Nữ chúa hồ Ba Bể - Hồi 02

Nữ chúa hồ Ba Bể - Hồi 02

Người đẹp bán đầu lâu

Ngày đăng: 20-06-2014
Tổng cộng 7 hồi
Đánh giá: 9.5/10 với 50058 lượt xem

Mười tám năm sau...
Một sáng đẹp trời, cũng vào độ hạ . Cả một miền sơn lâm Phi Mã Ác (Pi A Uác) u tịch bỗng nhộn nhịp hẳn lên như mọi năm, vì du khách tứ xứ đổ tới xem phong cảnh đông như hội.
Từ lâu, hồ Ba Bể vẫn được coi là vùng sơn kỳ thuỷ tú, một thứ kỳ quan tại miền Lĩnh Nam, cũng như vùng vịnh Hạ Long, Bái Tử Long.
Viên quản này trạc hơn bốn mươi, râu quái nón, mắt diều hâu, luôn luôn đi sát kế sau chàng tuổi trẻ.
Trước mặt họ, còn có một vài bọn du khách, dân buôn ta, Tàu đi lũ lượt chuyện trò vui vẻ.
Vừa đến cửa rừng, bỗng nghe tiếng kêu thất thanh nổi lên, rồi đám người đi đằng trước lùi cả lại, dáo dác, kinh hoảng, vẻ muốn chạy mà không dám chạy.
Ngạc nhiên, viên quản giục ngựa lên hỏi:
- Có chuyện gì thế, các ông các bà?
Đám du khách, dân buôn ngoái dòm lại, mặt mày xanh mét, trỏ về đằng trước, một người lái buôn Kinh kêu lớn:
- Cụ quản... cụ! Ghê quá! Có... có chùm gáo dừa...
Không đợi nghe hết câu, viên quản vọt ngựa lên. Được năm bảy thước, y bỗng dừng phắt lại. Vì phía trước ngay đầu cây cầu mây bắc qua con suối, có một ngọn giáo dài cắm giữa đường, cán giáo buộc một xâu sọ người vẫn còn khua lốc cốc như gõ mõ.
Người lái buôn Kinh theo lên đường xế sau ngựa, lắp bắp giọng vẫn run vì sợ hãi:
- Bọn tôi vừa tới gần cầu thì thấy “cây giáo sọ người” từ đâu rớt xuống...
Viên quản nheo mắt nhìn lên cây. Chàng tuổi trẻ cùng người tuỳ tùng kia vừa tiến đến, bỗng “rào” cành lá, tiếng động kéo lê qua tàn cây, tiếp liền tiếng vút gió, “phập”! Một ngọn giáo thứ hai cắm ngay sau ngọn giáo trước, dài hơn, nhô cao độ ba gang tay, nhưng lại cắm chổng ngược mũi lên trời.
Cả mấy người lính “xà cạp trắng” cùng sờ vào báng súng. “Véo”! Có tiếng xé không khí, lẫn cả tiếng “gõ mõ”, ai nấy đều ngửa mặt trông lên, thấy một vật đen sì sáng loáng bay vụt xuống, cắm “phập xoảng” ngay mũi giáo nhọn, giẫy dụa mấy cái kêu “lốc cốc lốc cốc” rồi đứng im.
Mọi người dòm sững mới hay đó là một tấm khiên sắt tròn xoe như cái mâm, hai bên vành có treo hai cái sọ người, giữa khiên có vẽ hình đầu lâu ống xương chéo như biểu hiện hải tặc, dưới có ba chữ “Bán đầu lâu” vừa bằng chữ Nôm, vừa quốc ngữ, chữ Tây, nhưng chữ quốc ngữ to hơn. Chỉ cần nhìn cái khiên lắp vào ngọn giáo đủ hiểu kẻ quăng khiên tài tình đến mức nào?
Mọi người ai cũng sợ, chỉ có bọn chàng trai vẫn như thường. Viên quản quát lớn:
- “Bán đầu lâu” là cái gì? Ai ném đó muốn gì?
Lời vừa dứt, bỗng nghe tiếng ồm ồm nổi lên như lệnh vỡ, khua vỡ màng tang làm du khách, lái buôn nhiều kẻ phải bịt vội tai, nhăn nhó:
- Lệnh chúa hồ đã ra: từ nay phàm du khách lái buôn nào đến vùng hồ Ba Bể, mồi kẻ đều phải mua một cái đầu lâu!
Viên quản quát to:
- Mua một cái đầu lâu? Mua làm gì? Đầu lâu ai?
- Đầu lâu khách vãng lai! Kẻ nào lai vãng tới vùng hồ xem phong cảnh, buôn bán, đầu lâu đêu thuộc của chúa hồ! Chúa hồ bán lại, mua đầu rồi được tự do đi lại, được bảo vệ, kẻ nào không muốn mua, tuỳ ý, chỉ việc chặt đầu để lại. Riêng thổ dân, người nghèo được miễn!
Vừa nghe xong, chàng trai Kinh vùng phá lên cười khanh khách:
- Lạ dữ chưa? Bán đầu lâu du khách, lái buôn! Một lối đòi tiền mãi lộ mới! Ha ha!
Bán đầu lâu? Có bán cho quan binh nhà nước không?
Tiếng ồm ồm vang lên:
- Nhà nước quan binh đều phải mua! Đầu quan cai trị đắt hơn tuỳ theo chức tước!
- Lính hàng quận đến đây có phải mua không?
- Mua hết! Phải mua cả súng cả đầu ngựa!
- Không mua thì sao?
- À, lệnh đã ra, kẻ nào không mua...
Phập! Từ trên không, bay vụt xuống một cái đầu người, cắm ngay ngọn giáo sọ, mắt trợn ngược trắng dã, tóc xoã sợi, coi gớm ghiếc!
Nhiều người giật nẩy mình, trố mắt dòm, khiếp đảm. Vì cần cổ rớt ngập nửa mũi giáo, vừa vặn ngoảnh mặt về phía du khách, lái buôn. Cái đầu coi rất dữ, hai con mắt trợn ngược trắng dã, râu quai nón xồm xoàm như chổi xể.
Trong đám du khách, lái buôn, bỗng có một lão Tàu trạc ngũ tuần mặc xường xám vươn cổ nhìn, kêu tru tréo:
- Ý a! Đúng cái đầu ông “Lều Tài Wang” bên Theng Ngan-Fou! Tháng trước, cái ngộ về Tàu ông Lều bắc cái ngộ đóng một trăm đồn bạc “xoè” thuế mãi lộ, không cho bớt!
Bên kia suối cầu mây, chợt có tiếng ồm ồm lệnh vỡ:
- À chú khách buôn kia cũng đã nộp tiền mãi lộ cho thằng Lều à! Cái thằng thổ phỉ đó keo bẩn dữ, đòi tiền bán đường không cho thiếu một xu, lại không chịu mua cái đầu của nó! Thấy không? Đầu thằng Lều thổ phỉ mới chặt, còn tươi nguyên!
Lão Tàu le lưỡi tỏ vẻ sợ hài hết sức, vùng nói to:
- Hầy à! Tài Wang sếnh sáng hồ Ba Bể! Cho ngộ mua cái đầu ngộ, giá bao nhiêu, cho ngộ biết!
Tiếng ồm ồm vọng xuống:
- Được! Đợi đó! Còn đám người kia?
Nhiều người ào ạt giơ tay nói lớn “dạ mua! dạ mua!”, nhưngcó hai du khách Tây đầm vẻ bực bội, mắng “mẹc mẹc”, và đưa mắt nhìn bọn chàng trai Việt. Viên quản quắc mắt quát:
- Khoan! Kẻ nào muốn thu tiền mãi lộ, cứ xuống đây!
Tiếng ồm ồm hét chìm:
- À, quản Đô! Làm lính “xà cạp trắng” không muốn, muốn làm lính âm phủ?
Viên quản định quát, nhưng chàng trai khẽ đưa mắt một cái, viên quản im liền.
Chàng trai ứng tiếng bảo:
- Muốn lấy thuế đầu lâu sao chưa xuống?
Rào rào! Có tiếng cành lá động rồi từ trên các tàn cây nhảy vụt xuống hơn chục bóng người lực lưỡng mặc quần áo chàm, đầu chít khăn đỏ, súng ống, gươm đao, liềm tua tủa. Gã cầm đầu to như hộ pháp, râu ria xồm xoàm, mặt có vết sẹo dọc từ thái dương xuống quai hàm bóng lọng, coi hết sức dừ tợn. Cả bọn đứng dọc hai bên đầu cầu mây, gã hộ pháp đeo Pạc họoc, giắt cây búa lớn, vẫy tay ra hiệu cho một tên thủ hạ xách giỏ mây đang tiến lên, đứng bên, đoạn y vẫy gọi đám du khách:
- Tất cả xuống ngựa, hàng một, qua cầu mua đầu xong, sẽ được phát tín bài, trong một tháng được tự do qua lại khắp miền, không phải mua nữa!
Ai nấy răm rắp tuân theo, chỉ có bọn chàng trai Việt và hai người Tây vẫn đứng yên.
Lão Tày buôn dắt con ngựa thồ hàng hoá đi trước nhất, qua cầu mây, nói líu lô:
- Ông Tài Wang sếnh sáng à! Cái ngộ đi buôn nuôi mười đứa co, ba mụ lỗ phồ...
- Một trăm đồng xoè, trừ một đứa con năm đồng, còn năm mươi, hai mươi đồng thêm mỗi con vợ, tất cả một trăm mười đồng xoè!
Lão Tàu tru tréo:
- Ý a! Ông Đại Vương làm ơn bớt cho ngộ mà! Ba lỗ phồ của ngộ ở nhà có đi qua đây đâu mà phải mua đầu? Đánh thế, ngộ hết nghiệp mà!
Gã hộ pháp lạnh lùng:
- Không có mặt, không phải mua, nhưng chúa hồ ghét đứa lấy nhiều vợ, đã ra lệnh kẻ nào nhiều vợ, phải mua thêm cả thuế đầu vợ, gọi là thuế đa thê!
- Ý a! Vậy là ngộ chết rồi! Thuế nhiều vợ! Ý a! Ý a! Cái quan toàn quyền cũng không đánh cái thuế vợ mà! Xin ông Đại Vương!
- Một trăm mười đồng xoè! Mau!
Một đường búa liếm sạt chỏm mũi lão Tàu buôn, làm lão giật thót mình, móc vội tiền “xoè” đếm loảng xoảng, bỏ vào giỏ mây!
Nhưng lão Tàu vừa bước đi, gã hộ pháp kia lại túm vai lão kéo giật lại, bốc trả lại năm mươi đồng.
- Thưởng cho óc mua bán sòng phẳng!
Lão Tàu ngơ ngác dắt ngựa đi vội. Cứ thế, kẻ nhiều người ít, nối nhau qua cầu.
Đến mấy thổ dân nam nữ, gã hộ pháp kia vẫy ta bảo “miễn”.
Nhưng đến lượt hai du khách Tây đầm, cả hai vùng quay ngựa bảo:
- Tao không xem hồ nữa!
Gã hộ pháp nạt lớn:
- Muốn về để đầu lại!
Ngựa vụt đi, được năm bảy thước bỗng “véo” lưỡi liềm dây từ trên cây bay xuống chặt bay luôn đầu người Tây, nhanh như ác mộng.
Cái thây cụt đầu đổ nhào, đầu rụng “bộp”, người đầm kêu rú lên, mắt trợn ngược. Một bóng chàm nhảy vào vồ nghiến cái đầu Tây, túm tóc, quăng qua cầu, gã hộ pháp chụp lấy, giơ cao lừ lừ, không nói nửa lời.
Người đầm sợ quá, quay vội ngựa lại, mua đầu xong, lại mua cả cái đầu Tây, khóc như mưa.
Quản Đô nổi giận, bảo chàng trai:
- Cậu Cả! Tụi này giết người như ngoé, phải quét mới xong!
Chàng trai ra hiệu, cả bọn xuống ngựa, tiến qua cầu.
Gã hộ pháp buông gọn:
- Đầu công tử con quan hai trăm, đầu quản đội một trăm, đầu lính ba mươi, một đầu ngựa hai, tất cả năm trăm sáu mươi đồng!
Chàng trai hất hàm:
- Còn ta, ta lại muốn bán đầu bọn ngươi, mua không?
Gã hộ pháp nheo mắt:
- Con quan muốn làm lính Diêm Vương?
Chàng trai lạnh lùng:
- Còn mi, muốn xuống âm ty đòi tiền mãi lộ không?
Gã hộ pháp hét lên một tiếng, rút luôn búa chém “vèo”. Chàng trai lách tránh, rút gươm đâm liền. Lũ đồng đảng chĩa luôn súng chực bắn nhưng bọn quản Đô nhanh như chớp đã quay súng bắn liền.
Bốn năm tên bị chết, bị thương đổ nhào. Lũ kia nhảy tìm điểm tựa. Bọn quản Đô cùng chàng trai cũng lăn vèo vào sau gốc cổ thụ.
Hai bên bắn đì đẹt. Du khách, lái buôn chạy tán loạn, tìm chỗ nấp.
Trên các tàn cây, bỗng có tiếng súng bắn xuống.
Bọn quản Đô đều là những tay súng giỏi, vừa di chuyển sau cái gốc cây, gò đất, vừa bắn. Phút chốc quanh khu cầu mây, đã có hơn chục xác người nằm ngổn ngang.
Gã hộ pháp hú hiệu, cùng bảy tám tên vừa đánh vừa rút chạy.
Tiếng súng chợt im, chàng trai thoáng thấy bóng chúng xách cả giỏ mây bạc “xòe” vọt lên ngựa chạy:
- Đuổi theo! Lấy lại tiền cho người ta!
