy văn luyện võ. Nhưng liệu quan lại triều Lý có để cho lão già này yên không?
Tín-nghĩa vương rút chiếc thẻ bài trao cho Kiếm-Thương:
– Đây là thẻ bài của tiểu vương. Xin vương gia giữ lấy làm tin. Suốt một giải từ Nam-giới đến Địa-lý, vương gia muốn quy dân lập ấp ở đâu, thì được tự trị, không quan lại nào được nhòm ngó. Theo luật bản triều, thì ruộng đất mới khai hoang, mười năm không phải nộp tô thuế.
Thầy trò Kiếm-Thương bái biệt Tín-nghĩa vương, rồi đánh xe rời khỏi thành Bố-chánh.
Ghi chú,
Sau Đinh Kiếm-Thương giác ngộ bỏ đi tu, pháp danh là Đại-Điên, trở thành một cao tăng danh tiếng. Đại-Điên cùng năm đệ tử bỏ không giúp Chiêm từ đấy, thầy trò quy dân lập ấp, thu đệ tử, trang ấp của họ luôn là ải địa đầu chống với các cuộc xâm lăng của Chiêm. Ông sống tới gần trăm tuổi, cuối cùng ông gây hấn với bồ tát Từ Đạo-Hạnh, bị ngài giết chết.
"Ủng hộ" mình duy trì website nhé.
Đổi DNS sang 8.8.8.8 và 8.8.4.4 để vào web nhanh hơn, chi tiết search Google cách đổi dùm mình.
Link aff nếu mua hàng từ 2 sàn: shopee ở đây còn lazada ở đây.