Năm thầy trò ào đi bắt ngựa, đuổi theo như gió cuốn.
Chàng trai phóng trước, bắn “đẹt” một phát, nhào luôn tên xách giỏ bạc. Chàng trai lướt lên, nhặt giỏ bạc, ném cho viên đội.
- Trả lại cho du khách, lái buôn!
Viên đội xách giỏ bạc, gọi mọi người nói lớn:
- Bạc mua đầu đó! Ai nộp bao nhiêu, lấy lại bấy nhiêu!
Đoạn ném giỏ bạc, viên đội phóng theo về phía hồ Ba Bể.
Bọn người chạy trước độ sáu bảy chục thước, hai bên bắn nhau đì đẹt. Dọc đườn, thổ dân, du khách, lái buôn thấy hai bọn đuổi bắn nhau, ai nấy hoảng hồn chạy như vịt.
Bọn chàng trai hạ thêm hai người thì hồ Ba Bể đã hiện ra trước mặt.
Một vùng sơn kỳ thuỷ tú, cảnh trí đẹp như trang, rải rác gần xa có bóng nhà sàn chênh vênh, vài quán tranh nằm dưới các tàn cây. Trên bờ, ngựa xe lố nhố. Dưới nưo8” chàng, thuyền tam bản, độc mộc lững lờ. Những rặng núi đồi xinh soi bóng nước... Hoa “krỏng” đỏ chót như phượng vĩ cùng nhiều loài hoa ngàn rực rỡ thành những nét chấm phá linh hoạt, đẹp hùng vĩ, hữu tình, thanh thoát như cảnh trí Bồng Lai.
Người quanh hồ nghe súng nổ, ai nấy ngơ ngác dòm cả lại, nhiều kẻ chạy ẩn sau các gốc cổ thụ, mỏm ghềnh.
Chàng trai Kinh quát lớn:
- Thảo khấu! Mi chạy lên trời, ta cũng bắt được!
Gã hộ pháp bỗng cười thét:
- Con quan ngốc! Mi tới số rồi mới dám vào đây! Giờ đừng hòng tẩu thoát!
Lời vừa dứt, bỗng nghe cồng nổi âm u vang lừng sơn lâm, rồi từ phía Nam hồ, kéo ra một đội người ngựa hàng hai ba chục tay súng khoẻ mặc toàn quần áo chàm, ào ào phi như cơn lốc, vừ tung súng vừa bắn, dính như nhựa, đạn liếm “chíu chíu” bên tai bọn chàng trai Kinh.
Thấy quân giặc kéo ra khá đông, chàng trai Kinh không khỏi chột dạ quay bảo bọn quản Đô:
- Chúng đông lắm, ta mau lui lại, kiếm điểm tựa mới xong!
Cả năm thầy trò lập tức quay ngựa, lộn về phía xế Bắc Hồ, nào dè mới phóng được dăm chục thước, chưa ra khỏi khu bờ hồ, bỗng nghe tiếng cồng khua inh ỏi, từ phía rặng núi phía đông, lại kéo ra một cánh quân nữa, toàn quân kỵ, đông khoảng năm bảy chục tay súng, ào ào phi như gió, chặn luôn phía sau, làm bọn chàng trai Việt tiến thoái lưỡng nan, túng thế, đàng dạt về phía hồ, kiếm tạm gò đất, mỏm đá làm điểm tựa.
Năm người vừa kiếm được một chỗ khá, xuống ngựa, chạy tìm nơi đặt súng cầm cự, thì cả hai cánh quân kia cũng vừa kéo tới cách chỉ độ non hơn trăm thước.
Bỗng có tiếng tù và rúc vang. Cả hai cánh quân đều xuống ngựa chiếm các bờ bụi, cây cối gò đống nhỏ, làm điểm tựa, ào ào tấn công như vũ bão.
Bọn chàng trai Kinh chống cự được mười lăm phút thì hết đạn. Quản Đô thất kinh bảo chàng trai:
- Nguy rồi! Đạn mang đi có hạn, giờ chỉ còn một hai viên đạn súng lục làm sao bây giờ? Cậu có biết bơi không?
- Biết chứ! Chú quên tôi đã bơi ngược thách lũ sao?
Mừng rỡ, quản Đô nói nhỏ:
- Vậy cậu Cả thoát nạn thôi. Sau lưng ta là hồ nước! Bọn toi sẽ cản chúng!
Chàng trai lắc đầu:
- Không được! Nếu nguy, chính chú nên về Cao Bằng báo tin, tôi sẽ chặn chúng!
Đám tùy tùng không ai chịu. Bỗng nghe tiếng tù và rúc một tràng ngắn, súng giặc im bặt, có tiếng quát lanh lảnh:
- Bọn chúng hết đạn rồi, để bắt sống! Xiết vòng vây lại!
Tiếng “dạ” ran khắp mấy bề. Bọn chàng trai trông ra, thấy người lố nhố từ sau các chỗ núp, tiến ra, súng ống gươm đao tua tủa. Một cánh toàn đàn ông, còn cánh kia toàn đàn bà, mặc quần áo sơn cước, đầu bịt khăn đỏ.
Dẫn đầu đám nữ binh, có một cô gái rất trẻ, chỉ trạc mười bảy mười tám mặt mày đẹp, nhưng là thứ đẹp táo tợn huyền bí của các cô gái chúa rừng xanh, đàn ông yếu bóng vía, thấy phải sợ!
Nàng này cũng mặc quần áo chàm, nhưng có nhiều cái khác đám nữ binh kia quần áo thêu chỉ ngũ sắc lại dát kim tuyến, xà cạp quấn bắp chân cũng màu đỏ như khăn bịt đầu và cũng có viền chỉ kim tuyến lấp lánh.
Nàng ta cỡi con ngựa bạch, đeo súng ngắn, sườn giắt một sâu lưỡi liềm, tay cầm một cây roi sáng loáng đứng lấp ló sau thân cổ thụ, trỏ roi quát lớn:
- Mấy gã kia! Dám cả gan chống lại lệnh chúa hồ Ba Bể, rước vạ vào thân, nay đạn hết, thế cùng, còn chưa bó tay đầu hàng sao? Tên nào là chủ?
Chàng trai Kinh ló đầu ra mỏm đá quát:
- Hồ Ba Bể là danh lam thắng cảnh trong nước, bọn ả không phải toàn quyền thống sứ vua quan đương vị, sao dám bày trò “bán đầu lâu” ăn cướp tiền bạc của thiên hạ? Ta đây đi săn bắn, ngoạn cảnh đẹp của nước Nam, lại phải nộp tiền thuế phi pháp sao?
Nàng kia thét:
- Trai Kinh ngốc! À, ngươi ỷ vào mấy tên xà cạp trắng ốm yếu, không cần kiêng oai chúa hồ sao? Tài nghệ được bao nhiêu, dám buông lời mạn thượng, không sợ chết sao? Phải ngươi là con trai tuần phủ Cao Bằng?
Chàng trai không khỏi ngạc nhiên, thấy ả biết cả lý lịch mình bèn nghĩ ra một kế, vùng hỏi:
- Còn nàng là ai, phải chúa đảng cướp hồ Ba Bể? Ta coi nàng cũng là tay biết vài miếng võ đó, nhưng vẻ ăn nói oai hùng, có lẽ chỉ ỷ vào bọn thủ hạ đông như giòi bọ, nếu một mình đối đầu ta, liệu dám nói oai không?
Nàng kia nổi giận, quắc mắt phượng, quất “véo” roi, hét:
- Tên con quan hỗn xược! Ta sẽ nuốt sống ngươi cho ngươi biết gái nữ chúa hồ Ba Bể thừa sức phá tan cả tỉnh Cao Bằng của các ngươi! Coi đây!
Dứt lời, nàng ngửa cổ rúc mấy tiếng tù và, lập tức, cả hai cánh quân dừng lại, chỉ có năm nàng xách khiên, vọt ngựa lại chỗ nàng đầu đảng.
Nàng này giơ tay phất một cái, cả đám xốc ngựa ào ào tới chỗ chàng trai nấp.
Quản Đô thì thào:
- Để tôi cho một phát!
Chàng trai cản lại:
- Kể về súng, chúng đông như rươi, ta địch sao nổi? Ta cố bắt mấy ả, may có kế thoát thân!
Quản Đô hiểu ý, cắm súng. Năm ngựa vọt tới, năm bóng chàm vọt qua đầu ngựa, mút tít khí giới. Bọn chàng trai cũng rút gươm đao vọt ra.
Chàng trai chặn nàng đầu đảng lại. Cuộc hỗn chiến diễn ra ác liệt, cả hai cánh nam nữ nhất loạt khua cồng, hò reo vang dậy, vừa reo vừa tiến lại gần, thoắt còn độ sáu mươi thước.
Chàng trai quát:
- Giặc cái! Nàng định đánh lừa, vây bắt!
Nàng đầu đảng cười thét:
- Mình ta cũng đủ bắt sống ngươi đem chặt đầu làm lệnh, cần gì quân gia!
- Không thấy chúng kia sao?
Nàng ngoái nhìn, quát:
- Lui ra hết! Mình ta cũng đủ bắt chúng, các ngươi không được lại gần.
Đám người kia lùi lại. Véo! Đường roi quất trúng vai áo chàng trai! Một nhát gươm lia, chỏm khăn đỏ cô nàng bị liếm bay một mảng.
Quản Đô đánh với ả đầu lĩnh, xuất kỳ bất ý thả vụt ra hai ba lưỡi dao lan, nhắm sang ngực nàng đầu đảng. Nhưng nàng ta chỉ khoa tay trái, phập phập! Dao đã cắm vào cổ tay có đeo một dãy vòng từ thạch.
- A, tên quản xà cạp trắng kia dám ném ám khí! Trả mi!
Vút, vút! Nàng vẫy mạnh tay, hai lưỡi dao bay ra, một cái xuyên qua nách áo, một cắm trúng vai, Quản Đô giật mình vụt lùi lại, thả luôn hai lưỡi nữa, nhắm cả nàng đang đấu với y.
Nào ngờ nàng đầu đảng lẹ như chớp, đã rút lưỡi liềm thả vụt ra chém bay đao.
- Ha, ha! Đã thích đòn gió, để chúa cô cho nếm mùi đòn gió!
Lời dứt, lưỡi liềm đã bay ra, chém lia vào thầy trò quản Đô.
Cả năm người giật nẩy mình, nhất loạt vung khí giới đỡ gạt, nào dè lưỡi liềm đi mạnh như vũ bão, chém bạt đao quản Đô, làm y chao hẳn người suýt văng đao. Lưỡi liềm xẹt cầu vồng chém xả xuống đầu chàng trai Kinh, chàng ta vung gươm đỡ “chát” toé lửa, lưỡi liềm móc lưỡi gươm đè rạp xuống, làm chàng ta phải giật vội về, nhảy vọt xa ba thước.
Bỗng nghe tiếng kêu nhỏ, dòm sang quản Đô đã bị một phát trúng bả vai bay mất mảng áo dính cả thịt. Xế bên y, một cái đầu lính xà cạp trắng vụt nhảy tót xuống mặt cỏ, quay lông lốc, cái thây cụt đứng lom khom phun máu phì phì như vòi rồng rồi đổ xuống.
Lưỡi liềm sáng loáng vẫn xẹt loằng ngoằng.
Mãi khắc này, bọn quản Đo6 mới giật mình kinh hoảng trước ánh liềm cong đảo xé gió như lưỡi hái tử thần chỉ chực chụp xuống đầu. Viên quản vừa nhảy lùi, vừa bật kêu sửng sốt:
- Liềm phi! Liềm phi! Không xong rồi! Bí pháp! Bí pháp! Cậu cả chạy mau xuống hồ... không nguy mạng!
Chàng trai Kinh cũng không giấu được vẻ kinh ngạc, vùng kêu bằng tiếng Tây:
- Ôi chao! Không ngờ gái dữ lại có thuật phóng liềm ghê gớm này! Mạng chúng ta nguy rồi! Quản Đô! Mau xuống hồ, về Cao Bằng! Chạy mau!
Lời chàng vừa dứt, lưỡi liềm đã chém xả xuống đầu.
Chàng trai hụp đánh, liềm liếm bay chỏm mũ. Cả mấy nữ binh cùng vọt tới, nhưng nàng đầu đảng đã hét “lui cả lại”, múa tay chém phạt lại. Quản Đô chuyền tay đao, rút súng Saint Etienne vẫy một phát, trúng ngực nàng đầu đảng.
Bị phát đạn bất ngờ, nàng ta giật nẩy mình, bật lùi một bước, chao hẳn người, lưỡi liềm sa vụt xuống, lảo đảo chém “phập” vào gốc cây, dính chặt. Quản Đô reo to:
- Nó trúng đạn rồi!
Nhưng nàng đã lập tức hoành thân đảo mắt lia lịa vung tay chụp cán liềm cắm gốc cây, hét “À, thằng kia dám bắn trộm”. Bọn quản Đô thất kinh, vọt nhảy lùi về phía hồ nước. Mấy nàng đầu lĩnh nổi giận rút súng bắn đì đẹt, trúng đùi người lính.
Đằng kia, hai cánh quân nam nữ nghe súng nổ, lập tức hò nhau xông lại, may sao, nàng đầu đảng đã hét lanh lảnh:
- Lui hết! Để chúa cô chặt đầu bọn nó!
Véo! Đóng chàm kim tuyến ngũ sắc phấp phới xẹt theo lưỡi liềm chém nhầu.
Chàng trai vội hô bọn quản rút bỏ chạy, đoạn chàng ta xốc lên chặn nàng lại. Cả năm nàng cùng xông tới. Bốn nàng kia đuổi bọn quản Đô làm cả bọn phải quay lại chống cự. Viên đội cùng người lính liều chết cản bọn nữ binh, quản Đô mới nhảy ùm được xuống hồ.
Còn lại ba người, năm nàng vây đánh dữ dội. Nàng đầu đảng không dùng liềm nữa, rút dây roi gai, xoắn lấy chàng trai. Hai nàng đầu lĩnh vọt ra hồ, vừa đuổi quản Đô, vừa chặn đường rút của ba thầy trò chàng trai.
Gái hồ Ba Bể rất giỏi võ, đường roi gai đánh như vũ bão, chỉ nửa phút sau, chàng trai Việt đã đổ mồ hôi, bị liền hai nhát móc rách soạt áo, xước da tuy chỉ bị hơi rướm máu, nhưng tự nhiên bủn rủn tay chân, thất kinh lùi dần.
Cô nàng vọt lên, quất “chát” một cái, móc tung luôn thanh gươm của chàng ta, ngoắc tay trái chụp lấy, cắm phập xuống đất cười thét:
- Ta bắt sống mi, chặt đầu bêu ngọn giáo, làm gương cho bọn quan nha lính tráng ỷ súng không chịu mua đầu!
“Vút”! Nàng lôi trong mình rất một bộ xà tích vàng có hàng chục sợi dây cài đeo đủ thứ vật dụng của đàn bà như ống vôi, lược, mùi xoa, đồ cắt dũa móng tay, trâm thoa. Nàng ta tung vụt về phía chàng trai.
Bộ xà tích phản chiếu ánh sáng chói loà làm chàng ta hoa cả mắt, túng thế ngã vật xuống lăn vèo vèo, đứng sổ dậy. Nào dè lúc này trong mình càng khó chịu, gân cốt muốn rũ liệt, chàng trai đưa mắt nhìn quan thấy hai kẻ tuỳ tùng cũng đang bị chặn đánh dữ dội, sắp nguy. Chàng ta bất giác vùng than lớn:
- Ôi thôi! Mạng ta khó toàn rồi! Nữ tặc! Mi chớ hại kẻ tòng nhân của ta!
Nàng ta cười thét! Xốc tới. Đang cơn nguy cấp, bỗng từ ngoài hồ, có một con thuyền độc mộc lao vùn vụt vào bờ, ngay chồ đang đánh nhau.
Trên thuyền có một lão khách mặc xường xám chấm gót, râu ria xồm xoàm dữ tợn. Khí lực xem ra còng sung mãn hết sức, cạnh lão có một cô gái Tầu xinh đẹp mặc quần áo khách ngắn, màu đen, sau lưng có một người trung niên lực lưỡng, vẻ gia nhân, tuỳ tướng chi đó. Bỗng cô gái Tàu trỏ bảo:
- Phụ thân coi kìa! Hình như có đám du khách bị giặc núi vây đánh dữ à! Có kẻ nhảy xuống hồ chạy! Phụ thân! Ta lên cứu họ đi!
Vị khách vò bộ râu xồm, xua tay:
- Giang sơn nào, anh hùng ấy! Nó không phạm tới mình, mình chớ phạm tới nghề của nó! Trước khi sang Nam, con đã hứa chỉ cốt xem phong cảnh, mọi chuyện thị phi bỏ ngoài tai, giờ can thiệp, sinh rắc rối, mẹ con buồn à!
Cô gái Tàu dòm lên bờ, vừa thấy gái dữ đánh tung gươm chàng trai Kinh, cô ta lại vùng kêu:
- Phụ thân! Gái bịt khăn đỏ sắp bắt sống du khách kìa! Phụ thân! Ta lên cứu họ đi!
Coi kìa! Ả khăn đỏ là con nào mà coi đắc chí tự phụ vậy?
Lão khách nhăn nhó:
- Hầy à! Chắc là chúa hồ Ba Bể. Hồi sớm, con không nghe tên đầu mục bảo chủ tướng nó là đàn bà sao? Hầy! Bọn này lợi hại dữ à! Coi! Nó còn cánh quân đứng lố nhố đằng xa?
- A! Thích nhỉ! Cha con ta lên đánh thử với ả một trận xem sao? Mẹ con đâu có ở đây?
- Hầy! Không được! Nguy hiểm à!
Lời chưa dứt, thuyền đã vào gần bờ, cô gái Tàu áo đen nhảy vọt ngay lên như con cắt.
Lão khách râu xồm này có vẻ thương con vô cùng. Lão ta, quay nhìn gã tuỳ tùng, vò râu kêu “Ý à! Con bé này hay sinh sự” và cả hai cùng nhảy vọt lên bờ.
Lúc đó, cô gái hồ Ba Bể tung bộ xà tích định bắt chàng trai bỗng nghe tiếng quát lảnh giọng Quan Hỏa:
- Khoan! Cô khăn đỏ kia! Không được hại người ta! Có cô nương đây!
Cô gái hồ Ba Bể dừng tay, nhìn ra, đã thấy một cô gái Tàu áo đen từ phía hồ nước vọt tới, phía sau lại có hai bóng to như hộ pháp đang xốc tới.
Cô gái Tàu xẹt đứng xế bên chàng trai Kinh. Cô gái hồ Ba Bể quắc mắt nạt:
- Cô em là ai, dám can thiệp vào chuyện hồ Ba Bể. Đã mua đầu lâu chưa?
Không vừa, cô gái Tàu cười lớn:
- Chị là du khách bên Quảng Tây sang xem hồ đẹp, nhân dịp cũng muốn mua đầu một con giặc về treo chơi! Nàng có phải là giặc cái không?
Cô gái hồ Ba Bể quắc mắt, nạt:
- Ả là ai? Đã mua đầu lâu chưa mà muốn dự vào việc này?
Cô gái Tàu cười lớn:
- Ta không muốn dự vào, ta đang tìm mua đầu con giặc cái cậy đông, ăn hiếp du khách! Nếu nàng là giặc cái, hãy bán đầu cho ta!
Nàng kia nổi giận, trỏ mặt cô gái Tàu, mắng:
- Mi muốn tìm cái chết mới dám hỗn láo với chúa hồ Ba Bể!
- Mi lầm rồi!
Ngay khi đó, lão khách rầu xồm mặc xường xám cùng người tuỳ tùng phóng tới, quát “Khoan! Chớ đánh nhau vội” nhưng mấy nàng đầu lĩnh đã xốc lại, chặn lối. Cô gái chúa hồ đã xẹt tới vung roi gai quật cô gái Tàu. Nàng này thò tay vào bụng, giật soạt một cái, đã rút ra một cây “thiết lĩnh tiên” sáng loáng, gạt phăng roi móc.
Cây “thiết lĩnh tiên” của cô gái Tàu là thứ khí giới phối hợp giữa roi và xúc xích, nửa dưới là một cây roi dài chừng bốn gang tay, cong veo mềm như mây rừng, phần trên là bốn gang xúc xích, bằng nhau, đánh gần có thể chấp hai thứ thành một, đánh xa, buông xúc xích ra, hết sức lợi hại.
Cuộc ác chiến diễn ra dữ dội ngay khắc đầu.
Chàng trai Kinh sắp bị bắt, thấy có người cứu, vội cùng hai người tuỳ tùng nhảy ra, đứng bên gốc cây, theo dõi cuộc hỗn chiến.
Cô gái Tàu bản lãnh cao cường, chỉ vài đường roi đã lộ rò tài điêu luyện, cầm cự với nàng chúa hồ không chút nao núng.
Nhưng cuộc chiến giữa lão khách râu xồm với mấy nàng đầu lãnh ngay khắc đầu đã tỏ ra chênh lệch hẳn, lão khách dùng “búa dây”, người tùy tùng sử dụng “liềm dây”, toàn khí giới có thể quấn trong người, khó đánh, rất lợi hại.
Một đường búa dây thả vù, liền mấy lưỡi dao găm, một tấu bị đè rạp, móc giật tung đi, liềm dây cũng cuốn ngay một lười, lão khách đánh dồn mấy nàng, xông lại chỗ chúa hồ quát lớn:
- Dừng tay! Chớ đánh nhau mất hoà khí! Lão muốn ngỏ vài lời!
Mặc! Không ai nghe lão! Hai cây roi quật nhau chan chát. Nàng chúa hồ thấy bọn nữ binh bị đánh dạt, bỗng nổi giận, hét lớn:
- Vô dụng! Có đứa nào vào thay không?
Lập tức, cả cánh nữ binh năm sáu chụt nàng cỡi ngưa ào ào phi tới bao quanh theo hình cung giương. Hơn chục nàng bộ tướng nhảy xuống ngựa, lao vào trợ chiến.
Cô gái Tàu cười thét:
- Giỏi lắm! Ta vẫn biết mi chỉ quen ỷ đông hiếp cô, đâu dám đơn thân chiến đấu!
Nàng chúa hồ cũng cười thét:
- Tàu thuốc ơ lầm rồi! Trong không muốn hai lão xồm kia vào đánh giúp, nên cho chúng ngăn lại đó thôi! Còn mi với ta, đánh tay đôi, mi cầm cự được mười phút ta chịu thua mi!
Nhưng chỉ ba phút sau, lão khách râu xồm đã đánh bạt hơn chục gái tùy tướng. Nàng chúa hồ nhìn sang, thấy thế, vùng hú lên mấy tiếng, từ cánh quân nam, vọt tới năm sáu tên lực lưỡng dữ tợn, xông vào đánh lão khách.
Không may lúc đó, từ phía xế nam hồ bỗng có một đội lính dõng tuần tiễu, cỡi ngựa ào ào trong rừng phóng ra. Vì quân hồ Ba Bể đứng ngựa khuất gò đống toán lính này không thấy.
Thấy dạng lính lao tới, nàng chúa hồ hét lanh lảnh:
- Chặn chúng lại hỏi chúng đã mua đầu lâu chưa?
Một toán quân nam sau gò xốc lại, quát lớn:
- Lính dõng mua đầu chưa?
Viên chỉ huy giật cổ ngựa, lấy ra một xâu hai ba cái đầu người, quăng “bịch” về phía quân hồ Ba Bể.
- À! Lính giết bọn thu tiền cửa Nam?
Viên chỉ huy cười lớn, nói một tràng tiếng địa phương:
- Thằng đó ngu như bò, thấy mặt tao, không biết quy hàng, lại đòi tao phải mua đầu! Hà hà! Tao mua đầu nó!
Một tướng núi to như hộ pháp lưng giắt cây búa lớn, sườn đeo súng, vùng hét:
- À, thằng nay chuyên chặt đầu người đeo cổ ngựa, bữa nay mà tới số, mới dạm phạm tới hồ Ba Bể!
Cuộc ác chiến mở màn. Cả hai bên vừa bắn vừa quất ngựa, vọt vào các điểm tựa, xuống ngựa, phục bắn nhầu.
Cả vùng hồ nước vang rền tiếng súng. Cánh nữ binh ào ào xông lại, xuống bộ vây đánh lính dõng, cả hai cánh nam nữ mở hai gọng kìm kẹp vào, thế dữ như cọp.
Ngoài bờ hồ, nàng chúa hồ đang kịch chiến với bọn cô gái Tàu Quảng Tây.
Lão khách râu xồm dùng tiếng lóng gọi lớn:
- Sang đây con! Lầu xám! Đem “đồ nghề” cho tao! Tao chặn cho tất cả xuống thuyền!
Có tiếng cô gái gọi lanh lảnh:
- Sếnh sáng Nàm Nhần đâu? Mau chạy về phía hồ, nó kéo tới đông như giòi bọ!
Đạn bắn như vãi đậu, chàng trai Kinh cùng hai người tuỳ tùng vừa bắn cầm chừng, vừa nhích dần về phía lão khách râu xồm. Chẳng may chàng ta bị luôn một phát đạn vào chân, nhào ngay xuống.
Vừa khi đó, cô gái Tàu từ phía khác vọt tới, thất kinh túm vội lấy cánh tay chàng ta dìu vào chỗ khuất, hỏi:
- Công tử có sao không?
Chàng trai nhịn đau khẽ đáp:
- Không sao nhưng... có lẽ không chạy được mau.
Lời vừa dứt, đã thấy người bộ hạ của lão khách mang lên một ống luồng đen bón màu bồ hóng gác bếp và một túi da đựng đầy bình gỗ phép dọc thân, coi rất lạ mắt. Ngạc nhiên, chàng ta chưa kịp hỏi, đã nghe lão giục:
- Rút xuống thuyền mau! Chậm nguy mạng hết! Lính dõng tuy có súng cối xay, không cự nổi quân giặc đâu!
Miệng nói, chân lão cặp ống luồng, tay gõ nhẹ miệng bình gỗ, vỡ đôi, lộ ra một cái bắp chuối thả phăng vào ống luồng! Cạch bùng! Tiếng cánh quạt xé gió vút đi, tiếp liền tiếng nổ lớn, cát bụi bắn tung lá cành gãy “rắc” phía cô gái Mán chúa hồ.
Tiếng trước phát nổ lại đến tiếng sau, cứ thế “cạch bùng” đều như giã gạo, làm nàng chúa hồ không khỏi kinh tâm, thủ hạ tháo lui, tìm chỗ nấp, hét quân lực lượng kéo tới thêm, mở trận bao vây.
Mãi khắc đó, chàng trai Kinh mới biết đó là khẩu kích pháo.
Lập tức, cô gái Tàu dìu chàng trai Kinh nương cây cối gò đống rút về phía bờ nước.
Nào ngờ vừa lui được năm bảy bước, bỗng nghe tiếng hét “tỉu nà” giận dữ, mấy người cũng ngoảnh nhìn lại, thấy lão khách bị một phát đạn trúng tay phải, rớt cả “bắp chuối”.
Lão đang nằm rạp xuống, rút súng tay trái, vẫy “đoàng” về phía hữu, trên tàn cây rụng xuống một tên gầy đét như khỉ.
- Tỉu nà thằng bắn trộm!
Lại một phát đạn trúng sướt bả vai, lão khách vẫy cái nữa theo chiều đạn “chíu”, lá động trên tàn cây khác lại rụng xuống tên nừa, mím môi lão khách rút súng, vồ đạn kích pháo thả liền ba viên nữa.
Cô gái Tàu líu lô:
- Phụ thân rút mau! Nó kéo tới đông lắm! Con bắn cản!
Chàng trai tuy đau chân, máu ra đầm đìa, vẫn cố gượng cùng cô gái Tàu bắn che cho lão khách râu xồm ôm kích pháo vọt bừa ra bờ nước.
Nàng chúa hồ nổi giận hô thủ hạ ào đuổi theo, bắn đì đẹt.
Nhờ khu này có gò đống, ghềnh đá, cây cối, hai cha con cô gái Tàu dìu được chàng trai Kinh xuống thuyền độc mộc cả mấy người đều bị thương, nhưng không nặng.
Thuyền lao vùn vụt ra xa, mới được mười lăm thước thì nàng chúa hồ cùng quân giặc ào tới, lố nhố đầy bờ, chĩa súng hét:
- Dừng lại, còn chạy, ta bắn chết chìm hết!
Lão khách nạt lớn:
- Lũ mi tài cán gì dám đuổi theo ta? Không biết lão bắn pháo như thần là ai sao?
Lời dứt, mấy phát kích pháo “cạch bùng” vọt lên rớt xuống đầu quân hồ Ba Bể, khiến họ phải dạt tán, nằm phục xuống bắn vãi theo, nhiều tên bị tung xuống hồ.
Ẩn sau một gò đất nhỏ, nàng chúa hồ hét thủ hạ bắn bừa, bỗng phát tiếng cười khanh khách dòn như thuỷ tinh vỡ:
- Ha ha! Coi kìa! Cá sắp vào thớt rồi, các người đón đây! Ta đi bắt thằng chỉ huy cho rồi!
Dứt lời nàng ta bỏ đi liền, không thèm nhìn lại. Quân hồ Ba Bể cũng không bắn nữa.
Ngạc nhiên, bọn dưới thuyền cũng ngơ ngác dòm quanh, bỗng lão khách vùng ngửa mặt than lớn:
- Hầy à! Trời hại bọn ta rồi! Lũ “chó nước” lại kéo đến kia, sức ta đã kiệt, còn đâu!
Ai nấy dòm theo, thì ra từ ngoài giữa hồ, sau ốc đảo, vừa nhô ra một đoàn thuyền độc mộc sơn đen, mũi đỏ đang dàn hàng ngang rẽ nước phăng phăng lướt tới, cứ một quãng, lại tản ra chút theo hình cánh cung, khép lại, từ giữa, vọt lên một chiếc thuyền cong vút, súng ống gươm đao sáng loà, trên thuyền lố nhố đầy đàn bà con gái bịt khăn đỏ, đứng mũi có một nàng trẻ măng, dáng thanh tú, đội nón xoè như đội cái mâm, trỏ quát:
- Bọn du khách kia! Sao dại dột cưỡng lệnh chúa hồ Ba Bể, rước hoạ vào thân! Biết điều bó tay chịu trói, may còn đường chuộc mạng!
Lão khách trợn mắt kêu:
- Hầy à! Không ngờ cái vùng hồ này lại có quân ăn cướp đông dữ, mấy cái đứa con gái đẹp lại làm nghề bán đầu lâu! Quay thuyền lại mau!
Cô gái Tàu nói nhanh:
- Nó nấp trên bờ đông như giòi bọ, lên còn nguy hơn! Thà cứ áp đánh, chết thôi, túng thế còn có đường độn thuỷ!
Lão khách vò râu:
- À, con gái ta bàn phải! Công tử biết bơi không?
- Dạ có, chỉ mắc chân bị đau!
- Để tôi giúp công tử. Nó chưa bắn, ta cũng không bắn, để lại gần, đánh phá vậy, lợi hơn.
Quả nhiên, đoàn thuyền giặc không nổ súng, cứ phăn phăng xốc tới.
Cách hơn hai mươi bước, bỗng trên bờ có tiếng hét như lệnh vỡ:
- Chúa ba coi chừng bọn đó giỏi võ lắm đấy! Có khẩu pháo lợi hại dữ à!
Nhưng cô Mán chúa này vẫn không cho bắn, chỉ truyền chĩa súng lăm lăm. Cô gái Tàu nói nhỏ:
- Phụ thân! Nó gọi “chúa ba”, con này cũng là chúa đảng, để con cho một phát, đánh rắn dập đầu!
Lão khách còn do dự chưa quyết, thuyền kề gần, chỉ cách mươi sải.
Chúa hồ quát:
- Ném khí giới, giơ tay lên! Không kháng cự là khôn đó!
Cả bọn giơ tay. Cách vài bước bất thần, cô gái Tàu rút súng vẫy luôn một phát, vào giữa mặt nàng có hiệu “chúa ba”, bắn đã nhanh nào dè nàng ta lại nhanh hơn, chỉ lật đầu một cái. Chiếc nón đội đầu đã đổ vật xuống, che hết cả mặt mũi, bán thân, đúng lúc súng nổ, đạn bắn “xoảng” mặt khiên.
Quân hồ Ba Bể nổi giận chực bắn, nhưng nàng chúa Ba quát “không được bắn”, và cùng một toán nữ binh co người nhảy vọt sang.
Cuộc cận chiến diễn ra dữ dội. Quân hồ Ba Bể bổ vây tứ phía, đánh rất hăng.
Bọn chàng trai Kinh đã bị thượng, lại sức chẳng còn nhiều, nên chỉ cầm cự mười phút, lựa thế nhảy ùm xuống hồ, lặn trốn, quân hồ Ba Bể chực bắn, nàng chúa hồ không cho bắn, truyền tản theo tăm nước đuổi bắt.
Chờ mấy phút sau, viên đội, chú lính cùng viên tuỳ tùng hết hơi phải trồi lên thở, bị họ quăng dây thòng lọng, bắt sống cả!
Còn chàng trai, cha con cô gái Tàu đến mười phút vẫn mất tăm, bọn họ sục sạo mãi không thấy.
Trong khi đó trên bờ phía Nam hồ, cuộc ác chiến giữa đội tuần sáp giáp ky, với đám nữ binh vẫn tiếp diễn không ngừng.
Nàng chúa hồ họ gọi “chúa Hai” dẫn đầu một toán nữ binh mạnh kéo tới dàn trận đánh nhầu, tuyến chiến cách nhau không đầy trăm thước.
Đội lính dõng tuy ít nhưng lại có hai khẩu súng cối xay, và đạn A.T. Nên lúc đầu đánh rất hăng, đối phương không tiến nổi.
Đương thời, đạn A.T. là loại rất tiến dụng, đó là thứ tạc đạn lắp ngay vào mũi súng trường bắn sang phòng tuyến địch, vừa đi xa, vừa chính xác hơn ném bằng tay, sức công phá mạnh.
Đội kỵ binh tuần sát dã chiến này, tay súng nào cũng mang theo một số đạn A.T. Nhưng sau một hồi nổ súng, đạn vơi dần, cũng chẳng còn nhiều. Viên chỉ huy định tiến ra bờ hồ, không nổi, bỗng nghe lính báo “có đoàn thuyền giặc ngoài hồ kéo vào”. Viên chỉ huy sợ bị đánh bọc hậu, bèn hạ lệnh rút lui.
Nào dè nàng chúa Hai đã truyền quân định đánh tập hậu, lính dõng vừa lui được một quãng, dòm lại, đã thấy bóng địch thấp thoáng phía sau. Một viên quản Nùng lăn vào lại, bảo viên chỉ huy:
- Mấy phía đều co giặc, nếu không rút mau, sẽ chết hết! Một khẩu cối xay tắt rồi, khẩu kia chỉ còn mười viên!
Viên chỉ huy chiếu ống dòm một vòng, hô trầm:
- Chỉ còn phía bắc, đường chợ Rã chưa có giặc! Nổi kèn, bắt ngựa, rút hướng đó.
Quản Nùng y lệnh. Tiếng kèn lui quân vừa nổi, ngưa từ sau các bờ bụi, ghềnh đá chạy ra, rất tinh khôn. Lính dõng vừa cầm cự vừa chạy bắt ngựa, vọt khỏi chiến trường, điểm lại chỉ có hai mươi con ngựa, ngót ba mươi lính, phải đèo nhau lui, không kịp đem xác chết theo.
Đạn vãi “chiu chiu” nhờ cây cối gò bụi, lính dõng cứ phi như gió cuốn.
Nào dè vừa rút ra khỏi khu hồ hai ba trăm thước, bỗng nghe tiếng hét lanh lảnh như còi tàu:
- Bọn mi vào bẫy rồi! Mau xuống ngựa đầu hàng!
Ai nấy kinh hồn dòm quanh đã thấy tiền hậu, tả hữu lố nhố đầy bóng chàm đầu đỏ, chĩa súng ống cung nỏ tua tủa.
Nổi hung, viên chỉ huy hét:
- Cứ phi! Không để vào tay nó!
Người ngựa lao như giòng. Trước mặt có tiếng cười thét:
- Bọn ngốc chạy càn! Đã vào cạm bẫy, còn chạy đi đâu? Bây đâu chớ giết! Để ta bắt sống bọn chúng đem về Bắc Cạn, Cao Bằng làm trò cười cho dân chúng.
Lời vừa dứt, từng hàng dây thừng đã chắn ngang đường. Rào rào! Liền mấy cây đổ chặn cứng trước ngựa, hai bên lại toàn gò đống ngổn ngang.
Ngựa phóng tới, đổ dồn hý loạn. Từ hai bên gò đống, trên cây, sau lưng, trước mặt, quân hồ Ba Bể ào ra như rươi, phủ vây như nêm cối.
Viên chỉ huy còn chống cự được mấy phút, thầy trò mới chịu bị bắt, chết thêm mấy mạng!
Từ phía tả, nàng Mán chúa hai vọt ra, cười thét, trỏ viên chỉ huy:
- Mi tới số mới dẫn xác tới hồ Ba Bể! Không biết cả miền này, chúa Cô chiếm lãnh rồi sao? Bây đâu! Xích chúng lại!
Quân hồ Ba Bể tước khí giới, xích hết. Viên chỉ huy bị trói, nổi giận hét:
- Lũ giặc cái to gan! Quan quân sẽ làm cỏ chúng mày!
Nàng chúa Hai cười khanh khách:
- Mi có thói chặt đầu người treo cổ ngựa, giờ chúng ta lại chặt đầu mi đeo chơi! Bây đâu không cho làm trò nữa! Chặt đầu tất cả cho ta!
Quân hồ Ba Bể dạ ran, trói hết bắt đứng dàn hàng.
Một hồi cồng khua, bảy tên đao phủ vọt ra, hươi mã tấu, dao găm, chực phạt, bỗng nghe tiếng ai quát theo nhịp ngựa phi:
- Khoan, chớ giết uổng! Để đó còn bán đầu lâu!
Quân hồ Ba Bể, lính dõng trông ra, thấy nàng chúa Ba từ phía hồ dẫn một đội nữ binh xộc tới, rút gươm chém lia mấy phát, liếm bay hết lon trên áo viên chỉ huy.
Nàng chúa Hai gõ nhẹ roi lên đầu viên quan võ hỏi:
- Còn để nó làm gì? Nó là đội Đầu Lâu đã giết nhiều người, vừa đây lại hại của ta hơn ba mươi mạng, chém bảy lần chưa hết tội mà!
Nàng chúa Ba cười nói:
- Đánh trận phải giết người, hắn ăn lương nhà nước, hết lòng đánh giặc, cũng là lẽ thường tình, ta làm giặc đánh lính nhà nước, làm rạng oai danh hồ Ba Bể, cũng thế! Nay lột hết lon, giấy tờ đem về Bắc Cạn, Cao Bằng, bắt nhà nước bỏ bạc “xòe” mua lại đầu lâu đội Đầu Lâu, mới thích chứ?
Nàng chúa Hai cười lớn, gật đầu. Ánh thép bay loang loáng, bao nhiêu lon rụng hết.
Lũ thủ hạ cúi nhặt, lại thu hết giấy tờ, đoạn xích cả vào một xâu như “tù dây” đi bắt hết ngựa, nhặt súng ống, xong áp giải tất cả về phía bờ hồ.
Hai nàng nữ chúa đi trước, cùng một cánh nữ binh. Nàng chúa Hai hỏi:
- Đã bắt được hết bọn trai Kinh, gái Tàu chưa?
- Mới bắt được ba tên, còn gã trai Kinh, cha con lão Tàu râu xồm lặn xuống nước, trốn đâu mất...
Cả hai dẫn quân ra bờ hồ, quân nam nữ vẫn đang chèo thuyền độc mộc, sục tìm bọn chàng trai Việt.
Nàng chúa Ba gọi thủ hạ, bảo:
- Giờ đã yên, khá đi quanh vùng truyền ra cho du khách tứ xứ tiếp tục đến vãn cảnh như thường! Từ giờ đến tối, hãy miễn cho họ, kẻ giàu chỉ lấy một đồng xoè thôi!
Thủ hạ dạ ran, phóng đi.
Nàng chúa Ba lại bảo:
- Chắc chúng chưa thoát đi xa, dọc bờ có nhiều lau, sậy, ghềnh hốc, giờ mỗi người đảo một phía, sục thử!
Hai nàng lập tức chia nhau, dẫn quân đảo dọc bờ tìm kiếm.
Nàng chúa Hai đi về hướng Tây, không thấy, lại đảo lại hướng Đông.
Nhưng hai mươi phút sau bóng dáng bọn kia vẫn biệt tăm! Nàng chúa Ba đi dọc đến khu ghềnh đá, lau sậy, bảo thủ hạ:
- Ta nghe trong giới biển hồ có bí thuật “thở dưới nước như loài cá”, không lẽ bọn này biết nghề đó! Vậy một lũ hãy sục ra phía ốc đảo ở giữa hồ, còn một lũ kiếm từng ghềnh hốc! Chia nhau lặn xuống, xem sao!
Đám quân y lệnh, sục gắt, bọn lặn, bọn quăng lưới, đâm giáo mác đinh ba, nát cả lau sậy, tiến dần về phía đông.
Bọn chàng trai Kinh thoát ngả nào?
Ngay sau lúc phóng xuống nước, biết chàng trai Việt bị thương ở chân, nàng gái Tàu lao luôn về phía chàng ta, túm được tay, cứ thế giúp chàng lặn xuống tận đáy hồ.
Hồ rộng giặc đông lướt đảo trên, cô gái biết không thể lặn một hơi ra tận ốc đảo, nên dìu chàng trai lặn về phía bờ đông, cách khu vực đánh nhau một quãng, địa thế hiểm trở, có thể ẩn nấp được. Chàng trai bơi lặn khá giỏi, nhưng xem chừng còn kém cô gái Tàu này nhiều.
Một phần đã quần thảo mệt, lại bị thương, chàng trai mau hết hơi, chưa vào tới bờ, đã muốn sặc nước. Biết trồi lên là sa tay quân giặc, chàng trai vùng bấm tay cô gái làm hiệu, đoạn gỡ tay nàng ra, ý muốn trồi lên một mình cho nàng thoát.
Nhưng cô gái lại không nỡ bỏ, cứ nắm chặt lôi miết.
Cô gái Tàu đưa được chàng trồi lên mặt nước, chỉ bị uống một hai ngụm nước.
Trên đầu hai người đầy rong rêu lau sậy, cành xoè, rất kín.
Nhìn ra, thấy quân hồ Ba Bể đang sục gắt xa xa, cô gái cả mừng quay nhìn chàng trai Kinh, nhoẻn cười.
Bỗng nàng chăm chú nhìn chàng ta, lo lắn hỏi nhỏ:
- Sao mặt mày công tử xanh xám thế? Công tử xúc động?
Chàng trai hơi nhăn mặt, phều phào:
- Mệt quá... cô nương à! Có lẽ vì vết thương ra máu nhiều...
Cô gái vội dìu chàng men lại phía có nhiều ghềnh chìa, bảo:
- Công tử giơ chân lên, tôi coi vết thương xem sao?
Chàng trai Kinh gượng đau, bám mỏm ghềnh, ngã người, giơ chân lên khỏi mặt nước. Cô gái ôm chầm lấy chân kêu “trời” vì máu ra đầm đìa. Lau qua, sờ nắn mấy khắc, nàng kêu khẽ:
- Đạn còn mắc cạnh ở mắt cá chân! Làm thế nàng bây giờ? Thuốc men để cả dưới thuyền!
Dứt lời, nàng xé vạt áo quấn chặt vết thương, và xốc hẳn chàng lên một cái hốc nhỏ sát mặt nước, bảo:
- Ta phải thoát khỏi chỗ này mới được! Công tử đau chân, còn đi được không?
Chàng trai lom khom đứng dậy suýt đâm đầu xuống hồ. Thì ra lúc nãy đang hăng máu, chưa đau, giờ mới ngấm, buốt tưởng rụng mắt cá.
Ái ngại, cô gái đỡ chàng, thỏ thẻ:
- Bờ hồ nhiều cây cỏ lau sậy, ghềnh mỏm, để tôi cõng công tử thoát cho mau!
Chàng trai khẽ bảo:
- Cô nương hãy đi tìm phụ thân đã! Chắc “người" cũng ẩn quanh đây!
Cô gái nhìn khắp hồ, đáp:
- Cha tôi lặn như rái cá, công tử chớ lo!
Dứt lời, nàng ghé vai, cõng luôn chàng trai, lội dọc bờ nước kiếm chỗ lên.
Tuy đau, chàng tuổi trẻ vẫn còn tỉnh táo để cảm rõ cảnh bất tiện trên lưng nàng.
Trong vòng tay chàng, tấm mình thon lẳn của cô gái đẹp như có sức kỳ bí làm chàng ngượng chín người. Khổ nữa, từ cơ thể tiết ra mùi da mỹ nhân thơm thơm hăng hắc tựa hoắc hương làm chàng càng muốn tắt thở, buột kêu:
- Thôi! Tôi đỡ đau rồi, cô nương để tôi đi... đỡ khổ cho cô nương...
Nàng thì thào:
- Đạn mắc trong đau lắm, đi sao nổi?
Nàng lội bì bõm được một quãng vừa cõng chàng leo lên bờ, bỗng nghe tiếng ngựa chạy, tiếng gọi nhau líu lô ập lại, nên vội ngồi thụp xuống.
Thình lình có tiếng một nữ binh kêu lớn:
- Chỗ kia lau sậy động dữ như có người len lỏi!
Cả hai giật nảy mình, trông ra thấy bốn chiếc xuồng độc mộc vùn vụt lướt tới, ngó lên, lại từng toán nữ binh sục rầm rập tới.
Thất kinh, nàng kêu nhỏ:
- Ngồi đây lộ mất, phải xuống nước...
Nàng cõng chàng lội xuống hồ. Vừa xong, thì quân bên kia kéo tới, lố nhố.
Hai người cứ nấp giữa lau sậy um tùm. Một chiếc thuyền lướt qua, một ả dữ như Dạ Xoa cầm một cây giáo dài xỉa lia lịa vào bờ bụi, hét:
- Ra ngay! Còn gan, lòi ruột!
Hai người im hơi. Soạt! Mũi giáo xuyên sát cổ cô gái Tàu, liếm ngoài da.
Thuyền trôi qua, ả ta dòm trừng trừng. Nhưng trên bờ, lại một toán sục tới, kiếm trong từng hốc đá, mỏm ghềnh.
Không may cho hai người, bỗng nàng chúa Ba xịch tới, đem theo một con ó rất tinh khôn.
Con ó bay là là mỏm ghềnh, ngọn lau, chẳng biết dòm thấy hay đánh hơi, bỗng nó kêu quang quác, lượn vòng thúng.
- A! Có kẻ núp đâu đây? Biết điều ra mau!
Nàng chúa Ba nhảy xuống, vọt đứng trên mỏm ghềnh cách chỗ hai người nấp độ mười thước tây, chỉ trỏ, quát lanh lảnh:
- Khu này có nhiều hốc đá, lau sậy, phải sục từng tấc một!
- Bẩm chúa Ba, để mụ này cho vài loạt tên nỏ là xong!
- Khoan! Ta có cách!
Lời dứt, chợt nghe “véo, véo” trốc đầu, hai người trông lên, thấy có hai lưỡi liềm bay vi vút, phạt đứt lau sậy, cành xoà như chém cói. Liềm tới đâu, quang tới đó, hai người vội lặn hụp, lần đi chỗ khác ngược về phía liềm phạt.
Nào dè, khi hai người hết hơi trồi lên, lại bị con ó tinh quái sạt tới, kêu quang quác, lại phải lặn lội. Lần này cô gái Tàu cõng chàng trai Kinh không may trồi lên, lại đúng lúc nàng chúa Ba vừa xịch đảo tới. Lau sậy động, nàng ta sinh nghi thả “véo, véo” cặp liềm, hớt bay lau sậy lộ ra hai cái đầu ướt sũng.
- Chúng đây rồi!
Quân hồ Ba Bể đổ tới bổ vây, chỉ hai phút sau, cô gái Tàu đã bị một phát tên trúng bả vai, và bị một ả quăng lưới úp chụp. Cô gái Tàu rút kiếm khoét thủng lưới, thoát ra, nhưng chàng trai bị thương, phải cõng. Bị vây kín, cô gái đành liều mạng, nhảy vọt lên bờ.
Nào dè vừa đứng vững, nàng ta đã bị một sợi thòng lọng chụp nghiến lấy, xiết chặt, giật ngã lăn trên mặt cỏ.
- A! Chúa Hai bắt được cả đôi rồi!
Quân hồ Ba Bể reo hò vang dậy. Nàng chúa Hai giật mạnh dây, cả hai lăn tròn.
Chàng trai giục “buông tôi ra, thoát đi còn kịp” nhưng cô gái không chịu, nháy mắt đã bị thêm một sợi nữa, như bó giò.
Thì ra nàng chúa Ba đã vọt lại, quăng dây, hai nàng hai phía, kéo ghì cặp trai gái, lôi đứng sững.
Cả hai nàng cùng lần dậy, tiến lại. Nàng chúa Hai cười thét:
- Sam! Đôi sam cõng nhau! Còn để làm gì cho ngứa mắt.
Véo! Lưỡi liềm tung ra, chém sạt ngang cần cổ hai người. Cô gái Tàu hét:
- Tỉu nà! Con giặc rừng! Tao đâu có sợ đứa ỷ đông.
Liềm nháng sáng chém ngang “chát” toé lửa, nàng chúa Ba lật đật thả liềm gạt, bật kêu lớn:
- Chớ giết! Đầu này đều có giá!
- Không cần giá!
- Để nhử lão khách râu xồm là hơn?
Nàng chúa Hai nghe theo, dòm nảy lửa.
Cô gái Tàu vẫn cõng chàng trai Việt nhìn chúa Hai, nhổ toẹt một bãi nước miếng.
Nàng chúa Hai giận tròn khoé hạnh, rút roi ngựa, quất đét vai, hét:
- Bắn chết con này cho tao!
Quân giặc giương cung nỏ tua tủa. Nàng chúa Ba xua tay, quát lanh lảnh:
- Còn lão khách râu xồm đâu? Khôn hồn khai ra mau! Ta đếm đến mười, lão không ra, ả này mất mạng! Một, hai, ba...
Cả một vùng hồ nước vụt rơi vào im lặng mênh mông, chỉ còn tiếng chân ngựa khua vó lóc cóc, tiếng nàng chúa Hai nhọn sắc như dùi đâm thủng không gian.
Khi nàng ta hét đến chín, bỗng nàng chúa Ba giơ tay ra hiệu bảo nàng kia:
- Khoan! Lão khách râu xồm giỏi nghề độn thuỷ, chắc đã thoát khá xa, ít nhất phải ra tận ốc đảo kia! Ta nên cho một dịp may cuối cùng, để chúng quân nhắc lại mới được!
Cô gái Tàu nhổ toẹt một bãi nước miếng, mắng:
- Tỉu nà! Hai con giặc cái! Muốn giết, cứ giết, đừng hòng giục cha tao!
Chàng trai quát:
- Giặc cái! Ta mới là kẻ phá giặc, giết thủ hạ hai ả, còn cha con nàng này vô can! Nếu cần, cứ giết mình ta cũng đủ!
Cả hai không thèm đáp, vùng khoa liềm trên trốc đầu, hô:
- Đếm đến mười, không ra, ta chặt hai cái đầu này!
Quân giặc ngoài hồ cũng xô lại đếm vừa đến mười, bỗng nghe ngoài ốc đảo có tiếng hét như sấm vọng vào:
- Tỉu nà hai cong giặc! Tao đây! Lũ mi chớ làm càn!
Hai nàng nhìn ra, cùng hạ tay liềm, nhếch miệng cười đắc ý. Vì ngoài ốc đảo giữa hồ, vừa hiện ra một bóng đen đứng trên ngọn cây sát bờ nước, dáng người còn mặc nguyên xường xám ướt sũng.
- À, vậy là biết điều đó! Bây đâu! Ra bắt lão vào đây!
Quân hồ Ba Bể dạ ran, năm cái thuyền độc mộc rẽ nước chạy ra. Giây lát đã điệu lão khách râu xồm vào, khí giới đã bị tước hết, nhưng không bị trói.
Nàng chúa Hai quát lớn:
- Sao không xích lại?
Thuyền áp bờ, bọn thủ hạ vội đem xích sắt xiềng lão khách lại. Lão trợn mắt, mắng:
- Tỉu nà! Tao tự ra cho chúng mày định đoạt, còn xích gì nữa?
“Xoảng” một tiếng lớn, lão giật bứt tung dây xích sắt, ném bõm xuống nước, nhảy vọt lên bờ, hướng vào hai nàng chúa, nói to:
- Tao lên đây, giờ hãy tha con gái tao và chàng công tử kia ra!
Sợ lão làm dữ, quân hồ Ba Bể cùng chĩa súng lăm lăm.
Nàng chúa Hai cười dữ tợn:
- Đã bị bắt, còn dám ra điều kiện với chúa hồ?
Lão khách có vẻ giận dữ hết sức, chỉ muốn phá tung, nhưng chợt đưa mắt nhìn con gái và chàng trai Kinh, thủ hạ người bị trói, người mang thương tích, máu đỏ lòm, lão nén giận, cười khà bảo:
- Cha con tao sang Nàng xem hồ Ba Bể, làm du khách mới bị lũ mi áp đảo! Nếu bên Quảng Tây, cả quân tướng nhà mi, tao đánh cho không còn mảnh giáp!
Nàng chúa Hai chống nạnh, gật gù, lượn quanh mình, bất thần vung tay điểm một nhát trúng huyệt đạo. Lão khách đứng trơ như tượng gỗ.
Rồi nàng hét:
- Khiên La đâu?
Một viên bộ tướng to như hộ pháp từ phía cánh quân Nam vọt tới.
- Chúa Hai, chúa Ba truyền!
- Đem đội hành hình tới, chặt đầu chúng, bêu làm lệnh, răn thiên hạ!
Viên bộ tướng hộ pháp Khiên La lập tức hô gọi đội hành hình tới, trói tất cả đám người bị bắt vào gốc cây, trói luôn cả bọn đội Đầu Lâu, lính dõng.
Nàng chúa Ba không can nửa lời, chỉ hờ hững nhìn đám người sa cơ.
Bọn này cũng chẳng thèm hé răng, khi đội hành hình đã dàn hàng sắp ra tay, nàng chúa Hai rút súng, bước lại gần, dòm nảy lửa, nào dè cô gái Tàu bỗng nhổ toẹt một bãi nước bọt, hét:
- Tỉu nà con giặc rừng ỷ đông hống hách! Tưởng bọn tao sợ lũ mày chăng? Hừ!
Tiếc thay mày không gặp tao bên Quảng Tây để tao vặn cổ mày ra đằng sau!
Nàng này giận tròn xoe mắt, giơ súng chực bắn, nhưng lại nén được, gật gù cười gằn, quát trầm:
- Nghe cha con ả đều khoe Quảng Tây, phải làm chúa tể thành Nam Ninh hay chúa thổ phỉ?
Toẹt! Lại một bãi nước bọt. Nàng chúa Hai hét “giết chết chúng cho tao”. Đội hành hình vừa toan ra tay, bỗng nghe phía cuối hồ Ba Bể có tiếng cồng khua vang, âm thanh bổng mười phần hùng tráng âm u, đúng là điệu cồng sơn cước.
Đám quân hồ Ba Bể đằng này vụt dừng tay, quay nhìn cả về phía có tiếng cồng.
Dứt hồi cồng đồng, bỗng có tiếng tù và nổi lên, vang động khắp miền sơn thuỷ, âm sừng linh dương rền rĩ man mang, huyền bí như từ cõi xa xăm nào vọng về.
Bỗng “vo, vo”, từ nẻo cuốihồ có một chuỗi âm kỳ lạ bay vút trên không trung, rít như còi, phóng về phía đám hành hình.
Ai nấy đều ngửa mặt trông lên, thấy có một vật đỏ chót bay theo đường cầu vồng đâm thẳng xuống đất, hiện ra một mũi tên còi màu đỏ.
Nàng chúa Ba chạy lại nhổ mũi tên, dòm qua, trao cho nàng kia.
Bỗng cả hai cùng hô “về núi”.
- Lệnh truyền giải tất cả về, chỉ để lại một đội khinh kỵ! Y lệnh!
Đám quân hồ Ba Bể lập tức chạy lại cởi trói cho mọi người, đem lên lưng ngựa, lũ khác thu dọn chiến trường, phút chốc tất cả đã vào hàng ngũ.
Cô gái Tàu cười lớn:
- Chúng mày tiếc đạn?
Nàng chúa Hai lạnh lùng:
- Không phải tiếc đạn, tiếc cái đầu của ả! Chặt ngoài hồ phí của, phải đem về núi chặt làm lễ tế cờ! Chớ quên: chưa kẻ nào kháng cự lại chúa hồ Ba Bể, còn toàn mạng trở về. Đi! Bịt mắt chúng!
Khiên La cùng bọn thủ hạ lấy vải dày bịt ngang mắt mọi người.
Vó ngựa lóc cóc rời hồ Ba Bể đi về hướng Nam.
Chàng trai Kinh thấy đám quân này hung tợn, không khỏi lo cho số mạng cả bọn, lên tiếng dịu dàng bảo:
- Tôi có người gia tướng là quản Đô nhảy hồ trốn thoát về Cao Bằng báo tin, thế nào phụ thân tôi cũng có cách giải cứu, cô chớ ngại!
Lão khách râu xồm hỏi:
- Phải phụ thân công tử là quan tuần phủ Cao Bằng?
- Dạ chính thế! Cha tôi lại quen nhiều tay giỏi võ, chắc chẳng chịu bó tay!
Lời vừa dứt, bỗng cả bọn ngửi thấy mùi thơm ngào ngạt, rồi mê đi khắc nào không biết nữa.
Chẳng hiểu bao lâu, bỗng nhiên chàng trai kinh hoàng tỉnh mở mắt ra, bàng hoàng thấy mình đang nằm trong gian thạch động, thạch thất chi đó, dưới vùng ánh sáng vàng vọt, nham nhở.
Chàng nhỏm dậy, ngó quanh mới hay đây là một cái hang sâu được chế thành nhà giam, vuông vức hơn mười thước vuông, cửa ngoài bằng chấn song sắt to bằng cổ tay, trong hang có bục gỗ trải cỏ khô.
Cả mấy thầy trò đều bị xích chân vào cây gậy sắt đóng sát ngay vách đá. Bên ngoài song sắt là một dãy hành lang, ánh sáng vàng khè ngoài đó hắt vào, lẫn cả mùi khen khét như nhựa xám, thứ nhựa cây đóng thành thỏi, dân sơn cước thường dùng thay đèn nến.
Thấy mỏi, chàng co chân duỗi thẳng, mới sực nhớ tới vết thương dưới chân, bèn cúi nhìn lại, mới hay vết thương đã được băng bó cẩn thận, tuy cử động còn thấy đau!
Chàng thử vung tay, mới hay sức lực đã bị triệt, trong mình còn mệt mỏi, cổ họng khô cháy, chừng mới qua một cơn sốt dữ. Chàng trai vùng gọi to:
- Khát quát! Có ai ngoài đó không?
Lập tức có tiếng chân bước tới, một gã to lớn, mặt mũi dữ tợn đầy sẹo đứng ngoài song sắt lừ lừ dòm vào, hỏi:
- Công tử con quan gọi gì?
Chàng trai bảo:
- Bọn ta khát nước lắm, cho một ấm!
Gã này nhe răng cười, hỏi:
- Công tử con quan có uống nước cà phên không?
Chàng trai cười:
- Chú mày đùa tao?
Y đáp:
- Không đùa mà! Chúa truyền ai muốn ăn uống gì, phải đưa! Ông Khiên La bảo công tử Kinh thường uống cà phê!
Chàng trai cười:
- Chúa mi tử tế nhỉ?
- Ờ. Công tử con quan chưa biết chúa hồ Ba Bể! Lát nữa bắn, giờ vẫn cho ăn uống no nê mà!
Gã quay ra, loáng bưng vào đủ cà phê, nước trà.
Chàng trai hỏi:
- Cha con ông khách Quảng Tây đâu?
- Cũng giam quanh đây!
Gã vừa nói dứt bỗng nghe gần đây có tiếng đàn bà gọi lanh lảnh:
- Công tử Kinh có đấy không?
Nghe giọng nhận ra chính giọng cô gái Tàu, chàng trai vùng đáp lớn:
- Tôi đây! Cô nương cùng lệnh đường mạnh khoẻ chứ?
Có tiếng đáp:
- Cảm ơn, vẫn mạnh, chỉ lo vết thương nơi chân công tử!
- Không sao! Nó băng bó cẩn thận rồi!
Bỗng ngay khi đó, có tiếng chân rầm rậo, rồi viên bộ tướng to như hộ pháp Khiên La chợt hiện ngoài song sắt cùng một toán quân lực lưỡng nữa, nói lớn:
- Chúa truyền giải tất cả lên sảnh đường!
Đám quân mở khoá, dẫn ba người ra ngoài hành lang. Cha con cô gái Tàu Quảng Tây cùng bọn đội Đầu Lâu cũng đi ra, tất cả đều bị xiềng.
Vừa thấy chàng trai Kinh đi tập tễnh, cô gái Tàu trợn mắt mắng lớn:
- Tỉu nà! Lũ chó đú này hèn hạ! Đã triệt hết công lực người ta, còn xiềng xích như trâu chó! Lũ mi không thấy chân công tử bị thương què sao?
Một gã mặt mày dữ tợn, chừng đầu mục, đứng gần đấy, sấn luôn lại giơ bàn tay to lớn doạ “im mồm”.
Gã liền bị nàng ta bất thần co chân đá luôn một phát đến “hự” một tiếng! Nhưng lúc này công lực đã bị triệt, cú đá không còn mạnh nữa. Tuy vậy cũng làm gã nổi giận, hét lên. Lại có hai ba tên cười ồ làm gã càng tức, thẳng tay tát vào mặt cô gái Tàu. Xoảng!
Một sợi dây xích quật trúng tay gã, kéo giật lại, làm gã giật mình xoay người, trợn ngược mắt, sửng sốt. Vì kẻ vừa quật xích không ai khác chàng trai Kinh vừa tập tễnh nhảy tới.
- Không được làm rối loạn! Cởi xích ra cho chúng!
Mọi người nhìn ra. Nàng chúa Hai đã đứng sững giữa hành lang, tay cầm roi ngựa, quần áo xốc xếch, vẻ vừa đi đảo về.
Bọn giặc vội cúi rạp đầu chào. Khiên La sai tháo xiềng cho mọi người, đoạn giải đi. Đội Lực và viên cai xà cạp trắng phải xốc nách chàng trai, dìu từng bước.
Nàng chúa Hai quay mình đi ngả khác. Đám “tù nhân” bị giải qua dãy hành lang dài hút, ánh nhưa trám vàng khè.
Thì ra đây là một khu “nhà đá” đục thẳng vào vách núi. Đi khỏi dãy hành lang tới một khu khác, đứng nhìn ra, thấy núi đá trùng trùng chạy quanh lòng chảo, rải rác khắp dưới trên có nhiều đồn trại nhà cửa, ẩn hiện lùm cây, ghềnh, coi hiểm hóc vô cùng.
Nhờ có ánh trăng soi vằng vặc, mọi người thấy khu này có nhiều đường ngang lối dọc chi chít.
Bọn Khiên La dẫn họ đi khỏi khu lòng chảo này, lại tới khu khác theo lối đá quanh co, đến một trái núi cao ngất, lưng chừng núi hiện ra nhiều bóng nhà cao, thấp, lớn, bé, lối kiến trúc rất lạ mắt.
Bỗng đến một vùng núi bằng phẳng có một căn nhà gỗ đồ sộ làm theo lối dinh sảnh của các tiểu vương sơn cước, cây cối hoa cỏ mọc đầy, trước nhà có một cái sân, giữa sân có trồng một cái cột cờ cao như cây phướn, ngọn cờ có lá cờ đỏ chót như nhuộm máu tươi, giữa thêu hai cái liềm gác chéo ôm lấy một cái sọ người có tóc coi rất dữ, dưới có một con sóng lượn, tất cả đều bằng ngân tuyến!
Khiên La dẫn mọi người vào thẳng ngôi nhà, qua bậc gỗ cao vút.
Sàn rộng bao la, trần thiết giản dị, nhưng rất uy nghi. Vách căng toàn da thú, ghế từng dãy, toàn ghế mây. Nhưa trám thắp như sao sao, quân đầy sàn, bên nam, bên nữ, ngó qua cũng hơn trăm tay súng.
Đám “tù nhân” được dẫn tận cuối sàn, đứng một bên, hướng lên một bục gồ rộng, cao vọi. Trên bụ có đặt ba cái ghế tay ngai bọc da báo gấm lốm đốm. Ghế chính giữa cao hơn, ghế ở hai bên thấp hơn một chút.
Trước ghế có cái bàn rộng cũng bọc da thú, trên bàn, trên ghế la liệt đầy chiêng, khánh, cồng, tù và, trống khen, nhạc cụ, hai bên vách treo đầy gươm đao. Sau ghế có một lá cờ giống hệt lá cờ ngoài cột cờ.
Im đến nỗi chỉ nghe tiếng nhựa trám cháy lép bép và tiếng gió thổI vi vu ngoài sườn núi mang vào những tiếng chim khảm khắc “loọng sôi”.
Chợt phía sau lá cờ, có tiếng tù và rúc âm u, vang vọng cánh rừng.
Dứt hồi tù và, từ trong vùn vụt đi ra một đội nữ binh quấn xà cạp đeo súng ống, gươm đao, dao găm, cung nỏ, dàn dọc chếch hai bên rồi một nàng bộ tướng tiến lại, cầm dùi gióng lên một hồi còng, đệm ba tiếng cuối ngân nga.
Ai nấy đứng thẳng, im phăng phắc. Âm chưa ngưng hẳn, từ trong vừa vụt tiến ra hai bóng nữ nhân, leo lên ngồi luôn vào hai cái ghế tả hữu.
Bọn “tù nhân” nhìn lên, thoáng hơi bỡ ngỡ, mới nhận ra chính nàng chúa Hai, chúa Ba. Lúc này hai nàng lại mặc xiêm y Thổ Thái.
Nàng chúa Hai mặc “phá” lãnh gấu thuỷ ba kim tuyến, áo gấm lam, ngoài còn khoác thêm cái áo choàng tựa lối gái Mường, cũng màu lam. Nàng chúa Ba mặc cái áo tía, quần lãnh đen, áo choàng cũng màu tía.
Cả hai đều đeo khuyên, nhưng kẻ khuyên chuỗi tròn, kẻ khuyên hình tam giác nhọn. Cả hai đêu búi tó đỉnh đầu, đính mảnh khăn đỏ, chân viền kim tuyến, trông càng tôn vẻ uy tợn rừng xanh.
Cả hai nàng chúa hồ nhìn xuống dưới, không nói nửa lời.
Lúc này, chàng trai Kinh đứng cạnh viên đội dõng Đầu Lâu. Viên này gãi râu, nhe răng cười, ghé tai chàng bảo nhỏ:
- Phải bạn là con trai quan tuần phủ Cao Bằng? À! Tôi có được gặp quan tuần một lần! Quan tuần giỏi võ lắm! Bạn có thấy hai ả chúa hồ kia đẹp không? Hừ! Ai dám ngờ giết người như ngoé!
Chàng trai cười bảo:
- Cũng như ông bạn đó! Ai dám ngờ ông bạn chặt đầu người như sung rụng, uống máu không tanh?
- Ô mông-đi-ơ! Tôi chặt đầu tụi giặc cỏ mà!
- À! Vậy các ả chặt đầu bọn giết giặc cỏ, khác nào?
Lão khách xen vào:
- Hầy à! Cái nghề của bọn cầm súng cầm dao mà! Nhưng chúng nó để bọn ta đứng thế này là... không biết phép lịch sự!
Cả mấy người cùng cười.
Bỗng lại một hồi cồng khua, tự nhiên đám “tù nhân” đều háo hức muốn biết mặt kẻ ngồi chính vị ghế giữa ra sao?
Dứt hồi cồng, bỗng bức rèm cuối vách lay động, có bốn bóng nừ phò một bóng bịt khăn đỏ uyển chuyển đi ra. Mỗi bước đi, khẽ vang lên tiếng nhạc chùm buộc cổ chân nàng. Đột nhiên ánh lửa trám bỗng lao đao rạp xuống như cúi đầu trước nhan sắc tiên cô rừng thẳm.
Đám “tù nhân” thảy đều sững sờ trước vẻ đẹp của nàng vừa ra! Nàng ta uyển chuyển bước lên ngồi ghế chính giữa, khỏi cần nói, ai cũng biết ngay đó mới chính “Chúa tể hồ Ba Bể”, kẻ đã ra lệnh bán đầu lâu thiên hạ!
Nàng mặc lối Thái Đen, toàn xiêm y một màu đen viền trần kim tuyết, bó sát lấy tấm thân thon lẳn ngoài khoác áo choàng đỏ, lót màu đen, tao đeo khuyên lủng lẳng, mỗi bên ba cái liềm móc rất khéo, cổ đeo dây chuyền vàng.
Lập tức, khắp căn đại sảnh nổi lên những tiếng tung hô kính cẩn, tất cả đám giặc nam nữ đều đứng thẳng, cúi đầu.
Bọn chàng trai Kinh, cha con lão khách Quảng Tây, lính dõng vẫn đứng nghiêng ngó dòm lên, dưới vùng ánh sáng nhựa trám vật vờ.
Ai cũng phải sửng sốt vì sắc đẹp của ba nàng nữ chúa hồ Ba Bể, nhất là nàng áo choàng đỏ, ngồi giữa chắc “chúa Cả”.
Mỗi nàng một vẻ, hai nàng kia đã đẹo, nàng chúa Cả này còn đẹp hơn, một vẻ đẹp uy nghi, huyền bí lạ thường như tích tụ cả tinh hoa núi đèo trùng điệp, suối chảy, chim ca, hoa ngàn, cỏ nội.
Chỗ đám “tù nhân” đứng, lên tới chỗ ba nàng ngồi, khoảng cách độ hai mươi thước, tuy vậy vẫn rõ từng đường nét. Vừa nhìn thấy mặt nàng chúa Cả, bỗng chàng trai Kinh giật tim một cái, cảm giác là lạ khó hiểu.
Chàng trai đưa mắt nhìn mọi người. Chàng ngạc nhiên thấy lão khách râu xồm cũng giật mình một cái, mở mắt dòm nàng chúa Cả trừng trừng, rồi đến cô gái Tàu, bọn đội Đầu Lâu, nhiều kẻ cũng lộ vẻ ngạc nhiên, nhìn nàng ta không chớp mắt rồi tất cả cùng nhìn sang chàng trai Kinh.
Lạ lùng, chàng khẽ hỏi:
- Có chuyện gì thế?
Lão khách gãi râu:
- Hầy! Ngộ trông thấy nàng chúa Cả hồ Ba Bể kia, lại nhớ tới chuyện hai mươi năm xưa... ngộ có gặp một người đàn bà giống hệt nàng!
Bọn áp giải vừa quát “im”, Khiên La bước vụt tới, xua tay làm hiệu, đoạn nghiêm mặt bảo bọn “tù nhân”:
- Chúa hồ đó! Mau làm lễ ra mắt!
Mọi người vẫn đứng yên. Cô gái Tàu cười lớn “Ra mắt? Ha ha”. Cả đám ngạo nghễ cười ồ.
Trên kia, nàng chúa Hai nhìn xuống, cau mày, hất hàm một cái, nhưng ngay khi đó, nàng chúa Cả đã đưa mắt nhìn xuống, vẻ mặt thản nhiên, nghiêm nghị như không hề biết có chuyện lộn xộn bên dưới. Nàng ta giơ một tay lên:
- Tất cả ngồi xuống!
Một ả bộ tướng vớ lấy đùi gióng một hồi cồng vang âm rền rĩ. Đám quân lẳng lặng ngồi xuống, riêng bọn giải “tù nhân” vẫn đứng một góc. Căn đại sảnh lại rơi vào im lặng mênh mông.
- Dẫn đám người bị bắt lên đây!
Vừa nghe lệnh truyền, Khiên La hô nhỏ:
- Nào! Lên mau, chúa Cả khác tính lắm, các ngươi nên giữ miệng cho khỏi mất đầu!
Không ai thèm nói nửa lời, đồng theo chúng áp dẫn đi lên phía ba nàng nữ chúa hồ ngồi. Trèo hết mấy tầng bục, cả bọn được đưa tới trước mặt ba nàng, đứng lố nhố.
Cô gái Tàu có vẻ nóng tính nhất, vùng nói lớn:
- Bọn ta là du khách đến vãn cảnh hồ Ba Bể, vô cớ bị bắt, sao các ngươi để đứng như tượng gỗ thế này?
Nàng chúa Cả nhìn cô gái Tàu lừ lừ, không tỏ vẻ chi khác thường, chợt bảo:
- Khiên La! Đem ghế lên cho họ ngồi!
Bọn thủ hạ hơi tỏ vẻ ngạc nhiên nhưng cũng dạ ran, lập tức mang ghế lên, bày bên tả, cho đám “tù nhân” ngồi.
Cô gái Tàu gật đầu bảo:
- Có thế chứ! Vậy mới là kẻ biết cỡi ngựa bắn súng!
Nàng chúa Ba hơi nhếch mép cười, chúa Hai cau mày. Chúa Cả vẫn không lộ vẻ gì khác thường. Nàng ta cúi xem mấy tập giấy trên bàn, chợt ngẩng lên hỏi:
- Con trai tuần phủ Cao Bằng đâu?
Chàng trai ứng tiếng dõng dạc:
- Chính ta đây!
Nàng chúa Cả phất tay:
- Ra ngoài này! Cứ đem cả ghế theo!
Chàng trai đứng dậy. Viên đội xà cạp trắng phải dìu chàng ra, mang giúp chiếc ghế mây cho tiểu chủ ngồi.
Nàng chúa Cả nhìn chòng chọc, mắt chợt thoáng nét ngạc nhiên, thấy chàng công tử con quan Kinh lại có nhiều nét hao hao giống mình.
Nàng ta quay nhìn hai nàng kia, hỏi nhỏ bằng tiếng Mán:
- Này, hai em có thấy tên công tử người Kinh lại có nét mặt hao hao giống chị không?
Mãi lúc đó, hai nàng mới chợt để ý và cũng tỏ vẻ ngạc nhiên thấy mặt chàng trai Kinh phảng phất có nét giống nàng chúa Cả. Hai nàng kia cùng gật đầu. Nàng chúa Cả quay hỏi chàng trai:
- Phải chú em là Trần Dũng, con trai tuần phủ Cao Bằng Trần Hùng? Ta có nghe họ Trần có chàng con trai ngoài mười tám tuổi giỏi chữ nghĩa, thích nghề võ, phải chú em?
Tuy nhìn mặt cũng biết nàng chúa Cả hơn mình mấy tuổi, nhưng nghe nàng gọi mình là “chú em”, chàng ta cũng tức lắm, dõng dạc đáp:
- Chính ta! Giờ bắt được, muốn giết cứ giết còn hỏi chi cho thừa lời?
Nàng ta nheo mắt, gật gù:
- Chú em bướng nhỉ? Đầu xanh tuổi trẻ không sợ chết sao?
Chàng trai họ Trần cao giọng:
- Ai không muốn sống? Nhưng sống nhục ta không cần sống!
Nàng chúa Cả ra hiệu cho chàng trai ngồi yên, đoạn ngoảnh sang hỏi:
- Cha con lão khách đâu?
Hai cha con lão khách Quảng Tây bước ra. Nàng chúa Cả nhìn chòng chọc hỏi:
- Phải người Quảng Tây sang Nam? Nghề lạc thảo hay quan nhân?
Điềm nhiên, lão khách đáp:
- Lạc thảo!
Nàng chúa Cả nheo mắt:
- Ta nghe chúng nói lão bắn kích pháo hay lắm, bên đất Tcheng Ngan Fon xưa có một viên tướng thổ phỉ râu xồm bắn “pháo” khét tiếng “Thần pháo Tiên sinh” lão có biết chăng?
Lão khách gật đầu:
- Có biết! Nhưng cô chúa hỏi làm gì?
- Ta nghe tiếng hỏi vậy thôi!
Lão khách vuốt râu:
- Thần pháo tiên sinh Trại Hứa Chử Woòng Tắc Mềnh chính là anh ruột ta đó. Còn ta là Woòng Tắc Lềnh, con ta là Woòng Cẩm Tiên!
Cặp mắt phượng của nàng chúa Cả chợt sáng long lanh nhìn hai cha con lão họ Woòng, đoạn ra hiệu ngồi yên gọi:
- Đội Đầu Lâu đâu?
Viên đội lính dõng bước ra. Nàng chúa Cả vỗ bàn quát:
- Đội Đầu Lâu! Ngươi dám dàn binh chống cự với quân ta, làm thiệt hại nhiều mạng, tội ngươi lớn lắm, mà đầu còn trên cổ được sao?
Không sợ hãi, viên đội dõng cười lớn, dùng tiếng địa phương đáp:
- Ta giữ nhiệm vụ tiễu trừ giặc cỏ, dẫn lính tới hồ Ba Bể, thấy giặc giết người, đòi tiền mãi lộ còn ngang nhiên cắm biển đòi du khách thổ dân, lái buôn phải mua đầu lâu của người ta, mà lính nhà nước không nổ súng sao được!
Nàng chúa Cả cười thét:
- Lính dõng nói mạnh bạo dữ à! Để xem lúc thành quỷ không đầu, còn bạo nữa không?
Đội Đầu Lâu có lẽ cũng thừa hiểu sa tay quân hồ Ba Bể là coi như đã chết, nên cứ ngửa mặt cười ngạo nghễ.
Nàng chúa Cả quay sang nói nhỏ chi với hai nàng kia, ba nàng bàn nhau giây phút, chợt bỗng chúa Cả nghiêm mặt quát:
- Các ngươi dám kháng lệnh chúa hồ Ba Bể, tội nặng đáng tử hình! Nhưng nghĩ lại các ngươi là kẻ biết bắn súng, chưa biết oai chúa hồ, kháng cự cũng là sự thường, nên ta châm chước! Vậy nghe đây, Trần Dũng, đội Đầu Lâu phải viết thư về Cao Bằng, Bắc Cạn, xin tiền chuộc đầu cho cả bọn, Woòng Tắc Lềnh phải viết thư về Quảng Tây gọi Thần pháo sang đây, chúa hồ cần một tay bắn kích pháo giỏi! Bây đâu! Đem giấy bút ra đây!
Bọn nữ binh dạ ran, vào mang giấy bút ra. Woòng Cẩm Tiên vùng quát:
- Khỏi phải viết giấy, sẽ có người tìm tới mượn đầu các ngươi!
Nàng chúa Hai quắc mắt quát:
- Ả kia! Đã bị bắt, mạng treo sợi tóc, còn dám buông lời ngạo nghễ, không sợ chết sao?
Woòng Cẩm Tiên cười khanh khách:
- Ả ỷ đông quân, bắt được người, tưởng ai cũng sợ chết khom lưng quỳ gối trước ả sao? Muốn giết cứ giết, ta đâu có sợ?
Nàng chúa Cả thấy cô gái Tàu bướng bỉnh, chỉ nhếch miệng cười, giơ tay làm hiệu cho cô em ngồi yên. Lão khách râu xồm Woòng Tắc Lềnh cũng đưa mắt cho con gái.
Nàng chúa Cả nói một tràng vừa tiếng Tàu, vừa tiếng Kinh, làm cả đám tù nhân đều lộ vẻ ngạc nhiên hết sức:
- Ta xử như thế chưa đủ lượng dung người sao? Theo luật hồ Ba Bể, kẻ nào kháng lệnh đều bị bêu đầu, nay ta cho chuộc đầu là đã có lòng biệt nhỡn đó, các người nghĩ sao?
Đám “tù nhân” nhìn nhau, chưa thể quyết đoán nàng nữ chúa hồ Ba Bể có ý cho chuộc mạng hay có âm mưu gì. Nhưng lão khách Quảng Tây cũng vuốt râu bảo:
- Kẻ làm nghề lạc thảo mà biết nghĩ đến món lợi tiên chuộc mạng muôn quân, cũng đáng là tay biết nghề đó. Nhưng nàng quên là những kẻ như bọn ta lại dùng tiền, anh trai chuộc mạng, còn gì danh dự nữa?
Nàng chúa Cả lạnh lùng:
- Ta cho chuộc chưa đủ độ lượng chăng?
Chàng trai Kinh vùng nói lớn:
- Không phải độ lượng, mà là khôn ngoan xảo quyệt! Chém đầu người bêu ngọn giáo, thị oai là hạ sách. Sống thác đều có số, chắc người thân của bọn ta sẽ có cách “nói chuyện” với hồ Ba Bể! Tưởng các nàng cũng chẳng cần phải đòi bọn ta viết giấy về!
Nàng chúa Hai quắc mắt, đầy vẻ giận, nhưng nàng chúa Cả vùng ngửa mặt cười lớn:
- Nếu đúng như lời chú em, ta sẽ được thêm mẻ cá lớn hơn!
Bất thần, nàng ta vụt đổi sắc, vỗ chát xuống bàn, quát:
- Trước hết, ta chặt đầu mớ cá nhỏ này, lấy xương, đầu treo giữa hồ cũng đủ làm mồi bắt lũ cá lớn rồi! Bây đâu! Giải cả về nhà giam, sớm mai làm lễ tế cờ!
Quân lính dạ ran. Bọn Khiên La tiến ra, điệu luôn đám “tù nhân” đi.
Không ai sợ hãi, tất cả cùng cất tiếng cười ngạo nghễ.
Tiếng cồng rền rĩ nổi lên, chờn vờn “đi” theo đám “tù nhân” về bên kia núi.
Khi về đến khu động giam, nghe tiếng kẻng cầm canh, mới hay chưa hết canh ba.
Lần này, Khiên La lại giam thầy trò Trần Dũng, cha con lão khách Woòng Tắc Lềnh, bộ hạ, cùng viên đội dõng Đầu Lâu với mấy viên quan vào chung một căn động khá rộng, còn bao nhiêu giam quanh đấy.
Lát sau, lại có bọn quân hồ Ba Bể đem chiếu mền tới và mấy mâm thịt nướng xôi nếp, có cả rượu ngon, trà nước.
Bọn Trần Dũng ăn xong ngồi quây quần uống trà, bàn chuyện nhỏ. Ai cũng lấy làm lạ về tính nết bất thường của nàng chúa Cả hồ Ba Bể, nhất là nhan sắc, tài nói giỏi tiếng Tàu, tiếng Kinh của nàng.
Lát sau, vì mệt mỏi, nhiều kẻ bị thương, nên cả đám nằm quay ra ngủ, phó mặc cho thân thế, số mạng.
oOo
Trong khi chàng trai Trần Dũng bị bắt giải về sào huyệt quân hồ Ba Bể, thì quản Đô nhảy được xuống hồ, dùng nghề lặn, tháo về phía xế bắc.
Nhờ khi đó quân hồ Ba Bể còn ở ngoài xa, mấy nàng đầu lĩnh bị chàng trai Kinh cản lại, nên quản Đô thoát được vùng nguy hiểm, kiếm chỗ mũi ghềnh bờ bụi kín đáo, trồi lên luồn rừng, thoát xa vùng hồ nước.
May thay đang thất thểu, quản Đô lại gặp ngay một con ngựa vô chủ còn nguyên cả yên cương lạc lõng trong rừng.
Quản Đô mừng rỡ, bắt ngựa, kiếm lối về sơn trấn Cao Bằng.
Xế trưa, Cao Bằng vẫn tấp nập kẻ qua người lại, xe ngựa từng đàn, dân sơn cước Kinh, Thổ, Mán, Nùng, Tày... từ các bản động xa đổ về như nước, vì hôm đó nhằm ngày phiên chợ.
Trong tư dinh tuần phủ, bàn ăn đã dọn sẵn, gia nhân nam nữ rộn rịp bưng các món ăn lên, vẻ bận như nhà có khách.
Cạnh bàn ăn có một người đàn bà dáng dấp quý phái, đang đứng sửa lại mấy cành hoa cắm trong bình.
Chỉ nhìn qua, ai cũng biết ngay đó là một bà mệnh phụ thuộc giòng dõi quan sang đã nhiều đời, nhưng nét mặt chỉ hiện rõ vẻ quý phái đoan trang, mà phúc hậu khác thường, không giống một số các bà vợ quan to kênh kiệu đài các rởm đương thời!
Có điều hơi lạ là bà phu nhân này chỉ trạc ba mươi bảy, ba mươi tám, tuyệt đẹp, nhưng ngoài tấm nhan sắc hoa nhường nguyệt thẹn, mặt bà ta vẫn phảng phất vẻ buồn rầu man mác, tuy cố giữ không tiết lộ ra ngoài. Đôi lúc ánh mắt vẫn hiện rõ vẻ thê lương u uẩn.
Sửa xong bình hoa, chợt phu nhân thoáng vẻ khắc khoải, lững thững ra thềm dinh tiền, nhìn xuống đồi. Ngoài thêm lúc đó có hai, ba viên cai đội “xà cạp trắng” đứng lảng vảng đang nói chuyện với nhau.
Thấy phu nhân bước ra, cả bọn quay lại chào kính cẩn. Bà ta đáp lễ, nhìn ra xa, như nói một mình:
- Quái! Sao giờ này chưa có ai về nhỉ? Chú đội Cao à! Sao tôi thấy sốt ruột quá!
Người có tên đội Cao là một gã trung niên, cao độ thước tám, có ria quặp như chiếc ghi-đông xe đạo, mắt một mí, coi gan lì hơn người. Nghe phu nhân hỏi giọng đầy lo ngại, viên đội cận vệ kính cẩn bảo:
- Bẩm bà lớn chớ ngại! Dạo này cả vùng Cao Bắc Lạng yên ổn lắm! Bẩm lại có bác quản Đô, đội Lạc đi theo cậu ấm cả, giặc cướp nào dám động tới! Cậu ấm cả lại giỏi võ!
Phu nhân hơi nhăn mặt, nhìn đội Cao, khẽ trách:
- Tôi đã dặn các chú mãi mà chẳng ai nhớ! Đã bảo đừng gọi thế mà! Chú biết có ai ưa kiểu cách thế đâu?
Đội Cao nhe răng cười:
- Dạ, quen mồm bỏ không được, vả lại cả thiên hạ gọi thế mà... bà lớn!
Phu nhân lắc đầu, cười dịu dàng bảo:
- Chú cũng biết nhà tôi đâu muốn làm quan? Nhà nước thăng chứa cho về xuôi, ông còn xin ở lại trấn rừng mà.
Lời vừa dứt bỗng nghe tiếng còi xe hơi, phu nhân cùng bọn đội Cao vội nhìn xuống, thấy một chiếc xe đen, lính bám quanh chạy thẳng lên đồi, đậu bên thềm.
Lính nhảy xuống, mở cửa cho một viên quan trung niên bước ra.
Đó là một người tầm thước, mặt mày khôi ngô, quắc thước, mặc áo cà sa, ngực đeo bài ngà, đầu chít khăn nhiễu Tam Gian, tuy tuổi đã bốn lăm, bốn sáu, vẫn còn hiện rõ vẻ uy nghi khoáng đạt của kẻ giang hồ ngang dọc một thời, không ưa bị đời kiềm toả.
- Kìa ông đã về?
- Bà mạnh chứ?
Ông ta bước nhanh lên thềm, nở nụ cười đầm ấm, nhưng vụt trầm ngay mặt hỏi:
- Thằng Dũng về chưa?
- Dạ chưa!
- Tôi được tinh hình như vùng hồ Ba Bể có loạn!
Giật mình, người đàn bà kêu nhỏ:
- Trời! Hồ Ba Bể có loạn? Loạn gì thế, ông? Thằng Dũng nhà mình đi chơi hồ...
Viên quan nhìn vợ. Mặt bà đột nhiên xanh tái hẳn đi, hiện rõ vẻ khủng khiếp lạ thường, khiến ông ta lộ vẻ ái ngại, vội nắm lấy tay vợ bảo:
- Không phải loạn rừng đâu! Hình như có đám giặc nổi lên bắt du khách, dân buôn phải nộp tiền mãi lộ đó thôi! Bà chớ ngại!
Ông ta dìu vợ vào phòng khách. Bọn đội Cao cùng toán tuỳ cận đứng cả ngoài thềm, vẻ mặt đăm chiêu.
Viên quan trung niên này không ai khác viên tuần phủ biến chuyển Trần Hùng.
Ông ta ngồi xuống ghế, tháo dây đeo súng lục ném lên bàn bảo vợ:
- Thằng Dũng chắc sắp về!
Người đàn bà đứng bên, đầy lo lắng:
- Nếu giặc nổi lên tại hồ Ba Bể, tôi sợ thằng Dũng nhà mình không chịu để yên đâu, tính nó khác lắm!
Viên quan không nói chi, mặt lộ vẻ điềm nhiên cho vợ an lòng, nhưng vẫn không dấu được nét lo kín đáo.
Người đàn bà rót một chén trà nóng dâng chồng. Hai người đang nói chuyện bỗng nghe ngoài thềm có nhiều tiếng xôn xao, giọng đội Cao kêu lớn:
- Coi kìa! Bác quản Đô! Sao về có một mình?
Hai vợ chồng viên tuần phủ vụt nhìn nhau, bước nhanh ra ngoài.
Dưới đồi, có một bóng người cỡi ngựa chồm lên, theo con đường lượn quanh co, dừng phắt trước cổng tiền. Người lính gác chạy ra đón. Đó chính là quản Đô.
Viên tuần phủ vùng hỏi lớn:
- Có chuyện gì đó, chú quản?
Quản Đô nhảy ba bước, vào thềm, mặt mày hiện rõ vẻ hoảng hốt, chực nói luôn nhưng thấy quan bà đứng đó, mặt xanh mét, y lại hãm được, thở phào, nhìn mọi người, nhìn viên tuần phủ như ngầm hỏi ý.
Viên quan hỏi luôn:
- Phải “có biến” tại hồ Ba Bể? Cứ nói!
Quản Đô lau mồ hôi, quần áo xộc xệch, rách bươm, vết thương máu xỉn, coi thảm hại, y nói như thanh:
- Giặc nổi dậy chiếm cứ vùng hồ Ba Bể. Cậu Dũng và bọn đội Lực bị chúng bắt rồi!
Phu nhân kêu “Trời ơi” bi thảm, viên quan đỡ lấy vợ, an ủi, đoạn vẫy quản Đô:
- Bình tâm tĩnh trí, vào đây, kể lại đầu đuôi ra sao?
Quản Đô theo chủ vào phòng khách.
Đội Cao rót ly nước đầy đưa cho y uống xong, quản Đô vò đầu.
- Bọn này rất mạnh tợn, cầm đầy là mấy con mụ đàn bà. Bọn tôi cùng cậu cả đến hồ, thấy chúng ra cắm biển “bán đầu lâu”, bắt ai cũng phải mua đầu mình, bọn tôi thấy có năm mười tên mới ra tay, đánh đuổi tận hồ. Nào dè chúng kéo ra đông như rươi, giết chết cai Tính, con nữ chúa cố bắt cậu Cả. Không ngờ nó giỏi quá, thả cặp liềm bay vùn vụt vô cùng lợi hại! Cậu Cả đuổi tôi nhảy xuống hồ về báo tin!
Ngừng ít giây, quản Đô tiếp tục kể lại cuộc quần thảo, bộ mặt gan góc của y còn in rõ nét kinh mang.
Viên quan nghe xong, trầm ngâm mười khắc, hỏi:
- Chú có chắc cậu Dũng nhà bị bắt không?
Viên quản gật đầu:
- Dạ chắc! Hình như cả ông đội dõng Đầu Lâu Bắc Cạn và một bọn khách Quảng Tây nữa! Vì lúc đó, tôi đã thoát lên rừng, có nghe vọng hò hét nên mới dám chắc! Vả chính con nữ chúa đã truyền bắt sống, nếu không đã nguy cả rồi!
Hai vợ chồng viên quan hỏi thêm từng chi tiết, viên tuần phủ vụt cao giọng:
- Đội Cao! Chú sang trại cơ binh xà cạp trắng, gọi quản Báo, quản Hổ sang đây, mau! Đưa xe đón cho chóng!
Đội Cao vọt đi. Viên tuần phủ bảo đám thuộc hạ:
- Tất cả vào ăn uống cho no! Trong nhà sẵn bàn tiệc!
Phu nhân đưa cả đám vào, thầy trò cùng ngôi ăn uống thân mật. Mới được tuần rượu, thì quản Hổ, quản Báo tới. Đó là hai người cao lớn, tuổi ngót 40 mặc quần áo ka-ki vàng, quấn xà cạp trắng. Quản Hổ người Thổ Cao Bằng, quản Báo người Kinh, da ngăm bánh mật.
Cả hai chào kính cẩn:
- Bẩm “cụ lớn” có việc gì sai khiến?
Viên tuần phủ trỏ ghế:
- Ngồi ăn uống đã! Ăn xong lên đường có chuyện khẩn cấp!
- Bẩm... chuyện gì thế?
- Cậu Dũng và bọn đội Lực bị giặc hồ Ba Bể bắt, giặc mạnh lắm, có lẽ phải lấy thêm lính khố xanh, quản Đô mới thoát về!
Quản Hổ, quản Báo vòng tay cúi đầu đồng vâng dạ, rồi răm rắp y lệnh. Chỉ ít lâu sau, quan lính đã hăng hái tiến nhanh về phía hồ Ba Bể nhằm giải thoát Trần Dũng cùng đám người bị nữ chúa hồ Ba Bể giam giữ giữa chốn sơn lâm.

Hồi trước Hồi sau

"Ủng hộ" mình duy trì website nhé.
Đổi DNS sang 8.8.8.8 và 8.8.4.4 để vào web nhanh hơn, chi tiết search Google cách đổi dùm mình.
Link aff nếu mua hàng từ 2 sàn: shopee ở đây còn lazada ở đây.